Đại sứ Nhật nêu cách nhận biết dấu hiệu bị lừa đảo với du học sinh Việt
Đại diện chính phủ Nhật Bản lên án các công ty thiếu đạo đức, đẩy nhiều du học sinh và thực tập sinh vào con đường sai lầm.
17:30 23/01/2019
Các thực tập sinh Việt Nam trong một lớp học tiếng Nhật. Ảnh: TTXVN.
"Các bạn trẻ Việt Nam đến Nhật Bản với nhiều ước mơ và hoài bão, không có bất kỳ ai đến với mục đích ban đầu là phạm tội. Tuy nhiên có những người coi giấc mơ của các bạn trẻ là nguồn kiếm lời và đẩy các bạn vào con đường đó", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda, hôm nay khẳng định. Ông Umeda nói trong Hội thảo cung cấp thông tin cho du học sinh và thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang Nhật Bản.
Đại sứ nêu ba điểm mà người Việt cần lưu ý trước khi sang Nhật Bản, đó là không sử dụng dịch vụ của các công ty môi giới và phái cử thiếu đạo đức, không trả phí môi giới cao và không đi du học với mục đích kiếm tiền.
Theo đó, các dấu hiệu để nhận dạng các công ty lừa đảo là họ tuyên bố "Đi Nhật Bản vừa học vừa làm có thể kiếm được nhiều tiền", "Chúng tôi cố gắng thu xếp để các bạn có thể đi Nhật Bản sớm" và "Đại sứ quán Nhật Bản là chỗ quen biết, có thể xin được visa".
Từ đó các công ty này yêu cầu các du học sinh, thực tập sinh trả phí môi giới với nhiều lý do khác nhau, dẫn tới việc họ mang một gánh nợ trước khi đến Nhật Bản. Có nhiều người phải vay tiền của người thân hoặc các công ty tài chính.
Đại sứ khẳng định trên thực tế các bạn trẻ Việt Nam không thể vừa đi học tại trường tiếng Nhật vừa làm thêm để trả nợ.
"Khi đó, công ty môi giới sẽ lôi kéo các bạn vào các tổ chức chuyên đi đánh cắp", ông nói. Với những người đi theo diện thực tập kỹ năng, các doanh nghiệp Nhật Bản thiếu đạo đức sẽ không trả tiền lương ngoài giờ cho người lao động. Bên môi giới sẽ dụ dỗ rằng họ có thể kiếm được lương cao hơn nếu như bỏ trốn.
Bà Yoshiko Okada, Trưởng đại diện Văn phòng Jasso Việt Nam, tổ chức chuyên hỗ trợ sinh viên của Nhật Bản, cho biết ước tính phí sinh hoạt một tháng của du học sinh Việt Nam là 17 triệu đồng, khoản thu nhập từ làm thêm theo quy định không quá 28 giờ/tuần chỉ khoảng 13 triệu. Do đó việc làm thêm không thể bù đắp được chi phí.
Về điều kiện để người Việt làm việc tại Nhật Bản, ông Momoi, Bí thư phụ trách của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cho biết có 3 loại. Đó là người đến Nhật Bản để thực tập kỹ năng (vừa làm việc cho doanh nghiệp vừa tiếp thu kỹ năng, ở tối đa 5 năm), những người được doanh nghiệp Nhật tuyển dụng, tốt nghiệp đại học và 3 năm kinh nghiệm và người có kỹ năng đặc biệt (đã hoàn thành ba năm thực tập kỹ năng).
Ông Momoi lưu ý người Việt cần có Giấy chứng nhận tư cách lưu trú do công ty hoặc trường của Nhật Bản làm thủ tục trước. Đó là cơ sở để xin visa trên 90 ngày. Vì thế việc các công ty tuyên bố visa dưới 90 ngày (visa du lịch) có thể dùng để làm việc tại Nhật Bản là lừa đảo.
Những người thực tập kỹ năng tại Nhật Bản chỉ phải trả phí phái cử dưới 3.600 USD với hợp đồng ba năm, phí đào tạo trước khi xuất cảnh là 5.900.000 đồng. Ông Momoi khuyến cáo tất cả cần lấy phiếu thu khi nộp các khoản phí và liên hệ trực tiếp với cơ quan phái cử, không qua môi giới.
Ông Phạm Chí Cường, Cục phó Cục hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và đào tạo cho hay hiện có 72.000 lưu học sinh tại Nhật Bản. Tỷ lệ phạm pháp tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa tìm hiểu kỹ thông tin, đi vay mượn để trả phí cao, khiến phải kiếm tiền trả nợ.
Theo ông Vũ Trường Giang, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động thương binh và xã hội, hiện Việt Nam có gần 145.000 thực tập sinh tại Nhật Bản, là nước có số lượng cao nhất. Từ 2015 đến nay số lượng thực tập sinh đến Nhật tăng gấp 5 lần. Với số lượng công ty phái cử lớn, gần 290, việc họ cạnh tranh không lành mạnh, cắt quyền lợi của thực tập sinh dẫn tới chi phí cao. Ông Giang khẳng định năm 2019 sẽ gia tăng rà soát, loại bỏ doanh nghiệp phái cử và tiếp nhận xấu ở cả Việt Nam và Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản cho hay hiện có khoảng 300.000 người Việt đang lưu trú tại Nhật Bản và hỗ trợ phát triển kinh tế Nhật, đồng thời thực hiện các mục tiêu học tập của bản thân. Việt Nam đã trở thành nước quan trọng nhất trong hỗ trợ Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Mối quan hệ Việt - Nhật đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Các cựu du học sinh Việt Nam đang đóng góp là cầu nối cho sự phát triển của mối quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, điều vô cùng đáng tiếc là trong vòng 3-4 năm gần đây, Việt Nam đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài, với hơn 90% là tội trộm cắp, và số thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản.
Đại sứ cho biết các cuộc hội đàm cấp cao giữa Việt Nam và Nhật Bản, hai bên đều thảo luận về các biện pháp xử lý các công ty môi giới thiếu đạo đức và tiếp nhận lao động không phù hợp. Chính phủ Nhật Bản đang hợp tác với Việt Nam trong việc nghiêm túc thực hiện các hoạt động nhằm loại bỏ các công ty môi giới, công ty phái cử lừa đảo.
"Mong muốn tha thiết của Đại sứ quán Nhật là giảm bớt, dù chỉ một người để các bạn trẻ không bị các công ty và bên môi giới thiếu đạo đức lừa đảo, dẫn tới phạm tội và bị bắt", Đại sứ bày tỏ.
Nguồn: vnexpress.net
Tỷ phú tài ba Warren Buffett: Chẳng cần học đâu xa, chỉ cần hoàn thiện kỹ năng quen thuộc này là bạn đã bước gần hơn tới thành công
"Không có kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ chẳng thể thuyết phục ai mặc cho bạn có tài năng cỡ nào đi chăng nữa", theo Warren Buffett.