Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống

Dù đã chuyển sang mừng năm mới theo dương lịch hơn 100 năm, người Nhật vẫn giữ những nét truyền thống như dựng cây Kadomatsu đón Thần Năm mới, đi lễ chùa, treo bùa trừ tà Shimekazari,...

16:00 01/01/2019

Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống - Ảnh 1.

Đạo sĩ Thần đạo trong một buổi lễ chuẩn bị mừng năm mới ở Đền Minh Trị tại Tokyo tối 31-12-2018 - Ảnh: REUTERS

Năm 1873, sau cuộc Minh Trị duy tân, Nhật Bản chuyển sang mừng năm mới theo dương lịch. Theo năm tháng, đến nay nhiều người Nhật cho rằng ngày lễ mừng năm mới ở Nhật đang ngày càng trở nên giản dị và bớt đi ý nghĩa.

Mặc dù vậy, theo báo Japan Times, tất cả người Nhật vẫn đồng ý rằng ngày đầu tiên của năm mới vẫn còn nguyên giá trị và là ngày quan trọng nhất. Có nhiều điểm tương đồng thú vị giữa cách mừng năm mới theo dương lịch của người Nhật và tết âm lịch của người Việt.

Vào đêm giao thừa, tất cả các chùa chiền trên đất Nhật sẽ gióng 108 hồi chuông, tượng trưng cho việc xua đi 108 điều phiền não của con người theo quan niệm của Phật giáo. 

Sau giao thừa, người dân Nhật sẽ bắt đầu đổ về các ngôi chùa, thắp hương và cầu nguyện cho những điều may mắn trong năm mới.

Người ta cũng có tục rút quẻ, giống như xin xăm ở Việt Nam. Nếu may mắn rút được quẻ tốt, họ sẽ đem về nhà với niềm hoan hỉ. Nhưng nếu rút phải quẻ không tốt, họ sẽ buộc nó tại các cành cây trong chùa để tránh mang theo xui rủi trong năm mới.

Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống - Ảnh 2.

Kadomatsu đặt trước nhà của người Nhật - Ảnh chụp màn hình

Vài ngày trước giao thừa, dù bận đến mấy người Nhật cũng sẽ dành thời gian để làm Kadomatsu đặt trước nhà.

Cũng giống như cây nêu Việt Nam được làm từ tre, Kadomatsu gồm 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông.

Các ống tre được xếp từ cao xuống thấp, tượng trưng cho chiếc thang để đón Thần Toshigamisam xuống hạ giới. Người ta tin rằng đây là vị thần truyền may mắn và những sinh lực mới cho gia chủ trong năm mới.

Riêng cành thông được sử dụng là vì người ta tin rằng nó sẽ giúp gia chủ đuổi ma quỷ - ý nghĩa khá giống cây nêu Việt Nam. Số cành thông phải là số lẻ, bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia hết nên sẽ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt.

Người Nhật còn treo Shimekazari - một loại bùa chú để đuổi quỷ vào nhà - đến hết ngày 7-1. Loại bùa này sau đó sẽ được đem đốt giống như người ta đốt vàng mã ở Việt Nam.

Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống - Ảnh 3.

Kagami mochi có hình dáng như những chiếc bánh dày xếp chồng lên nhau - Ảnh chụp màn hình

Người Nhật hay đùa vui thấy Kagami mochi là thấy tết. Loại bánh có hình dáng như những chiếc bánh dày xếp chồng lên nhau này được xem là sợi dây liên kết giữa các thần linh và con người.

Ngày 11-1 hàng năm được gọi là ngày dâng bánh Kagami mochi lên các thần linh. Bánh sau khi được dâng cúng sẽ được chia đều cho tất cả mọi người cùng ăn để cùng hưởng lộc, phước và bình an trong năm mới.

Người Nhật rất tin tưởng vào những điều đầu tiên làm trong năm mới nên sẽ hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, từ việc quét nhà, tắm rửa đến nằm mơ, khai bút,..

Năm mới ở Nhật là sự giao thoa giữa các truyền thống Á Đông và tây phương, giữa nhiều tôn giao khác nhau như Phật giáo, Thần đạo. Nhưng dù thế nào, nó vẫn hướng đến những điều tốt đẹp, những chân-thiện-mỹ của con người trong năm mới.

Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống - Ảnh 4.

Các đạo sĩ Thần đạo trong một buổi lễ chuẩn bị mừng năm mới ở Đền Minh Trị tại Tokyo tối 31-12-2018 - Ảnh: REUTERS

Theo: dantri.com

Tags:
Cô gái Việt một mình khám phá khu rừng t.ự s.át ở Nhật Bản

Cô gái Việt một mình khám phá khu rừng t.ự s.át ở Nhật Bản

Dù đi Nhật cùng vài người bạn, chỉ một mình Lan Uyên quyết tâm vào khu rừng Aokigahara - nơi nổi tiếng với các vụ t.ự t.ử.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất