Hiện tượng âm nhạc Mỹ, Don Hồ 58 tuổi, chưa lập gia đình: Từ cậu bé nghèo, phải bỏ xứ đi trở thành hiện tượng âm nhạc khắp Châu Âu, Châu Úc

Có thể nói Don Hồ là một trong những nam ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc hải ngoại từ thập niên 1980. Có một thời gian dài anh liên tục làm mưa làm gió trên khắp các sân khấu âm nhạc lớn nhỏ từ Mỹ cho đến Âu Châu và Úc Châu

21:51 28/10/2022

Nhà báo Trường Kỳ từng nhận xét rằng ở đâu có người Việt sinh sống thì ở đó đều đã từng có mặt Don Hồ. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng đối với các sân khấu ca nhạc ở hải ngoại, bởi vì khi rời Việt Nam 40 năm trước (1980), Don Hồ vẫn chưa từng về lại.

Don Hồ gây ấn tượng với khán giả với giọng hát rất đặc biệt và khác biệt, với dáng vẻ bề ngoài tự tin và bản lĩnh, cùng với trang phục hầu như lúc nào cũng rực rỡ. Thành công của Don Hồ trong sự nghiệp hơn 30 năm qua không phải là ngẫu nhiên, mà chính nhờ sự phấn đấu, học hỏi và sáng tạo trong từng tiết mục trình diễn. Anh cũng thường song ca với nhiều nữ ca sĩ, nổi tiếng nhất là với Ngọc Lan và Lâm Thúy Vân.

Ca sĩ Don Hồ tên thật là Hồ Mạnh Dũng, sinh năm 1962 tại Sài Gòn trong gia đình gốc Bắc di cư năm 1954 (cha quê Thanh Hóa, mẹ quê Nam Định). Don Hồ là con thứ 4 trong nhà, với 2 anh trai, 1 chị gái và 1 em trai.

Bố của Don Hồ là công chức có thời gian làm việc cho sứ quán VNCH tại Thái Lan, nên ngoại trừ 2 người anh lớn được gửi học nội trú ở trường Taberd Sài Gòn, còn 3 chị em nhỏ hơn vì chưa đến tuổi đi học nên sang Bangkok để ở cùng bố mẹ.

Khoảng năm 1972 thì gia đình quay trở lại Sài Gòn, Don Hồ theo học tại trường Tư Thục Rạng Đông (trước năm 1963 trường mang tên Aurore) ở góc đường Cao Thắng – Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Đây là ngôi trường Pháp văn nổi tiếng được thành lập từ năm 1949, nay mang tên là tiểu học Lương Định Của. Học hết tiểu học, Don Hồ lên học đệ thất ở trường Chu Văn An.

Thuở nhỏ Don Hồ từng đi học classical guitar theo trào lưu của bạn bè, nhưng chỉ được vài buổi thì thấy chán, sau đó chuyển sang học violin nhưng cũng không đến nơi đến chốn. Cuối cùng anh lại chuyển sang học vẽ và cảm nhận được mình có năng khiếu hội họa, từ đó đã gắn bó với lĩnh vực này cho đến khi sang đến Mỹ.

Sau năm 1975, gia đình Don Hồ lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Mặc dù bố của anh thoát khỏi tù đày nhưng phải sống ẩn dật, trốn tránh, nên việc mưu sinh của gia đình 7 miệng ăn đều do một tay người mẹ quán xuyến.

Từ một người chỉ toàn làm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, từ lúc đó mẹ của Don Hồ phải xông xáo ra ngoài đi kiếm tiền nuôi 5 người con vẫn đang tuổi lớn. Ban đầu bà đi bán giá (đậu xanh) ở ngoài chợ trời, nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì không thể cạnh tranh với người bán lâu năm, bà chuyển sang hàng ngày đạp xe đi buôn bán thuốc tây dạo.

Một dịp may mắn, tình cờ bà quen được với các ma soeur của dòng tu trong bệnh viện St. Paul trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và được các soeur tin tưởng giao cho trách nhiệm đi lùng thuốc tây cho bệnh nhân. Từ công việc đó, bà đã nuôi sống được gia đình.

Sau nhiều lần chuẩn bị, cả gia đình Don Hồ cùng nhau rời Việt Nam. Nhưng không may là tất cả các chuyến đi đều thất bại, mỗi lần như vậy thì bao nhiêu tiền tích góp đều cuốn gói ra đi. Cuối cùng họ quyết định tách nhau ra đi. Cuối năm 1980, Don Hồ cùng với người anh kế tên là Lân khởi hành từ Cà Mau, trên một chiếc tàu nhỏ hướng về Thái Lan. Sau mấy ngày ra khơi, chiếc tàu có mặt hai anh em đã bị hải tặc “hỏi thăm” trên 30 lần, có lần Don Hồ bị xách bổng lên quăng xuống vùng biển sâu hoắm, đen ngòm, phải tự bơi trở lại chiếc ghe đã bị rách toang hoác. May mắn là trước đó 2 năm anh đã được bố cho đi học bơi nên mới có thể sống sót giữa biển dữ.

Sau hơn nửa năm sống nổi trôi trong các trại tị nạn từ Thái Lan qua Singapore rồi Indonesia, anh em Don Hồ được được một hội nhà thờ bảo lãnh qua thành phố St.Louis, tiểu bang Missouri của Mỹ vào ngày 1 tháng 7 năm 1981, lúc này còn có thêm người anh cả tên là Thắng này cũng đi sau đó không bao lâu, được nhập chung một danh sách để cùng đến Mỹ. Vì chưa quen với khí hậu lạnh lẽo mùa đông, ba anh em cảm thấy khó khăn khi sống ở miền đất này, hàng ngày phải đón xe bus và đi bộ đến trường trong những ngày đông băng giá.

Cuối tháng 8 năm 1981, Don Hồ lần đầu được đi học trên đất Mỹ, đó là trường Trung Học Roosevelt Highshool, một ngôi trường có hình dáng bên ngoài giống như một toà lâu đài trong truyện thần thoại.

Don Hồ chỉ sống ở đây chỉ có 3 tháng nhưng phải ở trọ 2 chỗ khác nhau, rồi sau đó cùng với anh kế làm một chuyến băng ngang nước Mỹ để chuyển sang sống ở miền Nam California khi cả 2 đều không có tiền bạc trong người. Người anh cả chọn vẫn ở lại St Louis để tiện cho việc học hành.

Kể từ đó, cuộc sống của Don Hồ bước vào một giai đoạn mới, và trong những ngày đầu ở Nam California thì cuộc sống của anh vẫn rất khó khăn chưa có dấu hiệu là sẽ được sáng sủa hơn. Tình trạng chỗ ở vẫn chỉ là tạm bợ, qua ngày đoạn tháng. Chỉ trong vòng 3 tháng, họ đã phải thay đổi chỗ ở đến 3 lần, cùng với đó là phải chuyển trường 3 lần theo nơi ở.

Khi mới đến Nam California, anh em Don Hồ ở thành phố Costa Mesa trong một căn nhà nhỏ hẹp, chung tiền thuê với nhiều người khác cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên chỉ ở được 1 tháng thì chủ nhà phát hiện căn phòng vốn chỉ cho 2 người thuê đang chứa tới 6 người, nên tất cả bị đuổi khỏi nhà trọ.

Tiếp theo sau đó, không vì lý do này thì cũng lý do khác, cả năm trời 2 anh em Don Hồ bị đuổi ra khỏi nhà liên tục. Ở được 1-2 tháng, chưa ấm chỗ thì phải đi kiếm phòng khác. Đến cuối cùng thì vận may cũng tới khi 2 anh em họ mướn được căn phòng trên lầu của một người mà Don Hồ gọi là “bác Mai”, một phụ nữ người miền Trung lấy chồng là cựu binh Mỹ.

Ở nhà “bác Mai”, cuộc sống của 2 anh em bắt đầu ổn định hơn trước, không còn những ngày long đong xách túi dọn nhà.

Tại Nam California, ngôi trường trung học mà Don Hồ gắn bó lâu nhất là Valley High School ở thành phố Santa Ana, lúc đó anh đã 20 tuổi (nếu tính năm sinh là 1962), nhưng có thể đã khai giảm tuổi khi còn ở trại tị nạn để được đi học tại Mỹ, cũng như được nhận trợ cấp.

Tại ngôi trường này, Don Hồ tham gia lớp hát mang tên Chamber Singer, hát kiểu ca đoàn nhà thờ. Chính nhờ lớp nhạc này mà Don Hồ đã được rèn giũa khả năng hát, tự bè cho bài hát, chuẩn bị được hành trang quý giá để sau này trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Anh nói rằng nếu không được nhận vào lớp này thì cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác và không thể trở thành ca sĩ.

Khi đang học năm cuối trung học, Don Hồ cũng đủ tuổi để xin việc làm thêm. Anh được nhận làm bán thời gian sau giờ học, làm chân bồi bàn cho hệ thống nhà hàng Sizzler tại Santa Ana.

Cho đến lúc đó, tên của anh vẫn là Hồ Mạnh Dũng, và khi sang Mỹ thì bị đảo ngược thành Manh Dung Ho.

Khi đi làm thêm, mỗi người có một tấm thẻ chấm công, tên của anh bị quản lý ghi nhầm thành Man Dung Ho, trong đó chữ “Dung” với “Ho” trong tiếng lóng của người Mỹ không được đẹp, thậm chí còn… không được thơm tho cho lắm. Khi bị đồng nghiệp châm chọc vì cái tên này, Hồ Mạnh Dũng chọn một cái tên khác, đó chính là Don Hồ, với chữ Don được nói trại đi từ tên Dũng.

Sau này khi chập chững đi hát, không biết lấy nghệ danh gì, anh bèn dùng luôn tên Don Hồ trên giấy tờ cho tiện. Lúc lấy tên này, anh không hề biết rằng bên Hawaii của Mỹ đã có một danh ca rất nổi tiếng tên là Don Ho (sinh năm 1930, mất năm 2007).

Tuy nhiên có thể nói sự trùng hợp này có thể coi là dấu hiệu báo trước về cuộc đời ca hát rất thành công của Don Hồ người Việt Nam thời gian sau đó.

Hơn nữa, cũng nhờ ở sự trùng hợp với tên người nam ca sĩ người Mỹ này mà Don Hồ người Việt đã chiếm được cảm tình của các thầy cô giáo vốn hâm mộ Don Ho người Mỹ. Thậm chí anh còn học thuộc lòng nhạc phẩm nổi tiếng “The Tiny Bubble” của nam danh ca Don Ho người Mỹ để hát cho thầy cô và bạn bè nghe.

Học xong trung học, Don Hồ bước chân vào College và bắt đầu rất hứng thú với những giờ học nhạc tại Orange Coast College. Trong 2 năm cuối học tại đây, anh bắt đầu có nhiều đóng góp cho văn nghệ của trường với một nhóm gồm 4 người bạn thân, trong đó có Mai Khanh là con gái của nhà văn Nhật Tiến.

Nhờ những hoạt động tích cực đó mà Don Hồ đã được bầu là hội trưởng Hội Học Sinh Việt Nam tại Orange Coast College vào năm 1985, cũng là năm cuối cùng anh theo học ở đây.

Sau khi ra trường, Don Hồ bắt đầu tham gia sinh hoạt văn nghệ. Thời gian nửa cuối thập niên 1980, anh đi hát ở nhiều phòng trà, nhưng nghề ca hát không thể nào đủ để trang trải ᴄuộᴄ sống hàng ngày, nên ngᴏài những lúᴄ đi hát, Don Hồ vẫn ᴄòn giữ ᴄái ᴄông việᴄ chạy bàn bán thời gian trᴏng hệ thống nhà hàng Sizzler như thời còn đi học.

Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp ca hát của Don Hồ là sau đó anh tham gia ban nhạc Boléro của nhạc sĩ Duy Hạnh, đồng thời anh cũng tự nhận thấy giọng hát của mình còn kém cỏi nên đã ghi tên theo học những lớp luyện thanh.

Nhờ chăm chỉ luyện tập, và cũng nhờ kinh nghiệm khi hát trong ban nhạc Boléro, Don Hồ có được cơ hội tiến xa hơn trong sự nghiệp. Vào đầu thập niên 1990, ban nhạc Boléro được trung tâm Thúy Nga mời xuất hiện trên chương trình Paris By Night 12 với chủ đề xoay quanh những liên khúc nhạc trẻ. Trong phần trình diễn của ban nhạc, Don Hồ đã trình bày 2 ca khúc Em Đẹp Như Mơ và Black Magic Woman.

Đã hơn 30 năm qua đi trên chặng hành trình ca nhạc của Don Hồ, tham gia cả 2 trung tâm âm nhạc lớn nhất hải ngoại là Thúy Nga và Asia, có thể nói Don Hồ là một trong vài nam ca sĩ thành công nhất tại hải ngoại. 

Tags:
Gần 40 mà như gái 18, nàng Việt kiều gây bất ngờ với mẹo dưỡng da từ năm 14 tuổi!

Gần 40 mà như gái 18, nàng Việt kiều gây bất ngờ với mẹo dưỡng da từ năm 14 tuổi!

Thoa kem chống nắng từ khi 14 tuổi, cô gái Nguyễn Bảo Ngọc đã ngoài 30 mà ai cũng nghĩ mới 18 tuổi. Cùng học hỏi bí kíp làm đẹp của cô nhé.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất