Dấu ấn Trump trong đối sách của chính quyền Biden
Bóng dáng chính sách của cựu tổng thống Trump vẫn tiếp tục bao phủ lên những ưu tiên chiến lược mà chính quyền Biden theo đuổi.
11:08 26/07/2022
Một cái chạm nắm đấm tay và cuộc gặp với Thái tử Arab Sadi, duy trì thuế quan và kiểm soát xuất khẩu vào Trung Quốc, coi Jerusalem là thủ đô của Israel và rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, đây đều là những chiến lược hay quan điểm chính sách được vạch ra từ thời chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau hơn một năm rưỡi nhiệm kỳ, cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với các ưu tiên chiến lược cho thấy nhiều điểm tương đồng một cách đáng kinh ngạc với những chính sách mà người tiền nhiệm từng theo đuổi, theo các cựu quan chức Mỹ và chuyên gia phân tích.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ thoát khỏi con đường mà chính quyền Trump đã thực hiện và với một số chính sách đối ngoại, có thể nói ông phần nào đã làm được điều đó. Ông nỗ lực hàn gắn các liên minh, đặc biệt là ở Tây Âu, vốn đã bị cựu tổng thống Trump làm suy yếu bằng những tuyên bố "nước Mỹ trên hết" của mình, hay những lời chỉ trích nhằm vào các đồng minh, đối tác.
Những tháng gần đây, chính quyền Biden nỗ lực biến Mỹ thành lãnh đạo một liên minh gây áp lực lên Nga bằng các lệnh trừng phạt. Ông cũng thúc đẩy các thể chế dân chủ và kêu gọi hợp tác toàn cầu trước những vấn đề như biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19.
Nhưng trong các lĩnh vực quan trọng khác, chính quyền Biden vẫn được đánh giá là không có những bước đột phá đáng kể, cho thấy Washington đang gặp khó khăn thế nào trong nỗ lực vạch ra đường lối chính sách đối ngoại mới.
Thực tế này được phản ánh trong tháng qua, khi Tổng thống Biden công du Israel và Arab Saudi nhằm thắt chặt mối quan hệ với hai quốc gia mà các quan chức chính quyền Trump từng thúc đẩy mạnh mẽ dưới cái gọi là Hiệp định Abraham.
Tại Arab Saudi, Tổng thống Biden gặp Thái tử Mohammed bin Salman, mặc dù trước đó ông thề sẽ khiến nước này phải trả giá vì các vi phạm nhân quyền sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Thái tử Arab Saudi đã ra lệnh giết nhà báo Khashoggi, nhưng ông Mohammed kiên quyết bác bỏ.
Ở hậu trường, Mỹ vẫn hỗ trợ đắc lực cho quân đội Arab Saudi trong cuộc chiến ở Yemen, dù ông Biden trước đó cam kết sẽ chấm dứt những viện trợ này vì các cuộc không kích của Arab Saudi khiến dân thường thiệt mạng.
"Các chính sách đang hội tụ, sự tiếp nối đã thành đặc trưng, ngay cả giữa những chính quyền khác nhau một trời một vực như Trump và Biden", Stephen E. Biegun, thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Trump, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời tổng thống George W. Bush, nhận xét.
Một số cựu quan chức và nhà phân tích ca ngợi các điểm tương đồng này, cho rằng chính quyền Trump, bất chấp nhiều sai sót, đã nhìn nhận đúng các thách thức quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và tìm cách đối phó với chúng.
Nhưng những người khác lại tỏ ra kém lạc quan hơn. Theo họ, các lựa chọn của Tổng thống Biden đã làm phức tạp thêm chính sách đối ngoại Mỹ và đôi khi đi chệch khỏi những nguyên tắc mà ông đã đề ra.
Các nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ chỉ trích cuộc gặp giữa ông với Thái tử Mohammed và việc Mỹ viện trợ quân sự cho Arab Saudi, mặc dù các quan chức chính quyền Biden đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian ở Yemen.
"Thời gian trôi qua và ông Biden vẫn chưa thực hiện được nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông ấy mắc kẹt với hiện trạng ở Trung Đông và châu Á", Emma Ashford, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét.
Cả chính quyền Trump và Biden đều phải vật lộn với câu hỏi làm thế nào để duy trì ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ ở vào thời điểm mà vị thế này đang suy giảm đáng kể. Trung Quốc đã trở thành một đối trọng và Nga ngày càng trở nên quyết liệt hơn.
Chiến lược an ninh của chính quyền Trump đã định hình lại chính sách đối ngoại Mỹ theo hướng "cạnh tranh cường quốc" với Trung Quốc và Nga, đồng thời không ưu tiên đối phó các nhóm khủng bố hay phiến quân khác. Chính quyền Biden đang tiếp tục đà phát triển đó, một phần vì những gì diễn ra ở Ukraine.
Tổng thống Biden chưa thể công bố chiến lược an ninh quốc gia của riêng mình, vốn được lên kế hoạch đưa ra vào đầu năm nay. Các quan chức chính quyền đang viết lại nó vì cuộc xung đột Nga - Ukraine. Văn kiện cuối cùng được cho là vẫn sẽ nhấn mạnh đến khía cạnh cạnh tranh giữa các quốc gia hùng mạnh.
Ông Biden từng nói Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, điều mà Ngoại trưởng Antony Blinken đã lặp lại trong phát biểu gần đây, dù Nga hiện mới là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ cũng như liên minh, giới quan sát đánh giá.
Khi cam kết rút quân khỏi Afghanistan, cả ông Trump và Biden đều đáp lại mong muốn của hầu hết công chúng Mỹ, những người đã quá mệt mỏi sau hai thập kỷ chiến tranh.
Đối với ông Biden, động thái này cũng là một cơ hội để giải quyết công việc còn dang dở. Trên cương vị phó tổng thống dưới thời Barack Obama, ông từng ủng hộ việc đưa lính Mỹ ở Afghanistan về nước, phù hợp với mục tiêu của Obama là chấm dứt "các cuộc chiến tranh vĩnh viễn". Tuy nhiên, ông khi đó bị các tướng lĩnh quân đội Mỹ phản đối.
Bất chấp cuộc rút lui hỗn loạn vào tháng 8 năm ngoái, khi Taliban tiếp quản Afghanistan, các cuộc thăm dò đã cho thấy hầu hết người Mỹ vẫn ủng hộ quyết định của Tổng thống Biden, chấm dứt can dự vào tình hình quốc gia Trung Đông này.
Ông Trump và ông Biden đều ủng hộ Mỹ giảm hiện diện quân sự tại các khu vực xung đột. Nhưng cả hai đều có những giới hạn ngăn họ hiện thực hóa mong muốn đó. Tổng thống Biden đã phải điều thêm quân tới châu Âu kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và đến Somalia, đảo ngược quyết định rút quân dưới thời Trump. Mặt khác, quân đội Mỹ đến nay cũng vẫn duy trì hiện diện ở Iraq và Syria.
"Các quan chức cấp cao chính quyền Biden đang có những hoài nghi sâu sắc về cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, họ vẫn chưa sẵn sàng thực hiện cải cách cơ cấu sâu rộng để quay trở lại với các cuộc xung đột", Brian Finucane, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, bình luận.
Theo Finucane, cải cách sẽ phải bao gồm cả việc bãi bỏ Đạo luật Ủy quyền Chiến tranh năm 2001 mà quốc hội đã trao cho cơ quan hành pháp sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Về vấn đề cấp bách nhất ở Trung Đông là chương trình hạt nhân của Iran, Tổng thống Biden có cách giải quyết khác với người tiền nhiệm. Chính quyền Biden đang đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi nó, khiến Iran tăng tốc làm giàu uranium. Nhưng các cuộc đàm phán vẫn bế tắc và Tổng thống Biden đã tuyên bố ông sẽ duy trì một trong những hành động chính sách chủ chốt thời Trump nhắm vào Tehran: Coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là tổ chức khủng bố.
Vấn đề Trung Quốc có lẽ là ví dụ nổi bật nhất cho thấy những chính sách thời Trump đã phủ bóng lên chính quyền Biden hiện tại như thế nào. Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn giữ những quan điểm thời Trump đối với Trung Quốc liên quan đến cáo buộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các quan chức Biden vẫn tiếp tục cử tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan và coi việc bán vũ khí cho Đài Loan là cách để ngăn Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm chiếm lại hòn đảo.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần.
Gây tranh cãi nhất là việc ông Biden vẫn giữ các mức thuế quan từ thời Trump đối với Trung Quốc, bất chấp thực tế là một số nhà kinh tế và quan chức hàng đầu Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đã đặt câu hỏi về mục đích và tác động của chúng.
Tổng thống Biden và các trợ lý chính trị của ông dường như nhận thức rõ về quan điểm phản đối tự do thương mại với Trung Quốc đang gia tăng ở Mỹ, điều mà ông Trump từng tận dụng rất tốt để thu hút ủng hộ từ công chúng.
Nhận thức đó đã khiến ông không thúc đẩy nỗ lực tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương mà cựu tổng thống Obama từng khởi xướng nhằm tăng cường thế cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump và một số đảng viên Dân chủ tiến bộ cho rằng nó vô tác dụng.
Theo giới phân tích, Washington cần mang đến cho các quốc gia châu Á những thỏa thuận thương mại và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ tốt hơn nếu muốn chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
"Cả chính quyền Trump và Biden đều không có các chính sách kinh tế và thương mại mà những người bạn châu Á của Mỹ mong muốn nhằm giúp họ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc", Kori Schake, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Học viện American Enterprise, lưu ý.
Châu Âu một trong những nơi hiếm hoi mà Tổng thống Biden tạo ra được dấu ấn khác biệt với chính sách của người tiền nhiệm.
Trong khi ông Trump ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ trích NATO và khẳng định lập trường không ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine vì lợi ích chính trị trong nước, chính quyền Biden lại nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Cuối cùng, điểm tương phản lớn nhất giữa hai ông dường nằm ở quan điểm của họ về nền dân chủ, khía cạnh được các đồng minh và đối thủ với Mỹ theo dõi chặt chẽ nhất.
Ông Trump bị cáo buộc phá vỡ truyền thống dân chủ của Mỹ trong cuộc bạo loạn đồi Capitol vào ngày 6/1/2021. Ông Biden trong khi đó đặt mục tiêu thúc đẩy dân chủ làm trọng tâm tư tưởng trong chính sách đối ngoại. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông đã chào đón các quan chức từ hơn 100 quốc gia tới Mỹ để dự một "hội nghị thượng đỉnh về dân chủ".
"Nền dân chủ là sức mạnh mềm mang đến sức hút cho Mỹ", Schake đánh giá. "Chúng ta khác biệt và tốt hơn những lực lượng mà ta đang đối đầu trong trật tự quốc tế".
Người Việt ở châu Âu ngủ không máy lạnh giữa nắng nóng bất thường, ‘chưa ăn thua‘ với ở nhà
Nhiều người Việt sống ở châu Âu cho rằng, nắng nóng bất thường đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của họ và người dân bản địa. Tuy nhiên, với những người quen thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, đợt nắng nóng này ở châu Âu vẫn “chưa ăn thua gì”.