Đến Nhật, “mù đường” nhưng đừng “mù văn hoá” – 5 bí kíp giúp bạn tự tin sống hoà hợp với người bản địa

Ngoài việc người Nhật đi trái đường giống các nước Anh hay Malaisia thì còn rất nhiều các quy tắc “nhức não” khác mà bạn nên nhớ khi sống ở Nhật. Vậy đó là những quy tắc nào nhỉ?

08:00 19/10/2017

1.Yukata

Một đặc trưng không thể thiếu trong mùa hè Nhật Bản đó là Yukata, loại trang phục mỏng hơn Kimono vô cùng thích hợp cho những ngày thời tiết nóng nực. Hoặc khi trọ lại các khách sạn kiểu Nhật, bạn cũng sẽ bắt gặp loại áo này, vào thu đông còn có một chiếc áo khoác tối màu bên ngoài nữa.

Ai đã từng một lần mặc Yukata chắc chắn sẽ không tránh khỏi “khựng” lại ở phần cổ áo. Bên trái nằm trên hay bên phải nằm trên?

Đây là câu hỏi làm khó cả người Nhật lần đầu mặc chứ không riêng gì người nước ngoài. Và cách mặc đúng đó là: Bên trái nằm trên.

Có 3 đặc điểm cần lưu ý ở phần cổ áo. Đó là:

① Vạt bên trái phải chồng lên vạt bên phải, sao cho tay phải có thể đưa vào ngực áo.

② Từ ngoài nhìn vào có thể thấy được chữ 「y」nhỏ.

③Trường hợp Yukata nữ chú ý mặc ngược lại với Âu phục thông thường.

Nguồn ảnh: cool3c.com

Chú ý nếu bạn mặc ngược với cách mặc trên, thì sẽ thành Yukata mặc cho người chết đấy nhé.

Nguồn ảnh: detail.chiebukuro.yahoo.co.jp

2.Chỗ ngồi

Văn hoá kinh doanh cũng như quan hệ trên dưới trong cuộc sống người Nhật vô cùng hà khắc. Nếu chỉ sai một quy tắc nhỏ, bạn sẽ gây mất lòng đối tác hoặc đánh đổi cả công việc làm ăn.

Một trong số đó, quy tắc chỗ ngồi theo thứ tự trên dưới cũng rất được chú trọng trong công ty, thậm chí trong gia đình người Nhật.

(1), (2) là khách hoặc người có chức vụ cao, (3),(4)… là người vai vế thấp hoặc người tiếp đón khách.

Theo quy tắc, càng là người ngồi gần cửa thì vai vế hay chức vụ càng thấp. Vì gần cửa có thể dễ dàng chạy việc vặt hơn và cũng bị vướng víu nhiều hơn những vị khách bên trong.

Nhìn vào hình thứ tự phòng họp trên, khi bàn họp là loại bàn vuông thì thứ tự chỗ ngồi được sắp xếp từ người số 1 là người chủ trì cuộc họp tính ra. Những người bên phải người chủ trì là người vai vế cao, ngược lại bên trái là người chức thấp.

Một phần vì hầu hết người Nhật cho rằng tay phải là bàn tay chủ chốt nên trong cả quy tắc chỗ ngồi cũng không quên đề cao vai trò của đối tác.

Thậm chí quy tắc này còn áp dụng trong xe hơi hay thang máy nữa.

Trong thang máy 

Thật là phức tạp phải không nào?

3. Thang cuốn

Luật trái – phải còn gắn liền với người Nhật qua hình ảnh quen thuộc: chiếc thang cuốn.

Người Kantou thường đứng bên trái và đi bộ bên phải, tuy nhiên người miền Tây lại đứng ở bên phải và đi bộ bên trái.

Nguồn ảnh: ushironnie.blog76.fc2.com

4. Thức ăn

Người Nhật đặc biệt kỹ tính trong vấn đề ăn uống. Hẳn ai đã từng làm việc ở nhà hàng Nhật đều phải học qua bước sắp đặt món ăn lên khay để tạo thành Set. Và điều tiên quyết là luôn luôn phải tuân theo quy tắc đó, không được sai bất kỳ vị trí nào?

Dưới đây là câu hỏi về cách sắp đặt món ăn đúng trong một Set cơm. Bạn hãy chọn cách sắp xếp phù hợp trong số 4 hình dưới đây nhé!

Trong đó:

汁 : Súp canh

副菜: Món phụ (có thể là đồ chua)

主菜: Món chính

主食(米飯): cơm

Nguồn ảnh: msm-c.net

Bạn đã chọn được câu trả lời cho mình chưa? Đáp án đó là hình (2).

Vì bát cơm phải luôn nằm bên trái vì thuận tay cầm, bên phải là Súp. Sau đó đến món phụ ở góc trên bên trái và món chính ở góc trên bên phải.

Nguồn ảnh: macaro-ni.jp/38018

Áp dụng cách sắp xếp trên, theo bạn nghĩ cơm Cà ri thường được đặt bên nào?

Câu trả lời đó là: bên nào cũng được cả. Vì nếu đặt bên phải thì sẽ thuận tay phải xúc cơm mà không cần phải đưa tay qua lớp Cà ri nóng.

Còn trường hợp bên trái lại có ưu điểm riêng. Vì lúc xúc cơm, người thuận tay phải sẽ xúc từ bên phải sang nên chắc chắn sẽ chạm vào Cà ri và đẩy về phía bên trái. Tuy nhiên, bên trái đã có cơm nên việc lấy cả Cà ri và cơm sẽ trở nên dễ dàng và sạch sẽ hơn.

Còn bạn, bạn thuộc nhóm bên trái hay phải  ?

Nguồn ảnh: style.nikkei.com

5. Các cách nói trái phải kỳ lạ 

Migi mae/ Hidari mae

Đây là cách nói dùng cho việc mặc trang phục. Nếu dịch thành”bên phải/trái phía trước” lại gây cảm giác khó hiểu. Thế nên hãy nhìn vào giải nghĩa dưới đây.

右前 (Migimae) = 右が先 (Migi ga saki) = 右が前 (Migi ga Mae) : Bên phải trước (rồi đến bên trái)

Ngược lại ta có 左前(Hidari mae) : bên trái trước (rồi đến bên phải)

Ví dụ: khi mặc Yukata như đã nói ở trên, vạt áo trái phải chồng lên vạt phải. Cũng có nghĩa là vạt phải gập vào trước rồi mới đến vạt trái. (右前).

Nguồn ảnh: fukuokawedding.com

Mukatte Migi/ Hidari

Thỉnh thoảng, khi giao tiếp với người Nhật,  bên cạnh những từ chỉ đường thông dụng như: Đi thẳng (まっすぐ行く), Rẽ trái/phải(左・右に曲がる)… Bạn sẽ bắt gặp cụm từ 向かって右・左 (Mukatte Migi/ Hidari) hay 正面に向かって右・左 (Shoumen ni mukatte Migi/Hidari) 

Tại sao hướng về bên trai hay lại hướng về bên phải? Vậy cuối cùng là rẽ phải, rẽ trái sao?

Ngay cả nhiều người Nhật cũng gặp rắc rối và lúng túng trước cách nói này chứ không chỉ bạn.

Nguồn ảnh: adesu.exblog.jp

Trước hết, hãy nhìn vào hình vẽ trên. Hình tròn có mũi tam giác thể hiện nhãn cầu của bạn, đường thẳng là hướng mắt mà bạn phải nhìn. Nghĩa là nhìn thẳng về phía trước. Sau đó hãy nhìn lệch sang chữ 右 (phải) hoặc chữ 左 (trái) một chút. Và đó là hướng mà người Nhật gọi là Mukkate Migi hay Mukatte Hidari đấy các bạn. Dịch nôm na đó là: Nhìn phía trước chếch sang bên phải/trái.

Nhật Bản thật lắm quy tắc phải tuân theo phải không các bạn?

Thế nhưng chính những ràng buộc khắt khe đó khiến xứ sở này trở nên văn minh và con người ta có ý thức cao được cả thế giới ngưỡng mộ đấy. Đến Nhật, đừng quên tham khảo bài viết này để không bị “bỡ ngỡ” lúc mới sang các bạn nhé!

Chee 

Nguồn: Japo.vn

Tags:
12 điều du khách nên tuyệt đối tránh khi đến Nhật Bản

12 điều du khách nên tuyệt đối tránh khi đến Nhật Bản

Tại quốc gia có văn hóa đặc biệt như Nhật Bản, du khách có thể cảm thấy nản chí với những quy định và chuẩn mực xã hội khắt khe.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất