Đi Nhật – Tôi tin mình đã đúng!
Du học Nhật Bản không phải là một con đường rải đầy màu hồng, là nơi kiếm được nhiều tiền làm thêm, là thiên đường của mua sắm…Nếu đến nước Nhật với ý định kiếm được nhiều tiền, được thỏa mãn chu du, hưởng thụ thì bạn đã sai lầm nhé. Đến với Nhật để trải nghiệm cuộc sống, để con người ta được rèn luyện trong gian khổ và ngày một trưởng thành hơn, đến với Nhật để bạn biết: cuộc sống không có gì là giản đơn như mình tưởng tượng, có cố gắng mới gặt hái được kết quả.
15:01 09/02/2018
Tôi sinh ra và lớn lên ở 1 làng chài ven biển nghèo ở miền Trung, nơi mà gió Lào, nắng nóng quanh năm hỏi thăm. Nơi những ánh mắt khuôn mặt của người dân làng bạc dần theo năm tháng, những chiều chờ thuyền xa khơi về, những nụ cười, những nỗi lo, những giọt nước mắt của mẹ ngóng chờ thuyền cha những chuyến tàu đánh cá đi xa. Tôi cứ thế lớn lên như bao đứa trẻ ở làng chài nghèo này, lớn lên dạn dày sương gió của miền biển, thấm từng vị mặn của mẹ biển bao la vào từng tế bào.
Năm 18 tuổi tôi vào đại học, học ngành điều dưỡng của Đại học y Hà Nội, ngày tôi vào đại học, bố mẹ vui đấy nhưng tôi hiểu gánh nặng bắt đầu đè lên đôi vai gầy guộc của họ, bởi tiền kiếm được từ những lần thuyền xa khơi cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống mưu sinh cực nhọc nơi miền biển này, đủ để nuôi những đứa em sau tôi đi học, cũng chỉ đủ từng ấy. Tôi học trên Hà Nội, mọi thứ sinh hoạt ở thủ đô chắc sẽ rất đắt đỏ, tiền học phí, tiền trang trải sinh hoạt… Chiều trước khi tôi đi, thấy bóng cha đứng lặng mình trước biển, tôi biết cha rất lo bởi đây là lần đầu tiên đứa con của ông sống xa nhà, bởi cho tôi đi học khi ở một làng chài nghèo con gái không được đi học nhiều, nhưng cha vẫn quyết định cho tôi theo con chữ. Cha bảo cuộc sống bám biển vất vả lắm. Cha chẳng thể cho con cuộc sống giàu sang thì cha sẽ cố gắng cho con đi học.. Mắt tôi nhòe đi, bóng dáng cha trong trời chiều cũng nhòe đi. Tôi biết cha mẹ đã cố gắng cho chúng tôi một cuộc sống đầy đủ như thế nào.
Theo học được một năm, trường tôi có chương trình trao đổi học sinh giữa 2 trường, trường tôi liên kết với một trường bên Nhật. Ngày tôi về nhà, nói rằng tôi muốn sang Nhật vừa học vừa làm, chỉ mong sau cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, cha đỡ phải đi xa nhà hơn, sau tôi có thể lo được cho các em của mình, mẹ khóc nói với tôi là thôi con không cần đi đâu cả. Cha mẹ nuôi được con, con gái đi một mình sang đất khách quê người mẹ lo lắm con ạ. Rồi mẹ khóc, tôi hiểu, nghèo khổ theo mẹ bao lâu nay rồi, mẹ chẳng có gì ngoài tài sản là những đứa con. Còn cha thì trầm ngâm không nói gì cả, ánh mắt cha nhìn xa xăm hơn. Rồi cuối cùng cha nói là nếu tôi muốn đi cha sẽ xoay sở cho tôi đi.
Tôi đi theo hệ vừa học vừa làm, tôi học điều dưỡng ở một trường ở vùng Osaka và ở luôn trong khu kí túc của trường, những ngày đầu một mình sống ở đất khách, tôi phải vừa đi học, vừa tìm việc làm thêm, do tiếng ở Việt Nam học mới được một ít nên tôi gặp rào cản về ngôn ngữ, những ngày đầu sang tôi phải học thêm tiếng. Bởi có những ngày lên lớp vì tiếng kém tôi đã không hiểu bài. Rồi những ngày miệt mài học đêm học ngày, tiếng của tôi nhờ được va chạm với người bản xứ nên cũng dần ổn hơn. Tôi đi tìm việc làm thêm, những cú sốc cứ từ từ xuất hiện, đã có lúc tôi mệt mỏi tưởng chừng như muốn bỏ hết về Việt Nam. Tiếp đến là cú sốc văn hóa, người Nhật cần cù làm viêc, dường như vắt kiệt sức lực cống hiến cho công ty. Tôi làm thêm trong tại một tiệm ăn ở gần trường, một ngày làm đến tận 1 giờ đêm, sáng thì lên lớp từ 8h. Một ngày của tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng. Buổi sáng tôi nhận giao báo cho một cửa hàng gần khu tôi sống, lương không cao nhưng cũng giúp tôi phần nào chi trả mọi thứ ở bên đây, bởi tôi không thể lấy thêm bất cứ đồng nào từ ba mẹ nữa.
Ngày nào cũng thế tôi làm việc cả ngày, mà quên mất việc học, kỳ học ấy của tôi điểm rất là thê thảm, nhận bảng điểm mà tôi tưởng chừng không tin vào mắt mình. Bởi nếu tôi không đi làm sẽ không có tiền để trang trải cuộc sống, sẽ không có tiền để gửi về nhà cho bố mẹ để chi trả số nợ đã vay cho tôi đi. Thế rồi tôi phải cân bằng giữa việc đi làm và việc học mỗi ngày đi làm về tôi dành 2 tiếng để học và làm bài. Ngày cuối tuần tôi làm thêm ở quán cả ngày. Thế mới biết cuộc sống của du học sinh không hề đơn giản, không đầy huy hoàng tráng lệ như chúng ta từng thấy. Có những hôm chỉ dám ăn bánh mỳ, vừa ăn vừa khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ, vì mệt vì muốn buông xuôi.
Ngày ấy việc gọi điện từ nước ngoài về Việt Nam không dễ như bây giờ, mất rất nhiều tiền, và do chênh lệch múi giờ nên việc gọi về rất khó khăn. Ngày gọi về cho mẹ miền Trung đang có bão. Mấy hôm nay cha không đi ra khơi được, nhà chỉ còn đủ gạo ăn trong 2 ngày, mẹ không nói nhưng 2 đứa em tôi nói vọng vào. Nước mắt tôi rơi, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy mình hình như đang đi sai đường, vì tôi mà bây giờ nhà đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng không dám kể là đi làm vất vả như thế nào, bị đối xử bất công như thế nào. Chỉ dám kể là cuộc sống bên này ổn rồi bố mẹ ạ. Vừa nói mà nước mắt nhòe nhoẹt hết đi cố gắng để bố mẹ không biết mình khóc. Mấy đứa cùng phòng sang đây đứa nào nhà cũng nghèo cũng phải làm hết việc này đến việc khác để có tiền, nên chúng tôi hiểu cuộc sống xa xứ không hề đơn giản.
Hình ảnh quen thuộc của chúng tôi mỗi khi nhìn thấy du học sinh Việt Nam bên Nhật là ngủ gục xuống bàn, nằm dài trên ghế ở trong thư viện, có những người còn tranh thủ ngủ trên đoạn đường đi tàu đến trường, khuôn mặt phờ phạc vì hôm trước thiếu ngủ. Cuộc sống du học sinh không từng như mong đợi .
Nhưng cứ cố gắng thì mọi thứ sẽ đến bởi vì việc làm thêm cho du học sinh tại Nhật đều tìm được việc. Ngoài mục đích tự kiếm tiền ăn học thì cũng chính là cơ hội để chúng ta trải nghiệm và rèn luyện bản thân. Sau khi quen với cuộc sống và con người ở đây thì tôi đã bắt kịp cách sống của người Nhật. Công việc đã quen hơn, bài vở bắt đầu đi vào ổn định. Tôi cũng gửi được ít để về giúp bố mẹ trả nợ. Cái gia đình nhỏ bé của tôi nghèo đeo bám quanh năm cũng bớt siêu vẹo hơn, các em tôi cũng bắt đầu không phải lam lũ hơn những ngày trước. Khi quen với cuộc sống bên này, trong hội việc là thêm cho sinh viên tôi đã xin vào viện dưỡng lão làm thêm. Những ngày thử việc quả thực không hề dễ dàng chút nào, bởi ở viện toàn các cụ già, những người già neo đơn, có người dễ tính, có người thật sự khó tính. Có người lẩm cẩm, chính sách hỗ trợ bảo trợ của Nhật dành cho người già thật sự đáng ngưỡng mộ. Bởi họ dành vào đây cả tâm huyết cả tình yêu thương. Tôi học được nhiều chuyên ngành ở đây, học được cách kiên nhẫn, biết trao yêu thương và lắng nghe nhiều hơn. Bởi sau này có ngày bố mẹ tôi cũng sẽ già đi, cũng có thể nhớ nhớ quên quên. Sau 3 tháng thử việc tôi được nhận vào làm chính thức, niềm vui tràn ngập trong tôi bởi nếu được nhận vào đây sau khi ra trường tôi có thể ở lại đây làm việc ở lại đây cống hiến.
Ngày tôi gọi về thông báo cho gia đình, chẳng ai chia vui với tôi cả, mẹ chỉ ậm ừ, tôi bảo cho tôi gặp cha, mẹ bảo cha đi tàu gặp bão, mấy hôm nay vẫn chưa về. Dường như dự cảm có điều chẳng hay, tôi nhớ cái dáng lúc cha đưa tôi ra sân bay, mà tôi chẳng thể biết đó là lần cuối tôi được gặp cha. Tôi đặt vé về nước. Nhìn di ảnh ba lần cuối, trong tôi tuyệt vọng như dâng đầy, bởi tôi đã cố gắng hết sức, thế mà vẫn mang đi thứ mà tôi yêu quý nhất….
Tôi trở lại Nhật, vừa đi học, vừa đi làm ở viện dưỡng lão. Rồi ra trường, tôi ở lại Nhật, đi làm và sinh sống ở đây. Thấm thoắt cũng 10 năm qua. Mẹ tóc ngày càng bạc hơn, mấy đứa em đến tuổi vào đai học, tôi đón mẹ đón em sang đây. Cùng sống với nhau, như chưa có cuộc cách xa nào, những tháng năm sống ở đây, Nhật Bản như quê hương thứ 2 của tôi, ngôn ngữ tôi đang nói như đã trở thành ngôn ngữ chính hàng ngày, những con đường góc phố tôi qua mỗi ngày ở Nhật dần trở nên quen thuộc, ngấm sâu vào một phần máu thịt của tôi. Đã có lúc tưởng chừng nơi này không chào đón tôi, tôi không thuộc về.tôi đã tin là con đường đi của mình là đúng. Là Nhật Bản mà tôi chọn.
Nơi nào ta gắn bó, yêu thương, thì những vất vả, đớn đau bao nhiêu cũng qua. Bởi cứ yêu quý thì nơi ta sinh sống cũng là quê hương, là một phần máu thịt…..
Tống Phượng/Chia sẻ của một Du học sinh
Đi Nhật về nước, chuyện giờ mới kể
Gần đến ngày về thăm cố hương, tôi bồi hồi nhẩm đếm. Xa nhà đã nhiều năm, tưởng tượng đến ngày hội ngộ gần kề, tôi mừng muốn khóc… Có lẽ đây là những câu chuyện về nước quen thuộc với rất nhiều bạn…