Điều gì khiến VN vào top 5 nước kém văn minh Internet nhất thế giới?
Theo khảo sát trên Zing.vn, 87% bạn đọc đồng tình với việc Microsoft xếp Việt Nam vào top 5 những nước hành xử kém văn minh trên Internet.
10:31 24/10/2022
Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).
Mặc dù kết quả khảo sát này bất lợi cho hình ảnh cộng đồng mạng Việt Nam nhưng nó không tạo nên làn sóng phản đối từ người dùng. Theo khảo sát trên Zing.vn, 87% bạn đọc đồng tình với việc Microsoft xếp Việt Nam vào top 5 những nước hành xử kém văn minh trên Internet.
Việt Nam đứng top 5 nước có hành xử trên Internet kém văn minh nhất.
Tuy vậy, vẫn có nhiều người phản đối kết quả của Microsoft. Trong đó, bình luận chủ tài khoản Facebook có tên Koba Yashi đến từ Việt Nam được chia sẻ rộng rãi nhất như một minh chứng rõ cho kết quả khảo sát.
"Thấp cái *** ***, căn cứ vào đâu để đánh giá chứ", tài khoản Koba Yashi bình luận bên dưới liên kết của một đài truyền hình lớn ở Việt Nam. Tài khoản này sử dụng tên giả, từ ngữ bình luận thô tục và không có bất kỳ lập luận cụ thể nào cho ý kiến trái chiều của mình.
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam lại nằm trong bảng xếp hạng này. Những hình ảnh không mấy đẹp đẽ của cộng đồng mạng kém văn minh Việt Nam từ lâu đã được biết đến qua nhiều cách khác nhau.
Hay chửi bới và dễ bị "dắt mũi"
Các trường hợp người dùng Internet kém văn minh, chửi bới khá phổ biến. Chúng xuất hiện nhiều trên Facebook, YouTube hay bất kỳ nền tảng nào cho phép bình luận.
Đây là hiện tượng không mới và thường xuất hiện sau những trận cầu căng thẳng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, đặc biệt khi có những tình huống gây tranh cãi.
Công kích, bôi bác hình ảnh trọng tài là cách làm thường thấy của một bộ phận dân mạng Việt Nam sau những trận đấu gây tranh cãi.
Ngay sau các trận đấu, Facebook cá nhân của trọng tài, cầu thủ đội bạn có thể bị những fanpage lớn công khai, khích tướng những người hâm mộ quá khích vào chửi bới.
Tháng 1/2018, những "Hooligan trên Facebook" đã điên cuồng truy tìm Facebook của trọng tài Muhammad Taqi người Singapore, bị cho là thổi quả luân lưu không rõ ràng trong trận U23 Việt Nam gặp Qatar.
Khi Facebook của trọng tài này đóng cửa, nhóm cổ động viên quá khích này đã trút giận lên hàng chục trang Facebook giả mạo vừa lập. Một số bình luận nhận ra đây là trang giả nhưng vẫn chửi “cho đã mồm”.
Chính sự hăng say này khiến cộng đồng mạng Việt Nam rất dễ bị kích động bởi một bên thứ ba.
Sau trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, Beat Troll, fanpage 2,5 triệu lượt thích đã đăng tải hình ảnh Facebook cá nhân của cầu thủ số 11, người đã ghi bàn vào lưới Việt Nam phút 119. Kèm theo lời khích "Mình để đây và các bạn biết phải làm gì rồi đấy..."
Cách hành xử kém văn minh trên Internet của cộng đồng mạng có thể bị lợi dụng, kích động.
Sau đó ít phút, Beat Troll đã xóa hình ảnh trên và đăng tải một status khác đả kích những người đã quấy rối trang cá nhân cầu thủ Uzbekistan.
Tấn công bắt nạt qua mạng (Cyberbullying) phát triển song song với sự lớn mạnh của Internet. Không chỉ có Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng xảy ra hành vi kém văn minh này.
Phương pháp tấn công chủ yếu thể hiện qua bình luận thóa mạ cá nhân. Vì vậy, môi trường "tự do ngôn luận" như Facebook thường là nơi xảy ra Cyberbullying.
Không chỉ có bình luận, hình ảnh của các vị trọng tài, cầu thủ còn được sử dụng để các "thánh chế" đưa lên bàn thờ thắp hương. Thậm chí trước trận đấu chung kết giữa U23 Việt Nam - Uzbekistan, các "thánh chế" còn chuẩn bị sẵn những hình ảnh, có thể "sử dụng ngay" phòng khi trọng tài có biểu hiện bắt ép.
Những cơn bão "một sao" mang tính bầy đàn
Theo khảo sát của Microsoft, Việt Nam là nước đứng đầu về việc gặp các rủi ro danh tiếng trên Internet từ cách hành xử kém văn minh của cộng đồng mạng. Điều này có thể hiểu nếu xảy ra "va chạm" với cộng đồng mạng Việt Nam, việc bị mất đi danh tiếng là điều kinh khủng nhất sẽ đến.
Năm 2019, vlogger Khoa Pug nổi lên sau mâu thuẫn với khu resort Aroma, Phan Thiết. Cộng đồng fan của Khoa Pug ban đầu "ném đá" tơi tả khu resort Aroma trên nhiều nền tảng như Google Maps, Facebook, TripAdvisor...
TripAdvisor nhận bão 1 sao từ sự hung hăn của cộng đồng mạng kém văn minh.
Sự hăng say này còn khiến nhiều khách sạn có tên với từ “Aroma” ở Sa Pa, Nha Trang đã nhận hàng trăm lượt đánh giá 1 sao, khiến cho điểm đánh giá trung bình giảm mạnh. Thậm chí các khách sạn khác có tên là “Romana” hay “Anantara” cũng nhận hơn 1.000 lượt đánh giá thấp nhất.
Không chỉ ở Việt Nam, một khách sạn có tên Aroma ở Nakagawa, Nhật Bản hiện cũng đang bị đánh giá 1 sao trên Google Maps, dù không hề liên quan gì đến vụ việc.
Trên mạng xã hội, nhiều khách sạn bị đánh giá sai đã đăng tải bài viết nhằm thanh minh, cho biết mình không có liên quan đến resort tại Bình Thuận. Tuy nhiên điều này vẫn chưa giúp họ có được điểm đánh giá tốt hơn trên Google Maps.
Trước trào lưu này, trang web TripAdvisor hiện đã tạm khóa chức năng đánh giá đối với resort này. Thông báo trên trang web cho biết “một lượng lớn đánh giá không phản ánh trải nghiệm trực tiếp”, do vậy việc đánh giá mới bị khóa.
Đúng như TripAdvisor thông báo, tính năng đánh giá sao dùng để ghi nhận những trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ, để những người đến sau tham khảo. Không sử dụng dịch vụ, mọi đánh giá đều chủ quan. Đặc biệt, đây chưa bao giờ là một cách phản kháng, lên án văn minh.
Đáp lại động thái trên của TripAdvisor, cộng đồng mạng Việt Nam lại chuyển sang tấn công chính ứng dụng này. Ứng dụng này bị đánh điểm xếp hạng xuống còn 1 sao với lý do TripAdvisor đã "bao che" cho Aroma.
Sẵn sàng tấn công những người trái quan điểm
Tuy tận dụng triệt để quyền tự do bình luận trên mạng xã hội, một bộ phận cư dân mạng Việt Nam không biết tôn trọng các ý kiến trái chiều.
Khi thấy cộng đồng mạng hùa nhau đánh giá 1 sao TripAdvisor, streamer PewPew (Hoàng Khoa) đăng tải bài viết trên trang cá nhân để bày tỏ quan điểm về hành động quá đà của cư dân mạng. Thế nhưng, thứ streamer này nhận lại là phản ứng rất tiêu cực từ cộng đồng mạng.
Phát ngôn trái quan điểm, tiệm bánh mỳ của PewPew bị tấn công rating.
Không chỉ cá nhân Hoàng Khoa, cửa hàng bánh mì do anh này mở cũng bị ảnh hưởng. Trên Google Maps, cửa hàng này đã nhận hàng trăm lượt đánh giá 1 sao. Nhiều đánh giá gần đây của dân mạng về cửa hàng này lấy lý do phản đối bài viết trên trang cá nhân của anh.
Ngoài PewPew, một phóng viên đã lên tiếng bênh vực người lễ tân khách sạn Aroma trong vụ Khoa Pug vì người này đang mang thai.
Ngay trong ngày bài báo được đăng tải, cộng đồng mạng Việt Nam đã tạo hẳn một Facebook với tên là bút danh của phóng viên để thỏa thích lăng mạ, chửi bới từ gia đình, vợ con… của nhân vật hư cấu.
Nếu áp dụng cách "hành xử tôn trọng sự khác biệt và các cách nhìn nhận đa dạng, khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh các công kích cá nhân" như Microsoft đề xuất trong trường hợp trên, có thể cộng đồng mạng Việt Nam đã được đánh giá là văn minh hơn.
Không chỉ quan tâm các vấn đề trong nước, một số dân mạng Việt Nam cũng chăm chú theo dõi các sự kiện quốc tế. Năm 2018, dân mạng Việt còn phản ứng với việc McDonald's ở Myrtle Beach (South Carolina, Mỹ) đuổi khách mua đồ ăn cho người vô gia cư.
Kèm theo việc đánh giá 1 sao, người dùng mạng Việt Nam cũng chỉ trích thái độ "không thể chấp nhận nổi" của McDonald's đối với người đàn ông vô gia cư. Nhiều tài khoản dùng từ ngữ thô tục (tiếng Anh và tiếng Việt) để chửi rủa McDonald's cũng như quản lý cửa hàng ở Myrtle Beach.
Thói quen "xin link" clip nóng
Người dùng Internet tại Việt Nam cũng không lạ với từ khóa "xin link" và ám ảnh việc mình thành "người tối cổ" nếu không bắt kịp một xu hướng nào đó.
Bất cứ khi nào một người nữ nổi tiếng bị đồn thổi lộ clip nhạy cảm, cộng đồng mạng liền soạn các nội dung "xin link". Có lẽ, đây là lý do Việt Nam xếp thứ 2 trong số những nước có rủi ro về tình dục trên Internet thế giới.
Bức ảnh kinh điển thường được cộng đồng mạng sử dụng "xin link".
Gần đây nhất, vụ việc ca sĩ Văn Mai Hương bị phát tán video nhạy cảm cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, từ khóa "xin link" cũng xuất hiện dày đặc theo đó.
Cho đến khi nhiều nghệ sĩ, đồng nghiệp lên tiếng bảo vệ cô, đồng thời thể hiện sự phẫn nộ khi đời tư của người nổi tiếng bị xâm phạm thì làn sóng "xin link" mới chấm dứt.
"Lần này xin đứng về phía Văn Mai Hương vì những lý do sau: quyền con người, quyền riêng tư, quyền được tôn trọng và bảo vệ, quyền phụ nữ", người mẫu Minh Tú đăng trên Facebook.
Trong khi đó, MC Trấn Thành bày tỏ tâm trạng bức xúc khi chứng kiến nhiều tài khoản mạng chia sẻ, phát tán hình ảnh nhạy cảm của đồng nghiệp.
"Anh đang cảm thấy đau, thấy buồn và thương em lắm. Bất kỳ ai giễu cợt, chia sẻ những hình ảnh đó, tôi sẽ block hết. Vì tôi đứng về phía Văn Mai Hương vô điều kiện", nam ca sĩ Trúc Nhân tuyên bố block tất cả những người phát tán video của Văn Mai Hương.
Cách làm này của các nghệ sĩ Việt nằm trong những đề xuất cải thiện văn minh Internet do Microsoft đưa ra. Sẵn sàng đấu tranh trước những hành vi ứng xử thiếu văn minh và chưa chuẩn mực sẽ giúp cải thiện chỉ số văn minh.
Nhưng nếu không phải là người nổi tiếng, được bạn bè đồng nghiệp bảo vệ thì những người phụ nữ chịu chung cảnh như Văn Mai Hương liệu có thoát sự truy lùng tìm link?
Theo báo cáo năm 2020 của We are Social, người Việt sử dụng Internet 6,5 giờ mỗi ngày, trong đó 2,3 giờ cho mạng xã hội. Facebook và YouTube là hai dịch vụ được sử dụng nhiều nhất. Với 65 triệu người dùng Internet, nếu không hành xử văn minh hơn, có lẽ năm sau, Việt Nam lại tiếp tục "tăng hạng" trong bảng khảo sát của Microsoft.
Steve Jobs từng hé lộ điểm khác biệt lớn nhất giữa người thành công và kẻ mộng mơ: Không dám hỏi thì sẽ chẳng có gì
Theo Steve Jobs, người thành công là người luôn chủ động hành động, sẵn sàng chịu thất bại, còn kẻ mộng mơ lại không làm thế.