Du học – nhìn từ Nhật Bản (Phần 1)
Vào năm 1990, Chính phủ Nhật Bản cấp lại học bổng cho sinh viên Việt Nam ở bậc đại học sau thời gian dài gián đoạn do cấm vận. Số du học sinh người Việt tại Nhật khi đó thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.
22:00 11/10/2020
Học sinh Trung Quốc chiếm phần lớn trong số 40 nghìn du học sinh, đã tăng nhiều từ con số khoảng 10 nghìn vào năm 1983, năm Nhật Bản đưa ra kế hoạch đầy tham vọng tăng số lượng du học sinh lên 10 lần sau 10 năm.
Kể từ năm 1990 đó, số lượng trường đại học ở Nhật đã tăng thêm trung bình 10 trường mỗi năm lên gần 800 trường sau 30 năm. Lý do chính là tỷ lệ học lên đại học đã tăng từ khoảng 30% lên 50% do nhu cầu gia tăng và một phần do một số ngành nghề đòi hỏi bằng đại học thay cho bằng cao đẳng hay trung cấp.
Tuy vậy, trong thời gian đó, dân số ở tuổi tốt nghiệp phổ thông (18 tuổi) đã liên tục giảm từ 2 triệu xuống không đầy 1,2 triệu năm 2020 và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm xuống dưới 1 triệu vào năm 2030, dưới 800 nghìn vào năm 2040. Các trường đại học đã bắt đầu rơi vào giai đoạn “đói” học sinh.
Tỷ lệ các trường đại học tư lập không tuyển đủ chỉ tiêu trên cả nước đã tăng lên tới trên 30%. Con số các trường bị thua lỗ còn cao hơn, trên 40%. Tình trạng này thực sự trầm trọng ở các trường tỉnh lẻ. Các tỉnh như Saga, Totori, Wakayama có tỷ lệ học sinh học lên đại học trong tỉnh không đầy 15% và chẳng thể thu hút học sinh các tỉnh khác.
Hệ quả là du học sinh trở thành phao cứu sinh cho không ít trường. Nhưng tiếp nhận du học sinh giống như việc dùng thuốc phiện. Nó có thể đẩy không ít trường lún sâu vào bế tắc.
Vào năm 2008, sau khi đã vượt qua con số 100 nghìn du học sinh, chính phủ Nhật tiếp tục đưa ra kế hoạch 300 nghìn du học sinh và nới lỏng yêu cầu cấp visa. Vào năm 2010, Bộ Giáo dục huỷ bỏ hạn chế số lượng du học sinh dưới 50% tại mỗi trường. Nhờ các biện pháp mạnh mẽ, mục tiêu 300 nghìn du học sinh đã đạt được về cơ bản vào năm 2019 (nhờ gộp thêm 100 nghìn học sinh trường tiếng).
Không ít các trường đại học không tên tuổi tìm mọi cách thu hút du học sinh. Các trường đại học ngắn hạn hay các trường trung cấp (2 năm) còn “nhiệt tình” hơn. Trong khi trình độ tiếng Nhật N2 được coi là điều kiện cần thiết để theo học bậc đại học, chỉ chừng 40% số du học sinh vào học bậc đại học và trung cấp đạt chứng chỉ này (năm 2016). Chất lượng đào tạo đương nhiên sẽ suy giảm, học sinh Nhật càng xa lánh, phụ thuộc vào du học sinh nước ngoài càng nặng nề. Vào năm 2019, có tới trên 100 trường trung cấp có trên 90% học sinh là du học sinh nước ngoài, 35 trường thậm chí có 100% là du học sinh.
Việc siết chặt điều kiện đối với du học sinh đương nhiên sẽ kéo theo làn sóng phá sản các trường đại học và trung cấp tư lập và đẩy phần lớn các trường tiếng Nhật (đã tăng bùng nổ lên trên 700 trường vào năm 2019) vào bế tắc. Kế hoạch 300 nghìn du học sinh cũng sẽ tan thành mây khói, trong bối cảnh giáo dục Nhật Bản đang ngày càng mất đi ưu thế khi so sánh quốc tế.
Do vậy, dù biết rõ hồ sơ tài chính của không ít du học sinh (mà phần lớn từ các nước nghèo) được làm giả, visa vẫn được cấp với số lượng ngày càng nhiều. Chấp nhận du học sinh giả mạo có thể là biện pháp ngắn hạn để duy trì các trường yếu kém cũng như khai thác (hay nhiều báo dùng từ “bóc lột”) lao động giá rẻ từ nước ngoài. Nhưng nhiều hệ luỵ đã phát sinh và đó chắc chắn không phải là lối thoát cho nền giáo dục hay kinh tế Nhật Bản.
Nguồn: Satoki Tsuyuri
Đi xuất khẩu lao động, cô gái Việt lấy ngay được chồng Tây, chưa cưới đã cầm hết lương
Cao chưa được 3m bẻ đôi nên mỗi lần đi cùng với Alex, Mai Anh nhận rất nhiều lời xì xào không hay của mọi người.