Giảng viên người Việt trở thành giáo sư tại Mỹ sau 1,5 năm
Được đào tạo hoàn toàn ở trong nước, sau 1,5 năm đến Mỹ, anh Đỗ Đình Thuấn trở thành giáo sư bậc 1 tại Đại học Mount Union, bang Ohio, Mỹ.
07:48 07/01/2023
Anh Đỗ Đình Thuấn, 43 tuổi, sẽ bắt đầu học kỳ đầu tiên với vị trí assistant professor (thường gọi là giáo sư bậc 1) vào hôm 9/1. Giảng viên quê Phú Yên nói đã vượt qua 200 ứng viên để trở thành người duy nhất được chọn cho vị trí này, ở chuyên ngành Máy tính và Điện tử. Trước đó, anh làm nghiên cứu (research scientist) tại Đại học Texas ở Austin và Đại học Colorado Denver.
Đại học Mount Union nằm trong nhóm 501-600 bảng xếp hạng đại học thế giới 2022 của Times Higher Education. "Tôi có vị trí giáo sư sớm hơn dự kiến. Đó là thành quả của một hành trình dài, với không ít lần thất bại, nhưng tôi đã làm được", anh Thuấn nói.
Theo anh Thuấn, chức vụ giáo sư ở Mỹ gồm ba cấp: assistant professor, associate professor và full professor. Khi lên đến associate professor, anh sẽ được biên chế, đảm bảo công việc, chế độ lương, phúc lợi đến khi về hưu và không bị sa thải trừ khi có sai phạm nghiêm trọng. Thông thường, để có được vị trí này, hầu hết tiến sĩ phải trải qua thời gian làm post-doc (hậu tiến sĩ).
Muốn có cơ hội phát triển bản thân, anh Thuấn đến Mỹ năm 2021 sau một năm làm việc tại Đại học châu Á của Đài Loan (Trung Quốc). Anh cho biết trước đó từng giảng dạy chuyên ngành Điện tử viễn thông, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Đại học Công nghiệp TP HCM và Đại học Quốc tế miền Đông. Trong năm đầu tiên đến Mỹ, anh Thuấn đã "rải đơn" tới nhiều đại học nhưng đều thất bại. Anh Thuấn cho hay Mỹ có khoảng 4.000 trường đại học, mỗi năm chỉ có 60 vị trí giáo sư ngạch biên chế cần tuyển cho chuyên ngành hẹp của anh.
"Trong những lần tôi được phỏng vấn, gần như các trường không quan tâm việc tôi được đào tạo ở đâu và làm việc như thế nào trước đó, chỉ tập trung vào kiến thức, kinh nghiệm ở Mỹ. Tôi không có cách nào khác ngoài tự học", anh Thuấn nói, cho biết phải mua nhiều giáo trình môn học phổ biến trong đại học Mỹ và đọc suốt một năm, so sánh điểm khác biệt với kiến thức đã học ở Việt Nam, tóm tắt ý chính để hiểu triết lý giáo dục và lý do các trường chọn dạy những tài liệu này. "Tôi phải đầu tư như vậy và tưởng tượng mình là sinh viên, học lại kiến thức của đại học Mỹ", anh Thuấn kể.
Đợt tuyển dụng của Mỹ thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Năm 2022, anh Thuấn nộp khoảng 30 trường và nhận được thư mời phỏng vấn của 10 trường. Mỗi tuần, trung bình anh có 2-3 cuộc phỏng vấn. Suốt hai tháng liên tục, anh dậy lúc 5h và làm việc đến 0h. "Rất căng thẳng. Trước mỗi cuộc gặp, tôi thức tới 3h vì lo lắng không biết các trường sẽ hỏi gì", anh Thuấn nhớ lại.
Tiến sĩ người Việt đã nghiên cứu mô tả tuyển dụng của các trường để biết nhu cầu tuyển ứng viên của họ. Anh cũng đọc thông tin trên website, cả những bài báo của giảng viên các bộ môn ở từng trường để xem cách họ nghiên cứu, định hướng phát triển bộ môn và tìm giải pháp phù hợp khi được hỏi. Mãi tới ngôi trường thứ 10, anh mới thành công.
Trong 200 hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Mount Union, anh Thuấn cho biết có 80-90% tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ. "Tôi tự tin ở môi trường châu Á nhưng vào thị trường Mỹ, tôi mất tự tin vì đối thủ rất mạnh. Tôi chỉ cố gắng hết sức mình", anh nói. Qua vòng lọc hồ sơ, anh Thuấn là một trong 10 người được chọn vào vòng hai (trực tuyến) và cuối cùng là một trong ba ứng viên ở vòng phỏng vấn on-campus (phỏng vấn trực tiếp tại đại học). Ở vòng cuối cùng, anh Thuấn phải chuẩn bị tài liệu và tập trung cao độ trong 10 ngày.
Cuộc phỏng vấn kéo dài từ 8h đến 20h, chỉ có thời gian cho anh ra ngoài uống nước, đi vệ sinh. Cách một tiếng, anh sẽ gặp khoảng 30 người gồm đồng nghiệp tương lai, sinh viên đại học và sau đại học, các bộ phận khác và hiệu trưởng. Anh được hỏi dự định đóng góp về giảng dạy trong 5, 10 năm; có thể dạy môn học nào hay nghiên cứu lĩnh vực gì. Trường cũng muốn anh góp ý cho chương trình tương lai và muốn biết phương pháp giảng dạy, cách anh thu hút sinh viên, giúp các em chăm học hơn.
Anh Thuấn cho hay căn cứ vào khung chương trình của trường Mount Union, anh so sánh với chương trình của một số trường anh từng trải qua để góp ý chi tiết về môn học. Anh cũng giảng thử một tiếng.
Theo anh Thuấn, khi làm nghiên cứu ở Đại học Colorado Denver, anh tình cờ có cơ hội giảng dạy do trường thiếu giảng viên. "Nếu tôi không có trải nghiệm đó, trường sẽ không xem xét vì họ không biết khả năng giảng dạy của tôi ở Mỹ thế nào", anh Thuấn nói, cho biết Đại học Mount Union còn đánh giá khả năng của anh qua phản hồi của sinh viên, đồng nghiệp.
Anh Thuấn có khoảng 200 bài báo trong lĩnh vực điện tử viễn thông và máy tính nhưng chỉ nhấn mạnh 20-30 bài tốt nhất, được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín nhóm Q1 (xếp hạng 1-25 trong top 100 tạp chí chuyên ngành điện tử viễn thông). "Các trường của Mỹ chỉ chú ý top 10% nhưng họ sẽ chọn ứng viên từ cao xuống thấp, không hoàn toàn dựa vào số bài báo được đăng", anh Thuấn nói.
Trong thư mời anh Thuấn làm việc hôm 19/12/2022, ông Robert Gervasi, Hiệu trưởng Đại học Mount Union, nói tin tưởng anh Thuấn sẽ đóng góp nhiều cho trường.
Ông Đinh Trung Hòa, khoa Toán và Thống kê, Đại học Troy, cho hay trường hợp của anh Thuấn khá đặc biệt vì anh được đào tạo hoàn toàn ở Việt Nam. Theo ông Hòa, một tiến sĩ ở Mỹ có thể mất 2-5 năm để xin được công việc giáo sư, thậm chí 10 năm. Với tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở Việt Nam, việc này không dễ do rào cản về ngôn ngữ, trình độ nghiên cứu, kinh nghiệm giảng dạy. "Đội ngũ tiến sĩ ở Mỹ rất đông nên các trường thường không tuyển từ ngoài Mỹ", phó giáo sư Đại học Troy chia sẻ.
Anh Thuấn nói những năm tháng học trường chuyên của tỉnh Phú Yên đã rèn cho anh ý chí và nghị lực. Trong môi trường cạnh tranh quốc tế, sự chăm chỉ chưa đủ mà phải đủ giỏi để trở nên nổi bật, ứng viên phải biết tự học. "Mỗi quốc gia có văn hóa xin việc khác nhau, bạn nên tìm hiểu các quy trình, tiêu chí đánh giá và lắng nghe những người đi trước để có sự tích lũy đầy đủ và chuẩn bị tốt nhất", anh Thuấn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Việt Trinh: Tuổi thơ đào mì, nay sung túc, giải nghệ vẫn ở biệt phủ
Việt Trinh là hiện tượng của làng giải trí Việt khi ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp vào khoảng thập niên 90, cô trở thành nhân vật được săn đón trong mỗi lần xuất hiện.