Hướng dẫn mua hàng online trên Rakuten.co.jp
Các bạn đã từng sang Nhật hẳn cũng biết, với hệ thống vận chuyển hàng và chi trả tiện lợi, bảo đảm, mua hàng online là một hình thức mua hàng hết sức phổ biến ở xứ sở hoa anh đào.
07:00 09/02/2019
Trang web rakuten là một trong những trang thương mại điện tử được ưa chuộng nhất. Đầu tiên, trước khi bắt đầu mua hàng trên Rakuten, có một số kiến thức nền các bạn nên biết về mua bán hàng trên Rakuten nói riêng và mua bán hàng hóa online nói chung. Chúng tôi xin chia sẻ với các bạn qua bài viết này.
1. Tại sao lại mua hàng online
Không chỉ đơn giản, thuận tiện, mua hàng online còn giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí khác nhau nếu so với việc mua hàng offline: chi phí đi lại đến cửa hàng và quay về, chi phí chuyển đồ về nếu có, và cả 1 phần chi phí phải trả cho cửa hàng để duy trì mặt bằng cửa hàng (phần chi phí này đã nằm kèm trong giá tiền sản phẩm) nữa. Thực tế, với các mặt hàng giá trị cao như máy tính, đồ điện gia dụng,… giá hàng khi mua online có thể rẻ hơn 20-30% so với giá mua tại cửa hàng, một con số không hề nhỏ khi giá trị món hàng lớn.
Tuy nhiên mua hàng online cũng có một vài nhược điểm so với mua hàng tại cửa hàng: bạn không thể tận tay chọn hàng, thử đồ, hoặc không thể quan sát món hàng ngoài thực tế được. Và quan trọng nhất là món hàng sẽ phải mất vài tiếng cho đến vài ngày mới được chuyển đến nhà bạn. Tuy hiện nay hãng Amazon Nhật Bản – có thể nói là hệ thống bán hàng online lớn nhất Nhật Bản hiện nay – đã rút ngắn thời gian kể từ khi đặt hàng đến khi nhận hàng xuống còn có thể chỉ tầm 10 tiếng đồng hồ, nhưng như thế bạn vẫn không thể có ngay món hàng trong tay như khi mua ở cửa hàng được.
2. Mua ở đâu
Ở Nhật, khi muốn mua một thứ hàng nào đó từ trên mạng, thông thường bạn sẽ muốn xem thử 4 trang web sau theo thứ tự đó: Amazon, Rakuten, Kakaku và website cửa hàng. Không phải ai cũng biết sự khác nhau giữa các trang bán hàng online này, nhưng thực ra về bản chất chúng khác nhau hoàn toàn.
Amazon là hệ thống vừa bán vừa phân phối và vận chuyển hàng. Bạn có thể hình dung nó như một siêu thị bán lẻ ở Việt Nam, như BigC hay Fivimart… Nó vừa bán sản phẩm của chính nó (bán hàng), vừa bán các sản phẩm của hãng khác (phân phối), vừa đảm nhận việc giao hàng (vận chuyển). Nhưng khác biệt ở chỗ, vì là cửa hàng ảo 100% (chỉ bán hàng online, không phải thuê mặt bằng làm cửa hàng), nên hãng tiết kiệm được 1 phần chi phí và thường cung cấp sản phẩm giá rẻ và khá đáng tin cậy. Đồng thời, trong việc phân phối, Amazon cũng lấy hàng từ các hãng khác về và lưu trữ trong kho của mình, khi các mặt hàng này tồn kho lâu và không có dấu hiệu sẽ bán được, chúng sẽ được giảm giá bán để giải phóng dung tích kho, đây cũng là 1 lý do khiến hầu như tại bất kỳ thời điểm nào Amazon cũng đang có chiến dịch giảm giá 25-75% cho một số sảm phẩm nào đó. Cũng tương tự như Big C hay một số siêu thị ở Việt Nam, những mặt hàng có dán mác “Amazon” chứ không phải một hãng sản xuất hàng hóa, sẽ có giá mềm hơn những sản phẩm khác.
Rakuten thì không có sản phẩm của bản thân nó, mà chỉ phân phối hàng. Có thể hình dung Rakuten như một tòa nhà chợ với ban quản lý chợ: Các công ty bán hàng sẽ đăng ký 1 “kiốt” – tức 1 tên miền con trong trang web, ví dụ: rakuten.com/cuahangVN. Sau đó tùy ý trang trí, bày bán hàng, đặt giá hàng… Rakuten chỉ là một “platform” để các hãng bán hàng mở cửa hàng online, và trong vai trò ban quản lý chợ, Rakuten giúp các hãng đó trong việc chi trả, xác minh sự tin cậy của shop hay của người mua… Việc vận chuyển hàng cũng do các cửa hàng tự đảm nhiệm, vì thế bạn sẽ rất ít khi gặp các sản phẩm “thực sự” được miễn phí vận chuyển, bởi bản thân người bán hàng hầu như chắc chắn vẫn phải bỏ tiền ra để thuê hãng thứ ba vận chuyển. Tức là nếu phí vận chuyển bằng 0 thì hoặc đó là chính sách khuyến mãi của hãng – giảm lợi nhuận để chịu phí vận chuyển thay cho khách hàng, hoặc là tiền phí vận chuyển đó đã bao gồm trong giá sản phẩm rồi.
Các trang web bán hàng riêng rẽ thì có thể coi như những cửa hàng trên phố. Bạn đến trang web đó là do đã từng mua ở đó, do bạn bè giới thiệu, thấy trên quảng cáo, hoặc do thiết kế ngoại quan bắt mắt, hoặc do ở đó có đúng món đồ bạn cần… nhưng đặc điểm chung là một cửa hàng – trang web đó chỉ có một cá nhân hay công ty vận hành mà thôi. Cửa hàng chỉ có tác dụng bán hàng, không phân phối – họ mở cửa hàng là để khách đến mua ngay tại đó, chứ không phải để giới thiệu khách đi sang một cửa hàng khác.
Kakaku thì không bán hàng của mình, cũng không bán hàng của người khác nốt, kể cả vận chuyển cũng không. Kakaku có thể nói là như một anh “cò”, hàng ngày chạy khắp chợ, siêu thị và ghi chép lại tỉ mỉ xem anh A chị B bán những mặt hàng gì, giá bao nhiêu,… và lưu vào trong quyển sổ khổng lồ của mình. Khi có ai cần bất cứ thông tin về món hàng nào, hỏi Kakaku, anh ta sẽ liệt kê ra hết từng cửa hàng nào bán sản phẩm đó với giá bao nhiêu, tiền vận chuyển ra sao, thanh toán thế nào… Rất nhiều trường hợp khi bạn cần mua một sản phẩm nào đó và lên Kakaku để tìm nơi có giá rẻ nhất, bạn sẽ tìm thấy Amazon hoặc Rakuten, nhưng đôi khi nếu sản phẩm bạn cần tìm là hàng second hand thì tìm trên Kakaku sẽ cho bạn thấy cửa hàng bán rẻ nhất là một cửa hàng tư, ví dụ như là một shop chuyên sửa chữa và bán đồ second hand chẳng hạn.
Hiểu được bản chất của các hệ thống bán hàng online rồi, bạn sẽ có thể quyết định đúng xem món hàng mình cần nên tìm ở đâu là tốt nhất.
3. Các bước mua hàng online
Để mua hàng online trên Amazon các bạn tham khảo các bước tại đây.
Ở trang chủ của Rakuten, bạn sẽ thấy một giao diện có thể nói là khá rối mắt với hàng loạt màu sắc, banner, quảng cáo, chữ kanji bé và nhiều… đúng như một khu chợ thực sự. Bạn cũng có thể đi qua lại và ngắm các sản phẩm, lượn qua lại các biển quảng cáo… nhưng nếu đã định mua một sản phẩm gì, hãy tìm ngay con đường để đến khu có bán sản phẩm đó bằng một trong các cách sau:
1. Gõ từ khóa tìm kiếm
2. Chọn thể loại của món hàng
3. Click vào các hình quảng cáo nếu có món đồ bạn đang tìm
Mua hàng trên Rakuten
Sau bước này Rakuten sẽ đưa bạn đến trang có các sản phẩm bạn đang tìm. Tuy nhiên ở đây bạn dễ dàng bị choáng ngợp bởi có quá nhiều sản phẩm đan xen với quảng cáo, thông báo… Hãy nhìn sang bên trái, ở đây sẽ có các lựa chọn để bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm (mức giá, loại mặt hàng, các thông số, hàng mới/second hand, …) Sau khi thu hẹp phạm vi tìm kiếm, bạn vẫn phải bỏ qua các nội dung quảng cáo (có màu khác so với kết quả tìm kiếm) để xem các kết quả thu được phía dưới.
Chọn mức giá, thông số… bỏ qua quảng cáo và tìm đến kết quả tìm kiếm
4. Khi tìm được sản phẩm ưng ý, hãy click vào sản phẩm đó và… sẵn sàng cho một rừng quảng cáo mới! Các cửa hàng trên Rakuten nói chung luôn có một rừng quảng cáo đặt khắp phía trên, dưới, trái, phải… nên nhiều khi bạn sẽ rất mất thời gian mới có thể tìm ra được chỗ có thông tin về giá, số lượng tồn kho và nút đặt mua.
Bí quyết: Để nhanh chóng tìm ra khu vực này, hãy bật chức năng tìm kiếm text (thường là Ctrl+F) và tìm từ khóa “いいね”. Thường thì dòng chữ này sẽ nằm ở gần khu vực thông tin sản phẩm, tìm bằng từ khóa này sẽ có thể đưa bạn đến ngay khu vực cần đến, trên trang web của cửa hàng tràn lan quảng cáo. Đặc điểm của khu vực này là sẽ có một số “1” trong ô chữ nhật, đó là ô “số lượng mua”. Bên cạnh ô này sẽ là nút đặt mua hàng.
Tìm giữa rừng quảng cáo để thấy nơi chứa thông tin sản phẩm và nút mua
Tại đây, bạn sẽ thấy những thông tin quan trọng nhất về sản phẩm: giá của sản phẩm (giá chưa kèm thuế và giá đã kèm thuế). Một số cửa hàng cho bạn những ưu đãi nhất định khi bạn “hứa” sẽ viết đánh giá của bạn sau khi nhận được hàng: có nơi tặng bạn thẻ mua hàng, có nơi tặng điểm Rakuten, hay cũng có nơi tặng phụ kiện đi kèm sản phẩm… Tuy nhiên để “hứa” và nhận ưu đãi, khi mua hàng bạn sẽ phải chọn trong thanh sổ xuống trước khi click mua.
5. Bạn cũng có thể đọc các đánh giá của những khách hàng khác đã từng mua hàng ở cửa hàng này. Khi chắc chắn muốn mua sản phẩm, hãy click vào nút đặt mua, thường sẽ nằm ở bên phải của ô chữ nhật có số 1.
Đăng Nhập
Để mua hàng trên Rakuten, bạn sẽ phải đăng nhập bằng tài khoản Rakuten của mình. Nếu chưa có tài khoản, bạn có thể nhập thông tin của mình vào ngay bên dưới màn hình để tạo tài khoản mới (lưu ý : hãy nhớ mật khẩu của mình và điền địa chỉ chính xác và chi tiết). Tại cửa sổ này, giá tiền sản phẩm của bạn CHƯA BAO GỒM PHÍ VẬN CHUYỂN cũng sẽ được hiển thị, nhưng hãy lưu ý đây không phải là số tiền cuối cùng bạn sẽ phải trả.
Hình thức trả tiền
6. Tiếp theo sẽ là một màn hình để bạn chọn hình thức thanh toán (thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, trả qua combini, CoD, dùng thẻ Rakuten Edy, …), hình thức vận chuyển, và ngày giờ nhận hàng.
Tùy vào từng cửa hàng và mặt hàng mà các hình thức thanh toán bạn có thể sử dụng sẽ khác nhau: có cửa hàng sẽ cho trả qua combini hoặc chuyển khoản ngân hàng, có những cửa hàng khác thì chỉ có thể trả qua thẻ tín dụng… Thông thường nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thông qua combini bạn sẽ không mất thêm phụ phí vào khoảng vài trăm yên, còn nếu không bạn sẽ mất thêm một ít tiền để chuyển khoản ngân hàng hoặc cho dịch vụ thanh toán khi nhận hàng (CoD).
7. Xác nhận thông tin, bỏ chọn nhận email và bấm nút đỏ
Sau tất cả các bước trên, bạn sẽ được đưa đến màn hình xác nhận cuối cùng, tại đây sẽ có tất cả cá thông tin: Tổng số tiền cuối cùng phải trả, tên và chi tiết từng món hàng, hình thức thanh toán, hình thức chuyển hàng, ngày giờ nhận hàng,…. Bạn cần xác nhận kỹ những thông tin này trước khi click vào nút đỏ 注文を確定する. Một khi bạn click vào nút này, việc mua bán sẽ được xác lập.
Trước khi nhấn nút đỏ mua hàng, hãy để ý những dấu tick phía dưới cùng. Đây là các lựa chọn nhận email quảng cáo của Rakuten cũng như của cửa hàng. Để tránh phải nhận những email quảng cáo với tần suất có thể lên tới 10 mail/ngày, hãy bỏ chọn tất cả các mục ở đây.
8. Cuối cùng, trừ phi bạn chọn hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc CoD (trả tiền khi nhận hàng), nếu không cách chi trả chi tiết (qua combini/chuyển khoản/trả sau khi nhận hàng…) sẽ được tự động gửi đến, hoặc do chính người bán hàng gửi cho bạn qua email. Từ đây bạn có thể liên lạc trực tiếp với người bán hàng về việc đổi, trả hàng hay thay đổi địa chỉ gửi hàng, thay đổi cách thanh toán nếu cần.
Đúng khoảng ngày giờ đã định, nhân viên giao hàng sẽ đến giao hàng cho bạn. Nếu vào ngày giờ đó bạn không có mặt ở nhà để nhận hàng được, người chuyển hàng sẽ để lại một mẩu giấy trong đó có thông tin để bạn hẹn họ quay lại vào một ngày khác. Tuy nhiên hãy cố gắng chọn ngày mà mình sẽ chắc chắn ở nhà nhận hàng được là tốt nhất.
Xác nhận thông tin, bỏ chọn nhận email và bấm nút đỏ
Nhưng đây vẫn chưa phải là bước cuối cùng. Dù đang phấn khởi với món đồ mới mua, bạn cũng đừng quên viết đánh giá cho cửa hàng – nếu như đã hứa trước đó để nhận được ưu đãi – nhé! Đánh giá không nhất thiết phải là một bài sakubun dài dằng dặc, có thể chỉ là một câu vài chữ “Đã nhận được hàng, dùng tốt”.. hay đại khái như vậy. Nếu không chắc chắn bạn có thể vào lại trang chủ của cửa hàng đó trên Rakuten, xem xem những người khác đã đánh giá như thế nào để tham khảo.
4. Kết
Là một khu “chợ ảo” mà ai cũng có thể mở cửa hàng kinh doanh, nên Rakuten chú trọng vào việc kích thích người mua viết đánh giá, để những người mua sau biết cửa hàng nào đáng tin cậy, cửa hàng nào không, và đó cũng là động lực để các cửa hàng luôn phải làm vừa lòng khách hàng nếu không muốn mất uy tín kinh doanh. Vì thế nên hãy tận dụng điều này – đọc các đánh giá, số điểm bình chọn của cửa hàng để cân nhắc trước khi mua hàng, và nếu có thể thì bạn cũng nên viết một vài đánh giá của mình sau khi nhận được hàng, dù chỉ là 良かった, 良くなかった hay ひどかった – để giúp cho ngươi mua sau bạn, giống như người mua trước bạn đã giúp bạn. Cuối cùng xin chia sẻ với các bạn một câu thành ngữ nói lên rất nhiều về tính cách của người Nhật:「次工程はお客様」- “người tiếp theo cũng như quý khách hàng”, nếu có thể các bạn hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu nói này nhé.
Nguồn: Akira Education
Tôi khát khao được sống và làm việc ở Nhật Bản
Tôi vẫn nuôi dưỡng trong mình mục tiêu một ngày gần nhất được sống và làm việc ở đất nước mặt trời mọc.