Không muốn con trở thành "đứa trẻ hoàn hảo", bà mẹ Nhật tự mở trường dạy học

Với mô hình học tập của mình, người mẹ này mong muốn giúp cho nền giáo dục Nhật Bản trở nên linh hoạt hơn, khả năng của trẻ em không còn bị đánh giá dựa trên khuôn mẫu hiện có hay các bài kiểm tra chuẩn hóa.

14:59 20/12/2018

Năm 2003, Hazuki Tanaka từ Mỹ trở về Nhật Bản với 2 con gái, một bé gần 3 tuổi và một bé vừa chào đời. Tuy nhiên, Tanaka lại gặp phải một bài toán nan giải khi nhận ra tất cả nhà trẻ cô thử gửi con đều dựa trên mô hình giáo dục cũ nhằm tạo ra những “đứa trẻ hoàn hảo”.

“Họ đặt một cây bút chì trong tay con gái tôi và để bé viết từng chữ nối tiếp nhau. Con gái tôi ghét việc đó và không viết được đẹp cho lắm”, Tanaka nhớ lại. Tuy nhiên, môi trường này ngầm cho rằng chỉ đứa trẻ nào viết đẹp mới được đánh giá cao.

Không muốn con trở thành "đứa trẻ hoàn hảo", bà mẹ Nhật tự mở trường dạy học - 1

Hazuki Tanaka đã tự mở trường học để cung cấp cho hai con mình một nền giáo dục công bằng.

Tanaka nhớ lại thời điểm mới sang Mỹ. 10 tháng đầu tiên ở Mỹ, cô theo học 1 trường dạy tiếng tại bang Oregon. Ở với gia đình chủ nhà người Mỹ, cô trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn khác trước đây. “Tôi đã được tiếp xúc với một môi trường mà sự khác biệt không chỉ được chấp nhận, nó được xem là bình thường”, cô kể.

Sau khi kết hôn, vợ chồng Tanaka sinh con gái đầu tiên vào năm 2000. Đưa con đi nhà trẻ ở Oregon, người phụ nữ Nhật Bản nhận thấy giáo dục mầm non ở Mỹ không giống phong cách đồng nhất của đất nước mình.

Quyết tâm cung cấp cho 2 con một nền giáo dục dựa trên tư duy toàn cầu và công bằng, không chú trọng tính đồng nhất, vào năm 2004, Tanaka cùng chồng thành lập Trường Quốc tế Hayama trong căn phòng nhỏ ở chung cư với chỉ 5 học sinh, bao gồm 2 con gái của họ. Và rồi 14 năm sau, ngôi trường có gần 200 học sinh tọa lạc tại một địa điểm ở thị trấn Hayama (tỉnh Kanagawa), được bao quanh bởi đại dương và cây cọ xanh mát. Năm ngoái, họ đã mở thêm cơ sở thứ 2 để đáp ứng số lượng học sinh nhập học ngày càng nhiều.

Không muốn con trở thành "đứa trẻ hoàn hảo", bà mẹ Nhật tự mở trường dạy học - 2

Khung cảnh ngôi trường

Phương châm giảng dạy của trường rất đơn giản, đó là chơi – nghĩ – học. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ em chỉ chơi suốt ngày, Tanaka nhấn mạnh. “Ý tưởng là giúp chúng tìm đủ chất liệu học tập trong khi chơi và hiểu những điều đơn giản hình thành nên trò chơi”, cô nói. Một buổi vui chơi đơn giản bên ngoài lớp học có thể dạy cho trẻ mọi thứ về các mùa: màu sắc, không khí, động vật và hoa, hướng dẫn một số khái niệm thông qua khám phá của học sinh.

Trong khi lớp mẫu giáo bé dạy trẻ về bảng chữ cái tiếng Anh, con số, màu sắc, từ vựng, âm nhạc, những câu chuyện thú vị, cách làm đồ thủ công thì lớp nhỡ sẽ được dạy cách thể hiện cảm xúc thông qua lời nói, chia sẻ ý tưởng với cả lớp, tập viết lần đầu tiên. Sau đó, trẻ vào lớp mẫu giáo lớn rồi lên tiểu học, được dạy các môn chính như toán, đọc, viết, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc và giáo dục thể chất.

“Không phải mọi đứa trẻ đều học cùng tốc độ và điều đó là tự nhiên. Nếu chúng không thể thực hiện một nhiệm vụ nào đó, chúng tôi không thúc giục để hoàn thành theo đúng chương trình. Giáo viên quan sát thật kỹ, nhưng sẽ cho các em thêm thời gian và nhiều gợi ý”, Tanaka nói.

Không muốn con trở thành "đứa trẻ hoàn hảo", bà mẹ Nhật tự mở trường dạy học - 3

Tại đây, học sinh được giáo dục theo phương pháp chơi – nghĩ – học

Tanaka tin rằng các nhà giáo dục nên cung cấp phương tiện cho trẻ hơn là chỉ bảo chính xác nên làm thế nào. Một trong những phương tiện học tập trong trường quốc tế mà cô thành lập chính là sự đa dạng. Cả học sinh và giáo viên đều đến từ các quốc gia và nền tảng khác nhau.

Ngoài ra, trường Hayama thường xuyên tổ chức các sự kiện nhưng không bắt buộc trẻ tham gia. Thầy cô giáo không khuyến khích tính đồng nhất và không yêu cầu học sinh chơi cùng nhau mọi lúc. “Giống như người lớn, trẻ em có nhóm bạn riêng và cũng có những đứa trẻ không hòa hợp với nhau. Hoặc đôi khi chúng chỉ muốn ở một mình. Chúng tôi không ép chúng luôn là thành viên của một nhóm”, cô nói.

“Khi còn là một đứa trẻ, tôi không viết đẹp hay ghi nhớ tốt nhưng tôi giỏi những thứ khác. Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta cần có thêm nhiều lựa chọn và cách đánh giá. Nếu chúng ta cố gắng ép mọi đứa trẻ vào một khuôn mẫu, sẽ có nhiều trẻ em được đánh giá là không có khả năng, trong khi hoàn toàn ngược lại. Đó không phải là loại hình giáo dục công bằng”, Tanaka nói.

Theo: 24h.com.vn

Tags:
Câu chuyện cảm động về thí sinh Miss Universe 2018: Dự thi muộn vì quá nghèo, nhưng nhận cái kết ấm lòng từ người dân Thái

Câu chuyện cảm động về thí sinh Miss Universe 2018: Dự thi muộn vì quá nghèo, nhưng nhận cái kết ấm lòng từ người dân Thái

Hoa hậu Sierra Leone - thí sinh Miss Universe 2018 từng bị đồn mất tích - đã không thể dự thi vì không đủ chi phí di chuyển, dẫn đến việc xuất hiện muộn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất