Kinh nghiệm đi châu Âu hậu Covid-19 của gia đình Việt
Gia đình anh Vũ Tuấn, gồm hai vợ chồng và hai con, vừa có chuyến du lịch châu Âu tự túc 15 ngày, hết 300 triệu đồng vào tháng 6.
08:34 09/07/2022
Sau hai năm ở nhà vì dịch bệnh, hè năm nay anh Vũ Quốc Tuấn, sống tại TP HCM, quyết định cùng vợ con sang châu Âu du lịch. Gia đình anh gồm bốn người. Hai vợ chồng và con trai út bay từ Việt Nam, con gái đang học tại châu Âu thì bay từ Đức sang Rome, Italy nhập đoàn cùng bố mẹ, sau đó đi thăm Venice, Vatican (Italy), Paris (Pháp), Đức và Ba Lan trước khi quay về Việt Nam.
Di chuyển
Anh Tuấn mua vé máy bay qua một ứng dụng trên mạng, giúp anh quét một lượt website của các hãng bay và cung cấp đúng loại vé mong muốn. Từ đó, anh có thể chủ động chọn loại vé từ rẻ nhất, vé transit (nối chuyến) ít nhất, vé bay nhanh nhất hay vé của các hãng có nhiều tiện nghi nhất.
Việc mua vé qua app cũng có thêm tiện lợi: chủ động nhắc khách hàng khi gần đến ngày bay, giúp bạn nhập thông tin cá nhân và check-in online. Bạn cũng được cung cấp thông tin nếu chuyến bay hoãn, hủy. Khi đến sân bay, app sẽ báo cho khách cửa làm thủ tục, số cửa ra máy bay... Điều này được anh Tuấn đánh giá là hữu ích khi ra các sân bay lớn ở nước ngoài. App cũng cung cấp tỷ lệ đúng giờ của các hãng để khách hàng lựa chọn.
Anh gợi ý mọi người nên cân nhắc khi mua vé giá rẻ. Nếu chọn phương án tiết kiệm, bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn (do phải transit nhiều) và chấp nhận tiện nghi kém hơn. Bên cạnh đó, đôi khi vé rẻ hóa đắt nếu bạn không nắm rõ cách thức vận hành của hãng bay. Tại nhiều điểm nối chuyến nếu chỉ có hai tiếng, bạn rất dễ bị lỡ chuyến thứ hai. Lý do là thời gian để di chuyển quá ít, và nếu chuyến đầu của bạn bị trễ, chuyến thứ hai khả năng cao cũng bị trễ. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải mất tiền lần thứ hai để mua vé khác.
"Nên chọn thời gian transit giữa các chuyến ít nhất ba tiếng. Bạn cần nắm rõ trong các chặng nối chuyến đó có cần phải lấy hành lý ra để chuyển qua chuyến mới không, hay hành lý được tự động chuyển. Nếu phải tự lấy hành lý, bạn cần thêm thời gian một tiếng nữa cho việc lấy, gửi đồ", anh Tuấn nói.
Tại châu Âu, gia đình anh Tuấn sử dụng Google Maps, và tải các ứng dụng về giao thông công cộng ở nơi anh đến.
Các vấn đề liên quan đến Covid-19
Châu Âu đã mở cửa đón khách và giảm thiểu tối đa mọi biện pháp hạn chế, phòng dịch như trước. Du khách sẽ không bị yêu cầu cung cấp hộ chiếu vaccine hay các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên bạn vẫn có thể bị hỏi khi tới các sân bay ở Việt Nam hay nơi nào đó trên đường transit, tùy theo chính sách nước sở tại.
Anh Tuấn đi vào tháng 6, nên tại sân bay ở Thái Lan, gia đình anh được yêu cầu trình thẻ Thailand Pass (đã được bỏ từ 1/7). Tại Pháp, thời điểm gia đình anh Tuấn đến, khẩu trang không bị bắt buộc. Nhưng khi họ qua Italy, Đức lại được nhắc nhở đeo khi dùng phương tiện công cộng.
Châu Âu hiện có lượng lớn du khách quay lại, và quang cảnh không kém gì trước dịch. Gia đình anh Tuấn vẫn đeo khẩu trang khi vào không gian kín. Họ cũng mang theo nước rửa tay khô và thuốc xịt họng đề phòng cần dùng đến.
"Các sân bay đều có thiết bị đo nhiệt để kiểm tra người bị sốt. Nếu nhiệt độ của bạn cao và khi kiểm tra, bạn trở thành F0 thì chuyến đi sẽ thành thảm họa. Hãy kiểm tra kỹ các điều khoản được chi trả khi mua bảo hiểm du lịch vì có thể bạn sẽ cần dùng đến", anh Tuấn chia sẻ.
Các điểm tham quan
Pháp: nhà thờ Notre-Dame (nhà thờ Đức Bà Paris), nhà thờ Sainte Chapelle, đại lộ Champs Elysée, Arc de Triomphe (Khải Hoàn Môn), bảo tàng Louvre, nhà hát opera Palais Garnier và nhà hát ca múa nhạc Moulin Rouge, đi thuyền trên sông Seine, tháp Eiffel, tháp Montparnasse và đồi Montmartre.
Italy và Vatican: Đền Pantheon, Sảnh chính Vatican - Saint Peter’s Basilica, bảo tàng Vatican Museums, nhà nguyện Sistine, Colosseum (Đấu trường La Mã) và Roman Forum (Quảng trường La Mã), Tổng lãnh vương cung thánh đường Thánh John Lateran, bảo tàng Capitoline và Galleria Borghese, đảo Murano.
Đức: Tháp truyền hình Berlin, cổng Brandenburg, bảo tàng Museumsinsel, vườn thú Zoologischer Garten Berlinm, công viên Tiergarten. Gia đình cũng ghé thăm thị trấn Frankfurt an der Oder, Potsdam và ghé thăm Ba Lan (đi lại trong ngày).
Mua vé tại các điểm tham quan
Các điểm đông khách như Đấu trường La Mã, Italy hay bảo tàng Louvre, Pháp đều chuyển sang bán vé online để tránh tình trạng vé giả, phe vé hay để tránh tụ tập đám đông, chờ đợi xếp hàng lâu.
Vấn đề phát sinh ở đây là khách cần thanh toán bằng thẻ, nhưng điểm tham quan không có máy quẹt thẻ. Do vậy, nếu bạn thanh toán bằng thẻ do ngân hàng Việt Nam phát hành, OTP sẽ được gửi về số điện thoại của bạn ở Việt Nam. Như vậy, bạn sẽ cần phải mở roaming cho máy điện thoại của mình.
Gia đình anh mua vé và thanh toán bằng thẻ ngân hàng của Việt Nam. Mỗi lần mua vé, anh phải tháo sim nước ngoài, lắp sim Việt và mở roaming để thực hiện các thao tác thanh toán. Do nhiều lần tháo ra lắp vào các loại sim, nên đến cuối cùng anh bị mất sim Việt Nam.
"Hãy tìm hiểu thật kỹ cách thức thanh toán của chiếc thẻ bạn đang sở hữu trước khi đi du lịch nhé", anh nói.
Ăn uống
Giá một chai nước ở máy bán hàng tự động ven đường là 2,5 euro, các siêu thị lớn giá chỉ còn 0,5 euro. Anh Tuấn gợi ý nếu muốn tiết kiệm có thể vào các siêu thị mua nước, đồ ăn nhẹ và mang theo. Trong trường hợp đi cùng gia đình hay nhóm bạn, mọi người có thể thuê căn hộ có đủ bếp và tủ lạnh qua Airbnb và tự nấu nướng.
Các điểm đến nổi tiếng ở châu Âu thường rất rộng, việc đi bộ tham quan có thể hết cả ngày. Vì vậy, mang theo đồ ăn, nước uống vừa giúp tiết kiệm và đảm bảo sức khỏe để đi thăm hết những nơi yêu thích.
Gia đình anh cũng tranh thủ thưởng thức các đặc sản ở nơi mình đến như bánh sừng bò ở Pháp, gelato ở Italy... bên cạnh việc mua đồ tại siêu thị về tự nấu nướng một số bữa.
Nói về vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay: móc túi - trộm cắp ở châu Âu, anh Tuấn nói "đặc sản" này vẫn phổ biến giống như khi trước dịch. Cũng không vì đại dịch mà trộm cắp giữ khoảng cách với khách. Do đó, mọi người luôn cần phải để mắt đến tư trang, đặc biệt là đi ở chỗ đông người.
Chi phí chuyến đi
Đài Nhật nói cựu thủ tướng Shinzo Abe qua đời
Cựu thủ tướng Abe qua đời sau quá trình cấp cứu trong bệnh viện, vì bị ám sát tại một sự kiện ở tỉnh Nara, theo NHK.