Kỹ sư IT bỏ việc lương ngàn đô ở công ty đa quốc gia để đi đánh giày, sau 6 năm thành chủ tiệm sửa giày hiệu, kiếm 150 triệu đồng/tháng

Đang làm công việc IT ở công ty đa quốc gia với một mức lương nghìn USD, anh Đinh Thanh Phong quyết định từ bỏ công việc này để làm người đánh giày. Với anh, việc đánh giày, chăm sóc giày da không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê.

10:45 08/06/2023

Kỹ sư IT bỏ việc lương ngàn đô ở công ty đa quốc gia để đi đánh giày, sau 6 năm thành chủ tiệm sửa giày hiệu, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

6 năm trước, Đinh Thanh Phong, kĩ sư Công nghệ thông tin đã khiến mọi người xung quanh bất ngờ với quyết định nghỉ việc tại một một công ty đa quốc gia để làm một người đánh giày. Thời điểm đó, anh Phong 31 tuổi, đang nhận lương tháng 1000 USD, một con số được xem là khấm khá đối với một nhân viên công sở.

Mặc kệ cái nhìn hay đánh giá từ người khác, Đinh Thanh Phong chuyển sang công việc mới - một người đánh giày. Anh sáng lập ra một thương hiệu chăm sóc giày da của riêng mình.

Bỏ việc lương nghìn USD, khởi nghiệp đánh giày vì không thích nhàn rỗi

Trước khi khởi nghiệp đánh giày, Đinh Thanh Phong từng làm qua 3 công ty khác trong suốt quá trình 12 năm đi làm. Thu nhập và phúc lợi ở công ty sau cùng đối với nhân sự rất tốt và khá nhàn rỗi. Mức lương khoảng 1000USD/tháng mà anh nhận khi đó là chưa bao gồm các loại hoa hồng nhận được từ đào tạo khách hàng hoặc bán hàng.

Chính vì công việc khá nhàn bắt đầu khiến anh Phong suy tính việc làm thêm công việc khác trong thời gian rảnh rỗi và sau giờ làm để chân tay luôn được vận động. Công việc làm thêm khi ấy của anh chính là... đánh giày.

Làm song song 2 công việc một thời gian, anh quyết định nghỉ việc, chính thức trở thành một người đánh giày toàn thời gian.

Khi đang có một công việc ổn định với một mức lương tốt, chuyện anh Phong bỏ việc để theo đuổi đam mê đã nhiều người xung quanh anh cho rằng quyết định này là quá mạo hiểm.

Kỹ sư IT bỏ việc lương ngàn đô ở công ty đa quốc gia để đi đánh giày, sau 6 năm thành chủ tiệm sửa giày hiệu, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

“Thực ra khi tôi quyết định nghỉ công ty để làm việc này một cách thực sự thì đó cũng chỉ là một quyết định rất bình thường. Lúc đó tôi đã có nguồn thu và bước tiếp theo của công việc rồi, và việc của tôi rất đơn giản đó là “quyết định” và thông báo cho gia đình. Còn tôi luôn tự lập và đã có định hướng cho bước tiếp theo của cuộc sống và đã tự quyết định nghỉ việc đầu tiên thì sau các lần tiếp theo tôi không hề phải cần sự cân nhắc nào từ gia đình hay bạn bè cả. Bởi tôi nghĩ không ai đi con đường của mình cả, mà chỉ có chúng ta biết và hiểu nên chỉ có bản thân mới giúp được chính mình”.

Niềm đam mê với công việc đánh giày

Đam mê đánh giày của anh Đinh Thanh Phong đến một cách rất  ngẫu nhiên đến từ một "chú chủ tiệm cafe".

"Đó là một người chú pha cafe rất đáng mến. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn uống cafe và lấy cảm hứng từ quán cafe đó.

Một buổi sáng đi làm như thường lệ trước đây, tôi sẽ phải mặc áo sơ mi và quần âu, đương nhiên sẽ là cả giày tây nữa. Tôi uống cafe của chú mỗi sáng. Bỗng một ngày, chú nói rằng: 'Phong ơi, con bán giày đi chú có nhiều khách sộp lắm chú sẽ giới thiệu cho con'.

Tôi trả lời chú: Chú ơi có nhiều người bán giày lắm rồi ạ, con không bán giày đâu, nhưng không ai chăm sóc giày cả con có làm thì sẽ làm đánh giày cho người ta'.

Và ngay buổi trưa đó, tôi lập trang fanpage đầu tiên: “Tiệm Đánh Giày”. Những người khách đầu tiên là tất cả những người bạn uống cafe buổi sáng ở quán chú ấy”.

Kỹ sư IT bỏ việc lương ngàn đô ở công ty đa quốc gia để đi đánh giày, sau 6 năm thành chủ tiệm sửa giày hiệu, kiếm 150 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

“Công việc đánh giày khá đơn giản nhưng chi phí cho đơn hàng đầu tiên của tôi không hề nhỏ: 5 triệu đồng để mua xi và bàn chải”, anh Phong nhớ lại.

Đinh Thanh Phong đã bắt đầu với việc đánh giày tại gia. Hàng ngày, anh đánh giày trên chiếc bàn làm việc ở góc phòng ngủ. Sau mỗi giờ đi làm về vào lúc 7h30 tối, anh sẽ bắt đầu đánh giày của khách, kết thúc và dọn dẹp vào lúc 12h đêm. Sáng hôm sau, anh sẽ đi làm cùng đống giày của khách. Buổi trưa là lúc anh đi gửi trả đồ cho khách và buổi chiều lại xách đồ mới về để làm.

Bắt đầu một công việc mới, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, anh Phong gặp không ít khó khăn. “Khi bắt đầu với việc đánh giày, tôi không khó khăn về tiền hay tài chính, vì lúc đó vẫn làm thuê vẫn có lương để nuôi sống bản thân. Hồi đó chẳng có khó khăn gì chỉ làm vì đam mê. Nhưng khi bắt đầu làm sâu hơn với đồ hiệu, tôi bắt đầu thấy hơi áp lực. Lúc đó, đối tác lớn nhất của tôi là một cửa hàng bán đồ hiệu lớn nhất Hà Nội”.

Anh Phong đã mất nhiều đêm đau đầu vì phải xử lý những đôi giày hiệu, với tay nghề khi ấy còn non, dụng cụ lại thiếu, hóa chất và đồ đạc thô sơ. Cầm những đôi giày hiệu đắt tiền trong tay, nếu không cẩn thận và kỹ càng, tiền đền còn cao hơn gấp nhiều lần tiền công.

“Mọi khó khăn đều tạo áp lực vô hình. Tôi là người cầu toàn vì thế mà mỗi việc tôi đều muốn hoàn thành một cách hoàn hảo. Dần dần áp lực sẽ được làm quen và công việc làm đi làm lại sẽ trơn chu. Tôi biết mình làm tốt điều gì sẽ tập trung vào nó mà thôi, không ôm tất cả mọi thứ để bị stress”.

Trải qua quá trình tự học và đúc rút kinh nghiệm, anh kỹ sư IT năm xưa giờ đây đã trở thành một người đánh giày chuyên nghiệp và mở một tiệm chăm sóc da giày cao cấp.

 

Kiếm 150 triệu đồng/tháng, xử lý những đôi giày có giá cả trăm triệu đồng

Đinh Thanh Phong cho biết, thu nhập từ công việc đánh giày, chăm sóc giày của anh hiện là 150 triệu đồng/tháng.

“Nếu theo những gì mọi người biết thì 1 đôi giày vệ sinh bên mình cũng chỉ 150.000-250.000 đồng thì để đạt được con số kia thực sự là không tưởng. Nhưng mọi người đi đánh giày cao cấp thì sẽ ít khi mang 1-2 đôi vì mọi người chưa có thói quen này, mà mọi người sẽ gom 2-3 đôi. Đương nhiên không chỉ vệ sinh mà sẽ dùng thêm cả các dịch vụ cao cấp khác".

Chia sẻ về mức giá đánh giày tại tiệm là 150.000-250.000 đồng/đôi, gấp 10 lần với chi phí đánh giày mà mọi người thường thấy là 15.000-20.0000 đồng/đôi, anh Phong lý giải với những dịch vụ chăm sóc giày cầu kỳ, người đánh giày cũng phải được đào tạo và qua quá trình kiểm duyệt gắt gao mới được làm giày của khách.

Với mức giá như vậy, không phải toàn bộ các đôi giày được đưa đến tiệm giày của anh để sử dụng dịch vụ chăm sóc đều là giày đắt tiền. “Đó là những đôi giày mà khách yêu quý nhất. Có những đôi giày không đắt tiền khách vẫn gửi tới thậm chí số tiền bỏ ra để chăm sóc còn lớn hơn nhiều so với đôi giày đó mua mới, nhưng khách vẫn chấp nhận vì nó là kỷ niệm. Có nhiều khách hàng họ yêu quý giày thì dù giày đắt hay không đắt, họ rất muốn đôi giày mình được chỉn chu hết mức”.

Đinh Thanh Phong cho biết, những đôi giày anh từng xử lý đắt nhất là 180 – 250 triệu đồng. Có những đôi giày phải xử lý cả tháng mới gửi lại được cho chủ nhân.

“Mỗi quyết định trong cuộc sống của mình đều chưa bao giờ hối hận vì cho đến bây giờ thì thu nhập từ việc đánh giày dù vất vả hơn IT rất nhiều nhưng nó là thứ mình muốn làm hàng ngày và mình không hề mất năng lượng vì nó. Ngày nào cũng có thử thách cần vượt qua ngày nào cũng gặt hái được thành công nhỏ bé nào đó. Chứ không phải công việc mà đợi cuối tháng lương về, mà đây là công việc mình thấy ngay được lương hay không có lương trong từng hành động”, Đinh Thanh Phong cho biết.

 

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất