Kyoto Animation - hãng phim hoạt hình phản ánh xã hội Nhật Bản

Vụ phóng hỏa KyoAni được cho là "đòn giáng" vào ngành phim hoạt hình Nhật bởi hãng sở hữu những tác phẩm nổi tiếng về nhiều vấn đề xã hội.

08:00 20/07/2019

Hiện trường vụ cháy xưởng phim Kyoto Animation tại thành phố Kyoto, Nhật Bản hôm 18/7. Ảnh: AFP.

Hiện trường vụ cháy xưởng phim Kyoto Animation tại thành phố Kyoto, Nhật Bản hôm 18/7. Ảnh: AFP.

Ít nhất 33 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau vụ phóng hỏa xưởng phim hoạt hình Kyoto Animation (còn gọi là KyoAni) tại thành phố Kyoto, Nhật Bản hôm qua. Các nhân chứng cho biết nghi phạm 41 tuổi đã hét lên "chết đi", trước khi tưới xăng khắp nơi rồi châm lửa đốt. 

Người đàn ông này hiện được điều trị tại bệnh viện do bỏng ở mặt và ngực. Cảnh sát còn phát hiện dao tại hiện trường, song chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào về động cơ gây án. Họ dự kiến thẩm vấn nghi phạm kỹ lưỡng sau khi anh ta bình phục.

Vụ phóng hỏa khiến nhiều người bàng hoàng khi cơ sở chịu thiệt hại là một xưởng phim hoạt hình (anime), một trong những sản phẩm xuất khẩu văn hóa nổi tiếng nhất của Nhật Bản. "Tôi không biết phải nghĩ gì bây giờ. Tại sao lại như vậy chứ?", Yutaka Yamamoto, một đạo diễn anime từng làm việc tại KyoAni, cho biết. 

"Đó là một trong những hãng phim hoạt hình lớn và tuyệt vời nhất tại Nhật Bản. Với từng đó người thiệt mạng, nhiều tên tuổi hàng đầu trong ngành phim hoạt hình của đất nước có thể đã ra đi", nhà bình luận phim Yuichi Maeda nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng của KyoAni, nói thêm rằng đây sẽ là "đòn giáng lớn" vào ngành công nghiệp anime. 

KyoAni được coi là một hãng phim hoạt hình đặc biệt tại Nhật Bản, do hai nhà sản xuất Yoko và Hideaki Hatta thành lập vào năm 1981. Nội dung các tác phẩm của hãng này thường tập trung vào sự trầm cảm và nỗi lo âu trong xã hội, cũng như những vấn đề sâu sắc khác. 

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của KyoAni là "Melancholy of Haruhi Suzumiya", chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên phát hành lần đầu vào năm 2003, với nội dung kể về một câu lạc bộ điều tra các hiện tượng huyền bí. KyoAni đã sản xuất 14 tập trong series năm 2006 và một tập phim lẻ vào năm 2010. 

Hãng phim còn nổi tiếng trong cộng đồng người hâm mộ anime nhờ phát triển một phong cách vẽ đặc biệt, được phổ biến từ series "K-On!". Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm truyện tranh cùng tên này được đánh giá là một trong những anime thể loại âm nhạc xuất sắc nhất của Nhật Bản, đạt được nhiều giải thưởng. Thành công của "K-On!" đã tạo ra xu hướng làm phim với nội dung xoay quanh cuộc sống thường ngày của các nhân vật chính. 

Trong khi Studio Ghibli được cho là hãng phim hoạt hình nổi tiếng nhất của Nhật Bản, KyoAni gần đây dần nổi lên như một trong những hãng có doanh thu cao nhất nhờ thành công của các series như "Sound! Euphonium" và "Free!". Hãng dự kiến phát hành thêm một tập phim lẻ của "Free!", series kể về đội bơi lội của một trường trung học, nhân sự kiện Thế Vận hội 2020 ở Tokyo.

"A Silent Voice", phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của KyoAni, được phát hành hồi năm 2016 và trở thành phim Nhật Bản có doanh thu cao thứ 10 trong năm tại nước này. Phim kể về một cô gái khiếm thính và cậu bạn cùng lớp cũ từng bắt nạt cô, được đón nhận không chỉ bởi chất lượng nghệ thuật cao mà còn nhờ việc đề cập tới chủ đề bắt nạt, tự tử và trầm cảm ở lứa tuổi thiếu niên. 

Hình ảnh trong phim A Silent Voice. Ảnh: FilmFed.

Hình ảnh trong phim "A Silent Voice" của Kyoto Animation. Ảnh: FilmFed.

"Bộ phim rõ ràng cho thấy rằng nếu KyoAni tiếp tục theo đà hiện tại, họ có khả năng sẽ được nhắc tới tương tự cách chúng ta nói về Studio Ghibli, như một nơi sản xuất những tác phẩm xuất sắc, kể lại câu chuyện theo cách mà không ai khác có thể truyền tải", đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Michael Moore cho biết, đề cập tới "A Silent Voice". Bộ phim từng được chiếu tại các rạp ở Việt Nam hồi năm 2017 với tên "Dáng hình Thanh âm".

Khác với phần lớn hãng phim hoạt hình tại Nhật Bản, nơi sử dụng nhân lực là người lao động tự do, KyoAni có đội ngũ nhân viên cố định, trả lương chính quy và được cho là có chính sách chăm sóc nhân viên tốt. Theo nội dung trên trang web của hãng, KyoAni khẳng định nguyên tắc của họ là làm việc hết sức, sản xuất các tác phẩm thích hợp và duy trì môi trường "nhân đạo".

"Chúng tôi trân trọng nguồn nhân lực. Việc thúc đẩy phát triển con người sẽ tạo ra sự tươi sáng trong công việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến lên với sự chân thành để trở thành một tập đoàn giải trí dựa trên phim hoạt hình", hãng phim cho biết. 

Sau khi tin tức về vụ phóng hỏa xưởng phim KyoAni lan truyền, hàng nghìn người đã bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ hãng phim. Sentai Filmworks, công ty phân phối các tác phẩm của KyoAni ở Bắc Mỹ, đã tổ chức gây quỹ ủng hộ hãng trên trang web GoFundMe và hiện thu hút hơn 200.000 USD. 

"Công ty này đã tạo ra nhiều bộ anime định hình cá tính của tôi. Hầu hết chúng đều là những kiệt tác", một người quyên tiền cho hay. "KyoAni là hình mẫu cho ngành công nghiệp anime và xứng đáng nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn thế. Tôi hy vọng họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau thảm kịch này", người khác chia sẻ. 

"Kyoto Animation là nơi sở hữu một số nhà làm phim hoạt hình và những người mộng mơ tài năng nhất thế giới. Vụ tấn công tàn khốc hôm nay là một thảm kịch vượt xa phạm vi Nhật Bản. Các họa sĩ của KyoAni đã lan tỏa niềm vui khắp thế giới và qua nhiều thế hệ bằng những kiệt tác của họ", giám đốc điều hành tập đoàn Apple Tim Cook cho biết sau vụ phóng hỏa. 

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Kỳ lạ: Người Nhật thuê xe tự lái chỉ để ngủ, ăn trưa, sạc điện thoại hay ... hát rap!

Kỳ lạ: Người Nhật thuê xe tự lái chỉ để ngủ, ăn trưa, sạc điện thoại hay ... hát rap!

Người ta thuê xe hơi để làm gì? Dĩ nhiên là để phục vụ nhu cầu đi lại nhưng điều này có vẻ không đúng tại Nhật! Câu chuyện dưới đây phản ánh một thế giới rất khác ở Nhật Bản nơi mà nhu cầu không gian riêng tư ngày một tăng trong khi không phải ai cũng có điều kiện để sở hữu một không gian như vậy.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất