Lái xe vi phạm nồng độ cồn tại Nhật Bản bị phạt tù tới 5 năm
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản là một trong những nước trên thế giới có khung hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những người lái xe sử dụng đồ uống có cồn.
13:00 31/01/2020
Cùng với đó, Nhật Bản cũng áp dụng khung hình phạt gần như tương đương với cả những người có liên quan như giao xe cho người đã sử dụng đồ uống có cồn lái, cung cấp đồ uống có cồn cho người lái xe hoặc khuyến khích họ sử dụng đồ uống có cồn.
Cụ thể, theo luật hiện hành của Nhật Bản, những người lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền không quá 500.000 yen (tương đương 100 triệu đồng Việt Nam), đồng thời bị phạt 13 điểm (lái xe bị phạt 15 điểm sẽ bị thu hồi bằng lái).
Đối với những người lái xe trong lúc say (hay lái xe trong tình trạng say rượu không làm chủ được năng lực hành vi như đi đứng loạng choạng và nói năng lung tung) thì bất kể người lái xe đó uống bao nhiêu rượu bia, họ sẽ bị phạt tù tối đa 5 năm, hoặc phạt tiền không quá 1 triệu yen (hơn 200 triệu đồng Việt Nam), đồng thời bị phạt 35 điểm.
Việc giao xe cho người đã uống rượu bia lái cũng sẽ phải chịu hình phạt tương đương với người lái xe. Cụ thể, nếu người lái xe bị kết tội lái xe khi có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở, những người chịu trách nhiệm về hành động của người lái xe sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền không quá 500.000 yen. Nếu người lái xe bị kết tội lái xe trong lúc say, những người chịu trách nhiệm về hành động của người lái xe sẽ bị phạt tù tối đa 5 năm hoặc phạt tiền không quá 1 triệu yen.
Đối với những người cung cấp đồ uống có cồn cho lái xe hoặc khuyến khích lái xe uống đồ uống có cồn, người đó cũng sẽ bị phạt nhưng mức phạt nhẹ hơn. Cụ thể, nếu người lái xe bị kết tội lái xe khi có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở, những người cung cấp đồ uống có cồn cho người lái xe hoặc khuyến khích người lái xe uống đồ uống có cồn sẽ bị phạt tù tối đa 2 năm hoặc phạt tiền không quá 300.000 yen. Nếu người lái xe bị kết tội lái xe trong lúc say, những người cung cấp đồ uống có cồn cho người lái xe hoặc khuyến khích người lái xe uống đồ uống có cồn sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền không quá 500.000 yen.
Những người đi cùng xe với người lái xe sau khi uống đồ uống có cồn cũng sẽ bị phạt nếu họ biết lái xe đã sử dụng đồ uống có cồn. Cụ thể, nếu người đi cùng xe biết rằng lái xe đó đã say và lái xe bị kết tội lái xe trong lúc say, người đi cùng xe sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền 500.000 yen; nếu người đi cùng xe biết rằng người lái xe đó đã say và người lái xe bị kết tội lái xe khi có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở, người đi cùng xe sẽ bị phạt tù tối đa 2 năm hoặc phạt tiền 300.000 yen. Nếu người đi cùng xe biết rằng người lái xe khi bị tác động bởi rượu bia và người lái xe bị kết tội lái xe trong lúc say hoặc khi có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở, người đi cùng xe sẽ bị phạt tù tối đa 2 năm hoặc phạt tiền 300.000 yen.
Đặc biệt, nếu một người lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn và gây tai nạn, thương vong, người đó sẽ bị kết tội “lái xe nguy hiểm gây thương vong”. Cụ thể, người đó sẽ bị phạt tù không quá 15 năm nếu có người bị thương, hoặc phạt tù không quá 20 năm nếu có người bị tử vong.
Đáng chú ý, những người từ chối kiểm tra nồng độ cồn cũng bị phạt tương đương với người lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Những người đi xe đạp cũng phải chịu các chế tài như những người lái
Trong quá khứ, nhiều ngôi sao và chính trị gia nổi tiếng ở Nhật Bản đã phải đứng trước vành móng ngựa do lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Chẳng hạn, vào tháng 11/2018, Hitomi Yoshizawa, một cựu thành viên trong ban nhạc nổi tiếng Morning Musume, đã bị kết án 2 năm tù giam, tạm đình chỉ thi hành án trong 5 năm, vì tội danh lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn và gây tai nạn, khiến 2 người khác bị thương.
Với những hình phạt nghiêm khắc như vậy, Nhật Bản là một trong những nước có số vụ tai nạn giao thông gây thương vong thấp nhất trên thế giới. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, năm 2019, số vụ tai nạn gây thương vong ở nước này chỉ là 3.215 vụ, giảm 317 vụ so với năm 2018. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, số vụ tai nạn giao thông gây thương vong ở Nhật Bản giảm.
Tổng số người chết vì tai nạn giao thông tại Nhật Bản trong năm 2019 là 1.782 người, trong đó có hơn 50% nạn nhân là những người già từ 65 tuổi trở lên. So với trước đây, số người chết vì tai nạn giao thông tại “xứ Mặt Trời mọc” đã giảm đáng kể. Theo NPA, năm 1970 là năm có số người chết vì tai nạn giao thông cao kỷ lục tại Nhật Bản (16.765 người). Tuy nhiên, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước này đã giảm xuống dưới con số 10.000 người vào năm 1996.
Đáng chú ý, sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua luật giao thông sửa đổi vào năm 2007, trong đó tăng khung hình phạt đối với những người lái xe sử dụng đồ uống có cồn, số lượng người chết vì tai nạn giao thông đã giảm mạnh. Từ năm 2009, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 5.000 người mỗi năm.
Nguồn: TTXVN
Nhật lắp thêm wifi trên tàu chiến để thu hút người trẻ đi lính
Tờ Mainichi Shimbun hôm qua đưa tin Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) sẽ mở rộng kết nối wifi trên tàu chiến nhằm thu hút thêm nhiều người trẻ đi lính.