Little Saigon ở Oakland: Nhỏ và chỉ hình thành được hơn 30 năm nhưng đây là nơi không thể không nhắc đến trong lịch sử cộng đồng người gốc Việt trên đất Mỹ.

Cộng đồng người Việt ở Oakland, thủ phủ Alameda County, tiểu bang California, chỉ hình thành được hơn 30 năm, nhưng đây là nơi không thể không nhắc đến trong lịch sử cộng đồng người gốc Việt trên đất Mỹ.

21:34 14/09/2022

Nhỏ, nhưng hấp dẫn

Oakland là thành phố lớn nhất của Alameda County và là thành phố lớn lớn thứ ba trong tổng thể Vùng Vịnh San Francisco. Ở đây cũng có phi trường quốc tế Oakland International Airport.

Cộng đồng người Việt ở Oakland chiếm tỷ lệ khiêm tốn, khoảng 15,000 người trong số hơn 440,600 cư dân (theo kiểm kê dân số 2020). Tuy nhỏ nhưng Oakland cũng có Little Saigon, một góc phố nhỏ xinh như chính cái tên.

Vì chỉ giới hạn trong phạm vi một con đường là Đại Lộ 12, nên nếu không để ý và không có “thổ địa” hướng dẫn, chắc ít người nhận ra được đâu là Little Saigon ở Oakland.

Ông Trần Hồng Phúc bên một cơ sở thương mại có gắn tấm bảng “Welcome to Little Saigon Oakland.” (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Không có những tấm bảng treo trên cao như ở các thành phố khác thuộc miền Bắc California, “Oakland Little Saigon” đón mừng mọi người bằng các tấm bảng khiêm tốn với hàng chữ “Chào mừng đến với Little Saigon” gắn bên ngoài những cơ sở thương mại trên Đại Lộ 12 phía Đông thành phố. Bên trên tấm bảng có hình lá cờ vàng VNCH, phần dưới là biểu tượng của Sài Gòn với hình ảnh chợ Bến Thành thân thương.

Ông Trần Hồng Phúc, chủ tịch Phòng Thương Mại Việt Nam Oakland, dẫn chúng tôi đi một vòng khu Little Saigon, giới thiệu: “Tuy chỉ có một con đường, nhưng đây là nơi gắn bó bà con đồng hương người Việt với nhau suốt mấy chục năm qua.”

Theo ông Phúc, khoảng 30 năm về trước, ở Oakland không có bóng dáng người Việt. Năm 1975, ở đây cũng chỉ có vài trăm người, nhưng sống rải rác. Vì quá ít ỏi, người Việt khi ấy vừa làm ăn chung, vừa học hỏi cộng đồng người Mỹ gốc Hoa tại China Town. Họ mở tiệm bán vàng, lập chợ, hoặc kinh doanh những nhà hàng nhỏ. 

Cư dân gốc Việt rất thích mỗi khi có Hội Chợ Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Từ thập niên 1980 đến 1990, cộng đồng người Mỹ gốc Việt nơi này mới “nhen nhúm” hình thành. Do số người tị nạn đến ngày một đông, họ đến định cư và lập nghiệp theo các chương trình HO, ODP, hoặc thuyền nhân.

Nhà hàng Việt cũng bắt đầu mọc lên rất nhiều từ thời điểm này trở đi, nhiều nhất ở khu East Lake thuộc bờ Đông của hồ Lake Merritt.

Lake Merritt nằm ngay trung tâm Oakland, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng. Đó là lý do vì sao dù nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng cộng đồng Việt ở đây vẫn có được “chỗ đứng,” hấp dẫn mọi người và đầy tự hào.

Không có lễ hội, cờ hoa, kèn trống, nhưng nghiễm nhiên, “Oakland Little Saigon” được hình thành, bên cạnh một bến cảng sầm uất, các nhà máy đóng tàu, rất giống Sài Gòn của ngày xưa ở Việt Nam.

Nhộn nhịp, đông vui vào những ngày lễ Tết

Thật sự Oakland Little Saigon chỉ là một khu vực làm ăn kinh doanh giống như các nơi khác, nhưng chủ nhân đa số là người gốc việt. Tuy vậy, cứ mỗi lần đến đây, nghe được giọng Việt, nhìn thấy các bảng hiệu tiếng Việt, có dấu đàng hoàng: quán Đà Nẵng, cà phê Dạ Hương (trước là Hương Xưa),… ai cũng cảm thấy thân thương, lòng dạt dào nhớ quê.

“Oakland Little Saigon” chỉ nhộn nhịp, náo nhiệt vào những lễ hội của người Việt, như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu,… do cư dân các nơi tụ tập về tham dự ở công viên Lincohn Park, cũng trên Đại Lộ 12.

Chúng tôi có mặt tại nơi sinh của Phó Tổng Thống Kamala Harris, và là thành phố lớn thứ tám của tiểu bang California này vào đầu Tháng Tư, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt để mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Hội Chợ Tết năm 2021 do Phòng Thương Mại Việt Nam Oakland tổ chức. (Hình: Đoan Trang/Người Việt) 

Cách Đại Lộ 12 chỉ hai block nhà có một quán ăn nhìn bên ngoài rất “bề thế” và có thiết kế kiểu Pháp, cái tên cũng “rất Pháp” Le Chavel, nhưng gia đình chủ quán là người gốc Việt.

Chị Christine Trần nói với chúng tôi: “Nhà hàng của gia đình mình mở cửa từ 1985 tới nay. Tuy phục vụ khách ngoại quốc nhiều hơn khách Việt, nhưng chúng tôi lại có nhiều món ăn Việt để giới thiệu với thực khách, như cá kho tộ, gà xả ớt, bò lúc lắc, canh chua, mì xào, và phở thì không thể thiếu.”

Chị Christine là một trong bảy người con của bà Tuyết Bùi, người không may mất chồng chỉ sau tám tháng gia đình bà đặt chân đến đất Mỹ.

Từ một phụ nữ Việt không biết tiếng Anh và suốt ngày chỉ làm việc nội trợ trong nhà, bà Tuyết phải “bươn chải” một lúc hai công việc để tự mình nuôi con. Vậy mà chục năm sau, bà làm chủ được nhà hàng Le Chavel. Nhưng điều tuyệt vời là những người con của bà, sau khi học thành tài, đều trở về phụ giúp với mẹ của mình “lo” cho nhà hàng, bởi đó là ý muốn của bà.

“Mỗi món ăn Việt của nhà hàng mình đều kết hợp sự cân bằng giữa các nguyên liệu tươi ngon và các gia vị lạ miệng để mang lại hương vị tuyệt vời nhất,” chị Christine nói.

Chị Christine bên những tấm ảnh của gia đình được treo trong nhà hàng Le Chavel. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi được thúc đẩy bởi niềm đam mê của gia đình qua nhiều thế hệ. Không hiểu sao, người Mỹ nơi này đặc biệt yêu thích món ăn Việt. Chúng tôi tự hào khi có mặt ở đây.”

Nhà hàng La Chavel ít nhiều bị ảnh hưởng bởi COVID-19, phải đóng cửa hai tuần đầu khi dịch bệnh bùng phát. Họ mới mở trở lại hoàn toàn sau một thời gian dài chỉ bán hàng “to go.”

Ngoài chợ, nhà hàng, người Việt ở Oakland còn kinh doanh một mặt hàng mà “nhà của người Việt nào cũng đều có,” đó là karaoke. Chẳng thế mà ông Sung Dương, chủ cửa hàng Mai’s TV Karaoke Center trên Đại Lộ 12 không muốn đổi nghề trong suốt 38 năm sinh sống ở Oakland và 35 năm kinh doanh mặt hàng này.

Bà Hồng Lê, một cư dân thành phố Oakland tâm sự: “Gia đình tôi sang Mỹ định cư thấm thoát được hơn 20 năm. Lúc mới sang chúng tôi ở bên Iowa, nơi có rất ít người Việt. Từ năm 2010 chúng tôi chuyển sang California ở. Qua đây gặp nhiều người Việt, càng nhớ Việt Nam ghê gớm, nhất là khi được gặp đồng hương Đà Nẵng quê tôi.”

Bên trong nhà hàng Le Chavel, nơi phục vụ nhiều món Việt được người ngoại quốc ưa thích. (Hình: Đoan Trang/Người Việt) 

Dù đã là công dân Mỹ, nhưng “cái ‘gốc’ không ‘bay’ đi đâu được” như lời bà Hồng nói. “Chúng tôi người dưng bỗng hóa người thân, sau những lần có dịp gặp nhau như lễ, Tết,” bà Hồng tâm sự. “Sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại tụ họp lại trò chuyện, và ‘mượn’ lời bài hát để hát hò cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Đi lâu quên lời, nên đa số chúng tôi chỉ có chữ trên karaoke mới hát được. Không ai chú ý chuyện hát hay, hát dở. Cứ cùng được ngồi hát chung với nhau là vui rồi.”

Cộng đồng Việt “phơi phới” tuổi 30

Tính ra, cộng đồng người Việt ở Oakland chỉ mới hình thành được 31 năm tại “thành phố 170 tuổi” này. Oakland thành lập năm 1852, theo Wikipedia.

Ông Trần Hồng Phúc nhận xét, đó là một cộng đồng “không quá già” và khá thành công.

Ông Phúc cho biết độ tuổi trung bình người Mỹ gốc Việt ở Oakland là 40. “Người trẻ ở đây đa số học về hi-tech. Vì ở đây không có nhiều việc, nên học xong, các bạn trẻ phải chuyển xuống San Francisco, San Jose, nơi có việc làm nhiều hơn, lương cao hơn,” ông nói. 

Tấm ảnh đại gia đình của chủ nhân nhà hàng Le Chavel đậm chất truyền thống Việt. (Hình chụp lại qua ảnh treo trong nhà hàng) 

“Nếu tính cả người Việt ở các vùng lân cận, cộng đồng người Việt có thể lên đến 30,000 người, vì các thành phố xung quanh Oakland đều có người Việt. Họ ở rải rác, hiền lành, siêng năng, chăm chỉ làm việc, học vấn cao, thành tài.”

Những người không muốn di chuyển, sau khi học xong ở lại mở văn phòng luật sư, bác sĩ, văn phòng bảo hiểm,… Người định cư ở tuổi trung niên không có sự lựa chọn nào khác, chủ yếu sống bằng nghề nails, nhà hàng, tiệm tóc, ngành nghề xây dựng…

Ở Oakland có đến hai trung tâm dành riêng cho người cao niên. Nhờ đó, người Việt lớn tuổi được chăm sóc tốt, nhất là trong đại dịch COVID-19, và nguôi ngoai được nỗi buồn ở tuổi xế chiều.

Phóng viên Người Việt hỏi: “Khi người Việt ở Oakland sẽ già đi, mà không có gì ‘níu kéo’ lớp trẻ ở lại, tương lai cộng đồng Việt ở đây sẽ ra sao?”

Ông Sung Dương, chủ cửa hàng Mai’s TV Karaoke Center ở Oakland. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

“Đó là điều chúng tôi luôn nghĩ tới,” ông Phúc cho biết. “Vì thế chúng tôi hay động viên giới trẻ tham gia vào ‘chính trường’ để có tiếng nói trong thành phố nhằm tranh giành quyền lợi cho cộng đồng.”

Theo ông Phúc, từ trước đến nay, kinh phí từ thành phố hay “đổ” vào cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Hoa, và các cộng đồng khác nhiều hơn cộng đồng Việt, vì họ có người đại diện. Ông cho rằng nếu người Việt có đại diện, thành phố sẽ có nhiều chương trình và các chính sách ưu đãi để giữ lớp trẻ ở lại nhiều hơn.

Dù không mạnh, không đông, nhưng cộng đồng người Việt ở Oakland vẫn tự hào, rằng dù xa quê hương đến nửa vòng trái đất, mà vẫn có “Sài Gòn” trong tim. Điều này làm mọi người vơi đi nỗi nhớ ray rứt khi chọn sống ở nơi không phải quê hương, nói một thứ tiếng không phải là “tiếng mẹ đẻ.” Thế nên vẫn cần lắm, một Little Saigon ở Oakland. [kn]

Tags:
10 bang lý tưởng nhất nước Mỹ để sinh sống sau khi nghỉ hưu

10 bang lý tưởng nhất nước Mỹ để sinh sống sau khi nghỉ hưu

Tờ BI vừa gợi ý 10 bang lý tưởng nhất nước Mỹ để tận hưởng cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Florida, Wyoming, Nam Dakota, Iowa… đều có tên trong danh sách này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất