Lộ diện "bóng hồng" trong cuốn nhật ký bị lưu lạc hơn nửa thế kỷ trên đất Mỹ
Hơn nửa thế kỷ lưu lạc trên đất Mỹ, cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất được Cựu binh Mỹ Peter Mathews cất giữ, bảo vệ cẩn thận. Cuốn nhật ký màu nâu ấy chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, người thân, người yêu...
10:19 22/02/2023
Từ những hình ảnh mà cựu binh Mỹ Peter Mathews gửi về cho lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Tĩnh, cơ quan chức năng xác định đây là cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất và còn nguyên vẹn 104 trang.
Phóng viên Dân Việt có cơ hội tiếp cận ảnh chụp từ các trang nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất đã lưu lạc 56 năm qua. Những trang nhật ký không chỉ thể hiện được tinh thần dũng cảm, dấn thân, nguyện hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc mà trong đó còn lưu giữ sự lãng mạn của người lính trẻ lúc sinh thời.
Trong cuốn nhật ký 104 trang, chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc những vần thơ viết tay của liệt sĩ Cao Văn Tuất.
Đó là bài thơ tựa "Nhắn mẹ" đề ngày 24/11/1966: "Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ/Trời đã khuya gió nhè nhẹ từng cơn…. Chúc mẹ khỏe hơn xưa mẹ nhé/ Mẹ đừng trông em (con), ở nơi đây, cháo chè, bánh Tết cũng đầy tình thương…
Hay như: "Anh biết rồi sẽ phải xa em/ Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh người chiến sĩ/ Giải phóng quân chiến đấu vì dân/ Lúc này Đảng, Tổ quốc đang cần/ Thì em ơi, tình riêng đành đôi ngả"
"Từ ngày anh bước chân đi làm nghĩa vụ/Cho tới nay ta xa nhau rồi em nhỉ/Đường hành quân anh mang nhiều suy nghĩ/Hễ cuộc đời người chiến sĩ quân nhân/Anh tưởng chừng 18 tuổi xuân/ Sẽ được sống với quê hương ít nữa…."
Những câu thơ trên được liệt sĩ Cao Văn Tuất dành riêng để tặng bà Hà Thị Ngọ (trú thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh).
Bà Ngọ cho biết, ông Tuất cùng bà lớn lên trong xóm nhỏ. Ông Tuất tuy không quá cao nhưng đẹp trai, hát hay, thơ giỏi và bà đã cảm mến ông từ đó.
"Trước khi anh Tuất đăng ký đi bộ đội, tôi và anh đã yêu nhau khoảng 7 tháng, khi đó anh 19 và tôi 18 tuổi. Anh Tuất là người hào hoa, học giỏi, đẹp trai và rất giỏi viết thơ, hát cũng rất hay. Tuy nhiên, khi anh trúng tuyển bộ đội, lo anh nhớ nhà, nhớ người yêu mà đào ngũ nên tôi đã đành viết giấy chia tay anh, mong anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về sẽ lại dành tình cảm cho nhau. Anh Tuất đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Tôi tự hào về những người lính như anh...", bà Ngọ chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt.
Còn bà Cao Thị Nồng (em gái ruột của liệt sĩ Cao Văn Tuất), tâm sự: "Trong 4 chị em tôi, cậu Tuất là người được bố mẹ cho học hành tử tế nhất. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu Tuất học rất giỏi. Cậu Tuất giỏi ca hát, đánh đàn, vẽ và viết thơ cũng rất hay. Các thầy cô, bạn bè đều yêu quý cậu, ngày cậu nhập ngũ có nhiều người đến tiễn và cầu mong cậu bình an trở về".
Đọc những dòng nhật ký, bài thơ mà liệt sĩ Cao Văn Tuất viết thể hiện quyết tâm, chí khí của người lính và bên cạnh đó có nỗi nhớ gia đình, quê hương và đặc biệt là những dòng viết về mẹ.
Trong cuốn nhật ký, liệt sĩ Cao Văn Tuất đã nắn nót, chỉnh chu từng dòng chữ, nhiều chữ viết được ông cách điệu nghệ thuật, đẹp mắt. Bên cạnh đó, những hình vẽ hoa, phong cảnh cũng được ông sáng tạo độc đáo, công phu.
Hơn thế nữa, có những dòng chữ còn thể hiện tinh thần chiến đấu, rèn luyện, nguyện một lòng trung thành để bảo vệ Tổ quốc như: "Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"'; "Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc" và "chỉ tiêu đoàn viên tiên tiến (5 tốt)".
Hành trình đưa bột nail Chisel vang danh nước Mỹ của người gốc Việt David Hoàng
Chօ đến thời điểm hiện tại, Chisel ʟà thương hiệu bột nail nổi tiếng hàng đầu tại Mỹ. Và điều đặc biệt hơn ϲả sản phẩm này được sản xuất bởi ոhững ոցười Việt Nam ϲhứ không phải ոցười Mỹ hay ոցoại quốc.