Lời khuyên của bác sĩ Nhật cứu trẻ bị mắc nghẹn người lớn nên biết
Dưới đây là những nguy cơ dẫn tới tai nạn mắc nghẹn ở trẻ nhỏ và cách sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp.
08:00 14/09/2020
Tai nạn từ quả nho đường kính 3 cm
Tại một trường mẫu giáo ở Tokyo (Nhật), cậu bé 4 tuổi được giáo viên phát hiện trong tình trạng khó thở đau đớn. Cậu bé ngay sau đó đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Nguyên nhân tử vong do một quả nho đường kính 3 cm mắc kẹt trong cổ họng khiến cậu bé bị nghẹt thở. Điều này đã dấy lên mối lo ngại về những nguy cơ dẫn tới mắc nghẹn ở trẻ nhỏ bắt nguồn từ đồ ăn hàng ngày.
Nguy cơ mắc nghẹn ở trẻ nhỏ rất cao. Ảnh minh họa
Những dạng đồ ăn nguy hiểm
Bác sỹ Masahiko Sakamoto, Trưởng khoa Nhi tại trung tâm y tế Saku (Nagano), liệt kê 5 đặc điểm của những loại thực phẩm khiến trẻ em dễ bị nghẹn:
1. Thực phẩm có bề ngoài mượt và trơn: cà chua bi, nho
2. Thực phẩm có hình tròn: kẹo bon bon
3. Thực phẩm dính: bánh dẻo, bánh mochi, bánh bao
4. Thực phẩm có tính đàn hồi: tôm, mực, bạch tuộc
5. Thực phẩm cứng: các loại đậu như đậu đỏ, đậu phộng
Các thực phẩm dễ gây nghẹn
Ngay cả những thực phẩm thường nhật thiết yếu như bánh mỳ, cơm, xôi, nếu vo tròn lại hoặc nhét đầy trong miệng khi ăn, cũng có thể gây mắc nghẹn.
Cục Sự vụ người tiêu dùng đã phân tích 623 trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi tử vong do ngạt thở trong vòng 5 năm tới năm 2014.
Trong đó, ngạt thở do thực phẩm là nguyên nhân đứng thứ hai (16,5%), chỉ sau ngạt thở khi đi ngủ (27,8%). Tiến sỹ Sakamoto cũng chỉ ra rằng trẻ em có nguy cơ mắc nghẹn cao hơn nhiều so với người lớn.
“Trẻ dưới 4 tuổi thường nuốt thức ăn do răng chưa mọc đầy đủ hoặc khả năng nhai chưa phát triển toàn vẹn, dẫn tới thức ăn dễ bị tắc trong cổ họng. Hơn nữa, người lớn có thể ho và khạc ra khi bị nghẹn, nhưng trẻ em rất khó có thể ép bản thân làm vậy", bác sĩ Sakamoto nói.
Ngoài ra, bác sĩ này còn cho biết, một trong những lý do phổ biến dẫn tới mắc nghẹn ở trẻ em trên 4 tuổi là trẻ vừa ăn vừa nói chuyện, đùa nghịch.
Bác sỹ Masahiko Sakamoto, Trưởng khoa Nhi tại trung tâm y tế Saku (Nagano)
Những biện pháp giảm nguy cơ mắc nghẹn
“Có những ý kiến rất kỳ lạ cho rằng vì nguy hiểm nên cấm không cho trẻ con ăn các món đó. Nhưng kể cả khi có phụ huynh ở ngay bên cạnh theo sát, nhiều tai nạn thương tâm vẫn xảy ra. Nhất là khi việc ăn chậm nhai kỹ thức ăn không phải là điều phụ huynh có thể dạy trong một sớm một chiều", bác sĩ Sakamoto chia sẻ.
Bởi vậy, việc phân loại thức ăn cho trẻ em dưới 4 tuổi rất quan trọng. Phụ huynh hạn chế cho trẻ ăn những đồ có nguy cơ cao, những thực phẩm tròn như nho nên cắt làm bốn, đồ dai và cứng cắt thành nhiều miếng.
Trẻ 4-5 tuổi đã có nhận thức với ngôn ngữ khá tốt, bởi vậy, hãy luôn dạy trẻ phải “ăn chậm nhai kỹ” và “ăn uống gọn gàng, sạch sẽ” để trẻ dần hình thành thói quen tốt.
Hướng dẫn sơ cứu khẩn cấp
Nếu chẳng may tai nạn diễn ra, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Theo bác sĩ Sakamoto, cơ hội hồi phục cao nhất trong vòng khoảng 9 phút sau khi bị ngạt thở. Lúc này, một giây cũng mang tính sống còn, hãy tiến hành sơ cứu tại chỗ để trẻ khạc ra vật mắc nghẹn trong khi chờ xe cứu thương tới theo các bước sau đây:
Đối với trẻ dưới một tuổi
Các bước sơ cứu ở trẻ dưới một tuổi
Đặt trẻ trên đầu gối của mình. Đặt tay lên cằm trẻ để cố định, sau đó dùng gốc bàn tay vuốt trên lưng trẻ, di về phía trước hoặc vỗ vào lưng trẻ khoảng 5 lần.
Sau đó, lật ngược trẻ lại và dùng tay đỡ sau gáy. Đặt ngón tay giữa ngực và ấn khoảng 5 lần với đủ lực để ngực lõm xuống khoảng một phần ba. Lặp lại thao tác này liên tục từ 5 đến 6 lần.
Đối với trẻ trên một tuổi
Sơ cứu ở trẻ trên một tuổi
Để lưng trẻ áp sát vào người mình, từ phía sau vòng tay lên đặt trên người trẻ. Ép chặt hai bàn tay vào với nhau, tay phải ép lên tay trái. Hai tay dùng sức ấn hướng lên trên một lúc cho đến khi trẻ khạc ra dị vật.
Giáo sư Kei Sugimoto, Trưởng khoa Y, Đại học Kinki, nói: “Không phải lúc nào cũng chỉ có một thứ mắc kẹt trong cổ họng, vì vậy hãy nhớ kiểm tra tình trạng thở của trẻ ngay cả khi dị vật đã ra ngoài. Khi đội cấp cứu đến, bạn cần nói chính xác trẻ đã ăn khi nào, cái gì và bao nhiêu”.
Trẻ em rất dễ bị mắc nghẹn, kể cả đối với những thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Cha mẹ cần ghi nhớ chính xác cách xử lý trong những trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo: vietnamnet.vn
Nhật Bản và Singapore thiết lập “làn nhanh” đi lại thiết yếu từ 18/9
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, thỏa thuận trên sẽ cho phép việc nối lại đi lại và trao đổi kinh doanh giữa hai nước với các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng cần thiết được thực hiện.