Lối sống xa xỉ của nhiều người trẻ Mỹ đến hồi kết
Sự biến mất của các ưu đãi, mã giảm giá từ ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn khiến chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn tại Mỹ tăng chóng mặt.
08:15 19/06/2022
Vài tuần trước, sau cuộc hẹn với bạn bè vào đêm khuya, Derek Thompson (sống tại Washington, D.C., Mỹ), cây viết của The Atlantic, mở ứng dụng Uber và gọi xe để về nhà - nơi cách đó hơn 3 km. Khi bảng giá trên màn hình hiện lên, anh gần như “chết lặng” và tưởng mình nhìn nhầm.
Sau khi cẩn thận nhập lại địa chỉ, nam phóng viên vẫn nhận được báo giá là 50 USD. “Thật quá đáng để trả từng đó tiền cho một chuyến đi chỉ 10 phút”, Thompson bày tỏ.
Xứ sở cờ hoa đang đứng trước thách thức lớn về kinh tế khi hầu hết người dân cảm nhận được sức ép leo thang do lạm phát, theo The Atlantic.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng tăng 1% trong tháng 5 và 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát ở quốc gia này được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ ngày càng lên giá.
Tình hình hiện tại tác động không nhỏ lên thị trường lao động vốn đã chật hẹp, khiến nhiều người được trả lương thấp buộc phải thay đổi công việc. Họ chuyển sang nghề lái xe hoặc giao đồ ăn vì không đạt được thỏa thuận về mức lương tương xứng với khối lượng công việc.
Lạm phát kéo dài khiến mọi chi phí ở Mỹ đều tăng chóng mặt. Ảnh: New York Times.
Không còn ưu đãi
Khi nguồn lực giảm và lãi suất tăng, các công ty khởi nghiệp, công nghệ đang thua lỗ phải thay đổi cách thức kinh doanh.
Trong một bức thư gửi nhân viên gần đây, Dara Khosrowshahi, giám đốc điều hành của Uber, cho biết công ty cần đảm bảo tính kinh tế đơn vị hoạt động hiệu quả trước khi phát triển lớn mạnh.
“Chúng tôi đã giảm giá cho những khách hàng như Derek trong một thời gian. Giờ thì chuyện đó đã kết thúc và anh ấy phải trả 50 USD để về nhà”, Khosrowshahi nói.
Trong một thập kỷ qua, thế hệ Millennial đã nhận được nhiều ưu đãi tuyệt vời từ những tiện nghi đô thị như du lịch, giao hàng, thực phẩm và bán lẻ. Xu hướng này được gọi là “Trợ cấp lối sống Millennials” - diễn ra trong thời gian từ năm 2012 đến đầu năm 2020.
Mỗi lần khách hàng gọi một chiếc bánh pizza hoặc taxi, những công ty đứng sau ứng dụng đó đều thua lỗ.
Trên thực tế, các startup này, được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, đang trả tiền cho những người tiêu dùng để mua sản phẩm của họ.
Một số ứng dụng gọi xe, giao hàng tăng giá khiến người Mỹ phải điều chỉnh chi tiêu. Ảnh: Market Watch.
“Như thể Thung lũng Silicon đã thực hiện hiệp ước bí mật để trợ cấp cho lối sống của thế hệ Millennials thành thị.
Nếu bạn thức dậy trên nệm Casper, làm việc với Peloton, đặt hàng qua DoorDash cho bữa trưa, đi Lyft về nhà và gọi món cho bữa tối qua Postmate thì trong một ngày, gia đình bạn đã tiếp xúc với gần 8 công ty mà tổng cộng thiệt hại của họ lên đến 15 tỷ USD/năm”.
Theo Thompson, những doanh nghiệp này không phải là tổ chức phi lợi nhuận hay do chính phủ điều hành, cuối cùng họ vẫn phải điều chỉnh chính sách để kiếm tiền.
Với mức lãi suất gần bằng 0, nhiều nhà đầu tư đã bỏ vốn vào các cuộc đánh cược dài hạn. Nếu có thể thiết lập vị trí thống lĩnh thị trường, bước tiến đó sẽ bù đắp cho mọi tổn thất khác.
Vì vậy, họ cố gắng mở rộng mạnh mẽ, tạo sức hút ngay cả khi mất hàng tấn tiền cho những người tiêu dùng mới để tăng số lượng khách hàng, loại bỏ đối thủ cạnh tranh và làm cái cớ cho mức định giá cao ngất ngưởng.
Cuộc sống ngày càng đắt đỏ
Tuy nhiên, thời kỳ này đã qua và thói quen tiêu dùng xa xỉ buộc phải dừng lại. Lãi suất tăng cộng với lạm phát năng lượng và tăng lương cho người lao động thu nhập thấp đã buộc Uber, Lyft phải khiến dịch vụ của họ trở nên đắt đỏ hơn.
Theo Rakuten Intelligence, mức giá của 2 hãng này cao hơn 40% so với cách đây một năm. Các ứng dụng giao đồ ăn như DoorDash và Grubhub cũng liên tục tăng phí trong năm qua. Còn giá thuê trung bình hàng ngày của Airbnb đã tăng 35% trong quý đầu tiên của năm 2021.
Trong khi đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian giao nhận đối với các mặt hàng chính như đồ nội thất, thiết bị nhà bếp có thể lâu hơn 3-5 ngày.
Thời kỳ hoàng kim của chiết khấu theo yêu cầu của tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ sống ở thành thị đã kết thúc.
Với lạm phát hoành hành, Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhiều lần nữa trong 6 tháng tới và có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái.
Nếu điều đó xảy ra, giá xăng dầu sẽ giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể khiến nhiều tài xế xe công nghệ quay trở lại công việc. Người trẻ sẽ phải học cách chi tiền cho những thứ thật sự cần thiết.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ca ngợi quả thanh long: Người Việt ăn suốt nhưng chưa chắc đã biết
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đăng tải một thông tin bất ngờ về thanh long, một loại quả phổ biến cũng là loại quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nhiều thị trường quốc tế.