Lòng tốt, thứ di sản văn hóa phi vật thể của người Nhật
Người Nhật tốt bụng lắm, cái sự tốt bụng của họ dường như nay đã trở thành một loại hình di sản văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là cách mà người ta đối xử với nhau.
10:00 28/03/2018
Một ngày mùa đông rét mướt cuối tháng 11, nhiệt độ ở Niigata giảm xuống chỉ còn âm 15 độ C.
Thời tiết khắc nghiệt dường như không ngăn cản được các cô giáo lái xe hàng chục cây số đi dạy tiếng Nhật cho sinh viên nước ngoài, có những cô còn rất trẻ, thậm chí đang mang bầu nhưng vẫn không ngại xa xôi, đều đặn mỗi tuần đi dạy 2 buổi học như thế.
Một tháng một lần, các cô tổ chức tiệc mời sinh viên đến ăn, sinh viên nào có con được mang con đến. Đến Noel, các cô cùng chung tay tổ chức Giáng sinh cho học trò, với lý do đơn giản, đó là để các em không tủi thân khi xa nhà. Mùa xuân đến, sinh viên nghèo chẳng có tiền đi ngắm hoa anh đào, các cô lại đến đưa các em đi, không phàn nàn, không khó chịu.
Sinh viên xem hoa, thầm mơ ước giá như mình có kimono để mặc chụp ảnh cùng hoa anh đào. Cả đám chỉ dám nói nhỏ với nhau như vậy, không hiểu tại sao các cô lại biết và hôm sau mang theo vài bộ kimono mới tinh sạch sẽ, mỗi người được mặc 20 phút để chụp ảnh cùng với hoa. Các cô còn cầm máy ảnh chụp cho sinh viên đến khi chán mới thôi. Và tất nhiên những bộ kimono đó hoàn toàn miễn phí.
Sinh viên Nhật Bản được mượn kimono miễn phí để chụp ảnh.
Muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật, chỉ cần thổ lộ một câu, các cô sẽ chở học trò đến một khách sạn thật đẹp để cho sinh viên mặc kimono pha trà đúng kiểu Nhật.
Đầu mỗi mùa đông, ở rất nhiều các ký túc xá sinh viên trên khắp nước Nhật là những thùng quần áo cũ miễn phí, gọi là cũ nhưng còn rất mới và đẹp, mang về mặc mãi không thấy hỏng. Sinh viên có thể lấy bao nhiêu tùy thích để không phải tốn tiền mua quần áo.
Và tất cả đều miễn phí!
Nhưng sự miễn phí ở đây được các cô dành cho sinh viên với tất cả sự tôn trọng và yêu quý chứ không có một chút coi thường ban phát nào. Sinh viên nước ngoài học vài năm rồi đa số cũng phải trở về, đến ngày đó đứa nào cũng khóc vì các cô đến tận nơi chia tay, lái xe đưa ra lên tàu tiễn chân sinh viên về nước. Kèm theo đó là bao nhiêu quà cáp, trẻ con được sữa, được bánh kẹo đồ chơi, bố mẹ trẻ con được quần áo và ông bà của trẻ con cũng được gửi cả những món quà thuần Nhật như những chiếc khăn, khuôn ảnh nhỏ có nhiều hình hoa anh đào.
Cầm những món quà nho nhỏ đó, lại tự nhủ phải sống thật tốt, tốt như các cô giáo Nhật vậy.
Những câu chuyện như thế là điều rất bình thường tại các miền quê của nước Nhật, nơi chẳng có nhiều nhà cao ốc, chẳng có trung tâm mua sắm hay siêu xe, nhưng lòng tốt của người dân, đặc biệt là người già có thể coi như một thứ di sản phi vật thể của mảnh đất này.
Lòng tốt của người già là đặc sản vùng nông thôn Nhật Bản.
Tôi đã từng sống khá lâu tại Châu Âu rồi mới chuyển tới Nhật, dù không có hàm ý so sánh giữa 2 nơi này vì sự khác biệt về văn hóa, nhưng một cách chân thành, thì ở Nhật tôi mới cảm thấy sự ấm áp và tình người, đặc biệt là những người trung niên, người già ở các miền quê.
Còn ở những khu vực thành phố sang trọng và nhiều khách du lịch như Tokyo, Osaka hay Hokkaido, cũng có rất nhiều người Nhật tốt nhưng cách họ tốt cũng khác, sẽ khó hơn để xây dựng được mối quan hệ bền chặt và lâu dài như ở miền ngoại ô.
Một ngày nào đó bạn lạc đường, và bạn thậm chí không biết chữ tiếng Nhật nào trừ nơi bạn muốn đến. Thì đừng ngại hỏi bất kỳ ai trên đường, trừ khi người đó quá bận, nếu không họ sẽ cố gắng sử dụng vốn tiếng Anh ít ỏi để chỉ cho bạn đến nơi bạn cần, đôi khi là dắt bộ đến tận nơi hoặc mời lên xe. Và họ không bao giờ lấy tiền đâu, đừng cố trả nhé.
Vậy tại sao người Nhật lại tốt đến vậy?
Rất nhiều người nước ngoài đã từng đến Nhật và luôn tự hỏi người Nhật được giáo dục như thế nào mà họ lại tốt đến như vậy? Theo lý giải của giáo sư Thomas Lifson tại viện nghiên cứu American Thinker, giáo dục giữ một vai trò rất quan trọng.
Đối với người Nhật, họ coi cộng đồng sống xung quanh như những người đang đi chung trên một chuyến tàu dài, luôn tin rằng tất cả mọi người đều sẽ có lúc gặp lại nhau, chính vì vậy họ sẽ cư xử theo cách không tạo ra “kẻ thù”, để người khác giữ ấn tượng về mình một cách đẹp nhất có thể.
Người Nhật sống theo cộng đồng, khác với tư tưởng người phương Tây.
Cách suy nghĩ này khác hẳn với tư duy của người Mỹ. Theo người Mỹ, cộng đồng xung quanh là hành khách đi trên một chuyến phà ngắn. Họ biết rằng cuối hành trình họ sẽ xuống phà và có thể không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chính vì vậy họ có thể xô nhau để đi trước, bởi họ tin chẳng có hậu quả nào xảy ra ngay trước mắt cả. Chủ nghĩa cá nhân được đặt lên tất cả.
Theo lý giải của giáo sư Harvard Robert Putnam, người Nhật luôn cố gắng xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Trong một cộng đồng khi họ mới đến, họ luôn có thói quen làm quen với càng nhiều người càng tốt. Khi mối quan hệ được củng cố, niềm tin và sự kỳ vọng được tăng lên, tự mỗi cá nhân sẽ điều chỉnh hành vi và cách sống của mình.
Người Nhật luôn cố gắng xây dựng cái mối quan hệ bền chặt.
Nhìn từ góc độ xã hội, việc rất nhiều người dân nông thôn Nhật vẫn giữ được tính cách chất phác, đối xử chân thành với người nước ngoài xuất phát từ việc Nhật vẫn là một quốc gia “thuần chủng chỉ có một dân tộc”. Người dân ở các vùng quê không có nhiều điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, không gặp phải rắc rối nào với cộng đồng phi bản xứ.
Thế đó, để nói về nước Nhật nơi tôi đang sống chỉ có vậy, chẳng có gì to tát hay vĩ mô, chỉ là những cô giáo trẻ nhiệt huyết, những bác trung niên chất phác và tốt bụng. Đó là những câu chuyện Nhật xinh xắn và đáng yêu vô cùng.
“Tứ hùng” trong tâm linh người Nhật là gì?
Có thể nói, Nhật Bản là kho tàng thần thoại và truyền thuyết. Bao gồm những câu chuyện có nguồn gốc chính quốc đến những điều du nhập hoặc chịu ảnh hưởng của nước ngoài thông qua sự tương đồng về văn hoá. Đó chính là lý do để đất nước này tập hợp cả một kho những câu chuyện mang tính hư cấu cao.