Lưu học sinh ở Nhật Bản đi xin xe đạp và nhặt đồ

Tôi xin được một chiếc xe đạp chỉ với giá 500 yên (nhỏ hơn cả 100.000đ tiền Việt). Tôi đến Nhật cũng là dịp SV tốt nghiệp, họ chất đống ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, lò nướng, bàn ghế gương… ở các bãi rác.

14:29 30/01/2018

Dũng và chiếc xe đạp “xin” được.
Dũng và chiếc xe đạp “xin” được.

Xin xe đạp

Chỗ tôi là thành phố nhỏ tỉnh lẻ, không có xe điện. Tôi đành phải kiếm ngay một chiếc xe đạp. Xe bán trong cửa hàng rẻ nhất cũng 100 USD. Nhưng khi tôi đem hỏi anh hướng dẫn người Nhật ( trường phân cho, họ gọi là tutor, tiếng Nhật chuta. Anh ta được trường trả tiền làm thêm 1000 yên (170.000đ) cho 1 tiếng bỏ ra giúp mình, nhờ anh ta thoải mái vào), anh ta bảo có xe miễn phí cho tôi.

Số là nhà trọ của anh ta có anh sinh viên Nhật vừa mua ô tô muốn vứt xe đạp đi. Nhìn con xe đạp mới cứng tôi xin được, ông chủ nhà trọ gợi ý tôi đưa chút lễ cho anh chủ cũ. Tôi rất ngây thơ móc ra tờ 100.000 đồng bảo đây là tiền Việt Nam, anh giữ làm kỷ niệm. Nhưng anh ta trả lời tỉnh bơ: Tiền Việt Nam tôi đâu có tiêu được. Lại ông chủ nhà gợi ý, tôi móc ra 500 yên đưa anh ta. 500 yên giá trị thấp hơn 100.000 anh ạ. Thế là tự nhiên tôi có một con xe đạp mới cứng với giá 500 yên!

Còn bọn bạn tôi, đứa nào không đi xin được thì đợi đến mùa trường điều tra xe vô chủ. Khoảng tháng 5, sau khi một khóa SV tốt nghiệp, trường dán giấy vàng lên tất cả các xe đạp xe máy đậu quanh trường. Ai là chủ thì đem gỡ tờ giấy ra đem lên phòng quản lý sinh viên. Bọn tôi đợi đến đêm trước ngày hết hạn, đi vòng quanh trường kiếm xe nào đẹp mà vẫn còn dán giấy vàng, đem về phá khóa, vì đằng nào ngày hôm sau đó họ cũng đem hết xe còn dán giấy đi xử lý mà. Thế là mỗi đứa có một con xe đẹp miễn phí.

Bọn tôi bị mấy anh lớn dọa bằng những câu chuyện truyền thuyết về xe đạp như: Anh H. dẫn một đoàn đạp xe đi dạo, cả đoàn lao sang đường ở chỗ không có vạch bị cảnh sát chặn lại. Anh H. lặp đi lặp lại: “Nihongo wo tabemasen” (tôi không ăn tiếng Nhật). May là anh cảnh sát thấy tờ hóa đơn nhà ăn của trường ở giỏ xe, hỏi “chúng mày ở Gidai (tên trường tôi) hả?” rồi cho đi. Hay anh T.E., đi xe đạp buổi đêm không có đèn bị cảnh sát chặn lại mời vào trong ô tô ngồi nói chuyện.

Đường Nhật ít có đèn đường, xe đạp mà không có đèn trước là ô tô ngược chiều khó nhìn thấy, bị đâm ráng chịu. Còn anh Y., đang đi bộ quanh trường chợt thấy một chiếc xe đạp mới tinh không khóa. Anh nhảy lên đi 1 vòng rồi quay lại định trả xe, thấy anh chủ xe đang đứng cùng với cảnh sát. Ở Nhật xe đạp mua cũng phải đăng ký, có số khung đàng hoàng. Mình xin được xe hay nhặt được, phải luôn nhớ là xe không được đăng ký tên mình, bị cảnh sát hỏi thăm là có khi phiền đấy!

Nhặt đồ đạc

Tôi đến đầu năm học cũng là dịp sinh viên tốt nghiệp ra trường, bỏ lại hầu hết đồ đạc. Họ chất đống ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, lò nướng, bàn ghế gương… ở các bãi rác.

Sinh viên Nhật thế đấy, nhiều người đi học chẳng chơi với ai đến khi tốt nghiệp cũng chẳng tìm được ai mà cho đồ, đành chịu mất mấy trăm yên tiền xử lý rác để vất đi. Mỗi tối chúng tôi đều rủ nhau đi xem có rác gì mới được vất ra không. Đứa nào đứa đấy đều đồ nghề đèn pin, xe đạp đầy đủ. Cả nhóm đi xem rác mà cười đùa như trẩy hội. Mỗi khi nhìn thấy ánh đèn ô tô ở xa đi tới bọn tôi lại nháo nhào rủ nhau nấp vì xấu hổ, vui lắm. Thỉnh thoảng lắm đội săn rác Việt Nam chúng tôi gặp 1 đội khác, Trung Quốc hoặc Lào…

Hai đội chia làm 2 phía của bãi rác, vừa bới ra từng cái màn hình máy tính, CPU, lò vi sóng… vừa bình phẩm, thỉnh thoảng lén nhìn nhau với một cảm giác khó tả, vừa có cảm giác thân thiết vì gặp dân “cùng hội cùng thuyền”, vừa xấu hổ vì đang làm một hành động “cấp thấp”.

Dũng trong mùa tuyết đầu tiên ở Nhật (mặc áo đen)
Dũng trong mùa tuyết đầu tiên ở Nhật (mặc áo đen)

Sau một tháng phòng tôi đầy đủ tất cả các thiết bị điện tử, có cả những thứ nhà bố mẹ tôi chẳng có. Có người còn nhặt được cả PS2 chạy ngon lành. Tôi có chút kinh nghiệm nghịch ngợm máy tính, lựa đồ trong các con máy người ta vất đi lắp lại thành một con AthlonXP 2500+, RAM 512MB, ổ cứng 120GB (3 năm trước nhé), mua thêm con card màn hình Ati 9700 Pro ở hàng đồ cũ thế là chạy game ầm ầm.

Tôi có con bạn Nhật bảo cần tủ lạnh, tôi dẫn nó qua bãi rác để chỉ cho một cái tủ lạnh mới tinh. Nó xem rồi tần ngần đi về. Mấy hôm sau nó bảo tôi nó mua tủ lạnh ở hàng đồ cũ rồi, tuy xấu hơn nhưng nó chỉ cần cái bé thế thôi, to quá dùng nó phí. Tôi đoán nó ngại đi nhặt đồ người ta vứt đi. Sau khi sang được mấy năm tôi cũng thế, kiêu bỏ xừ…

Tags:
Tâm sự của một du học sinh Nhật: Nhật Bản đã lấy đi tuổi thanh xuân của tôi

Tâm sự của một du học sinh Nhật: Nhật Bản đã lấy đi tuổi thanh xuân của tôi

Cuộc đời tôi đã có thất bại, nhưng nhờ những thất bại đó mà kết quả cuối cùng tôi đang ở trên nước Nhật. Cuộc sống ở Nhật có những điều không vui, những điều căng thẳng, nhưng nhờ đó mà tôi đã thành người mạnh mẽ hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất