Lý do bão Habigis gây tàn phá nghiêm trọng
Hagibis là cơn bão mạnh nhất trong năm tấn công Nhật Bản, lại đổ bộ vào thời điểm triều cường cao nên gây thiệt hại nặng nề.
18:00 14/10/2019
Bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản tối 12/10, gây mưa lớn kỷ lục trong 6 thập kỷ qua tại quốc gia này. Ít nhất 35 người đã chết, 20 người mất tích và hàng chục người bị thương. Bão cũng khiến 425.000 hộ gia đình chịu cảnh mất điện.
Dưới đây là 4 lý do bão Hagibis có sức tàn phá lớn đến như vậy.
Về kích thước, Hagibis có vùng mây trải rộng. Đường kính của khu vực gió mạnh nhất với vận tốc hơn 54km/h là 1.400 km, gần bằng nửa chiều dài quần đảo Nhật Bản. Do kích thước tuyệt đối, bão sẽ bắt đầu sớm hơn, kéo dài hơn và ảnh hưởng đến những khu vực rộng lớn hơn.
Những ngôi nhà bị bão Hagibis tàn phá ở tỉnh Chiba, phía đông Tokyo hôm 13/10. Ảnh: AFP.
Hagibis có áp suất trung tâm là 915hPa hôm 10/10, khiến nó trở thành cơn bão nhiệt đới có cường độ lớn nhất trong năm 2019. Khi bão mạnh lên nhanh chóng gần phía bắc quần đảo Mariana, áp suất trung tâm giảm mạnh từ 992hPa xuống còn 915hPa trong vòng 24 giờ.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết bão đạt áp suất trung tâm 950hPa khi đổ bộ. Theo Digital Typhoon, đây là cơn bão mạnh lên nhanh thứ chín trong lịch sử được ghi nhận.
Điều khiến Hagibis gây thiệt hại nghiêm trọng hơn còn bởi bão đổ bộ vào thời điểm gần ngày trăng tròn, đồng nghĩa với mực nước biển cao hơn bình thường. Sự kết hợp của thủy triều cao, sóng lớn và nước dâng do bão gây lũ lụt nghiêm trọng tại khu vực phía đông và miền trung Nhật Bản.
Hagibis cũng là "đòn đánh" thứ hai với khu vực Tokyo rộng lớn trong vòng một tháng. Đầu tháng 9, bão mạnh Faxai đã tấn công khu vực này với sức gió 207km/h ở tỉnh Chiba, phía đông Tokyo. Ít nhất ba người đã thiệt mạng, hàng trăm nghìn hộ gia đình chịu cảnh mất điện và nhiều ngôi nhà bị hư hại.
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt sau bão Hagibis ở tỉnh Miyagi hôm 13/10. Ảnh: Reuters.
Nguồn: vnexpress.net
Nhật cho Đài Loan mượn báu vật quốc gia
Nhật Bản vừa cho Đài Loan mượn thêm 4 quả tảo cầu, được coi là báu vật quốc gia ở Nhật, theo chương trình hợp tác bảo tồn giữa hai bên.