Lý do người Nhật được khen 'lịch sự nhất thế giới'

Lần đầu vào nhà hàng Nhật, thực khách có thể bất ngờ khi bồi bàn quỳ bên cạnh để ghi yêu cầu. Đó là một phần của "omotenashi".

16:00 06/12/2019

Steve John Powell và Angeles Marin Cabello, cây bút của BBC, đạp xe quanh đảo Ninoshima, vịnh Hiroshima thì nhận ra mặt trời đang dần lặn xuống biển. Không biết chắc giờ của lượt phà cuối cùng về đất liền, Powell dừng lại một quán bar ven đường để hỏi. Những ánh nhìn lo lắng vây quanh ông và người bạn đồng hành vì chuyến phà cuối sắp rời bến.

"Ông có thể tới kịp nếu đi đường tắt", một người đàn ông nói và chỉ về phía một con đường hẹp dẫn lên ngọn núi nhỏ. Bóng tối nhanh chóng xâm chiếm bầu trời, Powell dù nghi ngờ, vẫn đạp xe lên dốc. Nhìn quanh, ông và Cabello ngạc nhiên khi thấy người mình vừa hỏi chuyện đang chạy phía sau, nhưng vẫn giữ khoảng cách, để đảm bảo hai vị khách không bị lạc. Người này chỉ quay về khi hai vị khách trông thấy bến phà. Hành động tử tế của người đàn ông ấy giúp Powell và Cabello đến nơi vài phút trước khi phà rời đi.

Đó là một trong những trải nghiệm đầu tiên của Powell và Cabello với omotenashi - thường được hiểu là lòng hiếu khách của người Nhật. Thực tế, nó là sự kết hợp giữa ứng xử lịch sự và mong muốn dĩ hòa vi quý. Khách nước ngoài sẽ thường xuyên thấy người Nhật đeo khẩu trang ngoài đường, đặc biệt nếu họ đang bị cúm hay bệnh đường hô hấp, để tránh ảnh hưởng tới người khác.

Trong nhà hàng hay cửa hiệu của xứ sở hoa anh đào, lễ tân luôn cúi đầu và nói "Irasshaimase" (Xin kính chào quý khách) khi có ai đó bước vào. Họ sẽ trả tiền thừa cho khách bằng cả hai tay, để tránh đánh rơi những đồng xu lẻ. Khi ai đó rời đi, không lạ nếu nhân viên nhà hàng đứng ngoài cửa và cúi gập người để chào tạm biệt cho đến khi khách đi khuất khỏi tầm mắt.

Người Nhật tặng hàng xóm những hộp quà đựng bột giặt trước khi xây sửa nhà - như để giúp láng giềng vệ sinh quần áo khỏi bụi bẩn bay ra từ công trình. Ảnh: Mixa/Alamy.

Người Nhật tặng hàng xóm những hộp quà đựng bột giặt trước khi xây sửa nhà - như để giúp láng giềng vệ sinh quần áo khỏi bụi bẩn bay ra từ công trình. Ảnh: Mixa/Alamy.

Không chỉ người Nhật tuân theo omotenashi, máy móc tại cường quốc công nghệ này cũng vậy. Cửa taxi tự động mở khi đón khách, thang máy xin lỗi nếu để khách phải đợi lâu, bồn cầu tự bật nắp lên để khách chú ý khi vào toilet hay biển báo công trường có thêm hình một công nhân xây dựng dễ thương đang cúi chào.

Theo văn hóa Nhật Bản, một vị khách đến từ một nơi càng xa, càng được đón tiếp tử tế. Đó là lý do người nước ngoài luôn ngạc nhiên trước những màn chào đón chân thành của người dân xứ sở hoa anh đào. Carmen Lagasca, một giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha, tiết lộ: "Tôi vẫn ngạc nhiên sau bao nhiêu năm ở đây. Người Nhật cúi chào khi họ tới ngồi cạnh bạn trên xe buýt, và lặp lại khi đứng lên. Tôi luôn thấy những chi tiết mới mẻ".

Cách người Nhật cúi chào nhau. Ảnh: istock.

Cách người Nhật cúi chào nhau. Ảnh: istock.

Khó ai có thể định nghĩa chính xác, nhưng người Nhật sử dụng omotenashi để diễn tả về cách tiếp cận độc đáo của mình trong ngành dịch vụ: một người phải chế ngự cái tôi để phục vụ khách hàng, mà không phải hạ mình như kẻ đầy tớ. Đoán trước ý khách là linh hồn của nghệ thuật omotenashi. Người làm dịch vụ phải "tinh tế" đáp ứng nhu cầu của khách khi họ còn chưa lên tiếng yêu cầu.

Song omotenashi không chỉ để thể hiện với du khách; nó còn xuất hiện ở từng điều nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Noriko Kobayashi, người đứng đầu tập đoàn quảng bá du lịch tại Onomichi (tỉnh Hiroshima), cho biết: "Từ bé, nhiều người trong chúng tôi đã được dạy: Khi ai làm điều gì đó tốt đẹp cho mình, chúng ta nên làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác. Nhưng khi ai đó làm điều xấu với mình, chúng ta không nên làm điều gì xấu với người khác'. Tôi nghĩ những niềm tin như vậy khiến chúng tôi luôn cư xử lịch sự".

Theo Isao Kumakura, giáo sư tại Viện nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia Osaka, phần lớn nghi thức của người Nhật bắt nguồn từ các nghi thức chính trong trà đạo và võ thuật. Trên thực tế, từ omotenashi xuất phát từ trà đạo. Người ta cho rằng trà sư Sen no Rikyū chính là người cho ra đời thuật ngữ này.

Đôi khi trà nhân phải mất tới một năm để chuẩn bị cho buổi trà đạo duy nhất; tỉ mẩn chăm chút từng chi tiết nhỏ đến mức hoàn hảo mà không mong nhận lại điều gì. Những vị khách sẽ đáp lại tấm lòng của chủ tiệc trà bằng cách thể hiện lòng biết ơn. Do đó, hai bên tạo ra một môi trường hài hòa và tôn trọng, bắt nguồn từ niềm tin rằng lợi ích chung đặt trên mong muốn riêng.

Một buổi trà đạo tại Nhật Bản. Ảnh: El País.

Một buổi trà đạo tại Nhật Bản. Ảnh: El País.

Tương tự, phép tắc lịch sự và lòng trắc ẩn là giá trị cốt lõi của bushido - võ sĩ đạo. Bushido đòi hỏi võ sĩ phải làm chủ mọi cảm xúc, thanh thản trong thâm tâm và tôn trọng người khác, kể cả kẻ thù. Tinh thần võ sĩ đạo dần trở thành nền tảng cho những phép tắc ứng xử chung trong xã hội Nhật Bản.

Powell cho rằng điều tuyệt vời khi khách nước ngoài tiếp xúc nhiều với những phép lịch sự là họ dần hành xử tương tự. "Bạn sẽ sớm thấy mình hành động tử tế, nhẹ nhàng và cẩn trọng hơn, từ nộp một chiếc ví bị bỏ quên cho cảnh sát, mỉm cười khi nhường đường cho những tài xế khác trên đường, đem rác về nhà vứt và không bao giờ lớn giọng hay thậm chí xì mũi ở chốn đông người.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Bắt giữ nhóm 7 người Việt vì trộm đồ trong các cửa hàng dược mỹ phẩm ở Fukuoka

Bắt giữ nhóm 7 người Việt vì trộm đồ trong các cửa hàng dược mỹ phẩm ở Fukuoka

Vừa qua, cảnh sát đã phát hiện ra một nhóm gồm 7 du học sinh và thực tập sinh Việt thực hiện khoảng hơn 30 vụ trộm tại các cửa hàng dược mỹ phẩm ở khu vực Kyushuu và Chugoku, tập trung chủ yếu ở Fukuoka.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất