Mẹ Hà Nội bán nhà cho 2 con sang Úc học tập: Vì con, khổ mấy mẹ cũng cố gắng!

'Cá chuối đắm đuối vì con, vì tương lai phía trước, mẹ sẵn sàng gom góp tất cả những gì mẹ có để con được học tập đến nơi đến chốn', chị Thu Huyền nghẹn ngào tâm sự.

00:25 17/12/2022

Cha mẹ nào cũng yêu thương con, mong con có một tương lai tươi sáng. Để giúp con thành công, nhiều phụ huynh chi số tiền lớn để con được học tại ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại, chương trình giáo dục phù hợp với năng lực. Cũng không ít người "chơi lớn" đưa con ra nước ngoài sinh sống với mong muốn con phát huy tối đa năng lực. 

Có lẽ người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ họ dư dả tài chính mới có thể mang đến cho con môi trường học tập tốt. Nhưng chưa hẳn ai cũng vậy, nhiều người phải dốc cạn sức lực mới có thể nuôi con ăn học trong môi trường mà mọi chi phí đều rất đắt đỏ. Đó chính là câu chuyện của chị Ngô Thu Huyền, 44 tuổi, sinh sống tại Tiểu bang Victoria Melbourne (nước Úc).

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Chân dung chị Ngô Thu Huyền - bà mẹ kiên cường sang nước ngoài sống cùng con.

KHÔNG BIẾT TIẾNG ANH VẪN "KHĂN GÓI" SANG NƯỚC NGOÀI, NHIỀU ĐÊM BẬT KHÓC VÌ… NẢN!

Chị Thu Huyền ly hôn từ sớm, một mình nuôi dạy 2 con. Lúc còn ở Việt Nam, chị vừa phải kiếm tiền trang trải cuộc sống lại vừa đảm nhiệm việc giáo dục các con. Chị Huyền có sự hỗ trợ từ ông bà ngoại nên cuộc sống 3 mẹ con cũng gọi là "tạm ổn định". Tuy nhiên sau khi bố mẹ chị sang Úc sinh sống cùng con trai (anh trai chị Thu Huyền), cuộc sống của chị cùng các con bị đảo lộn khá nhiều. Một mình chị phải cáng đáng mọi việc khiến chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi, chông chênh.

Thời điểm còn ở Việt Nam, chị Thu Huyền sinh sống tại quận Long Biên, Hà Nội. Chị có 2 cậu con trai là Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Minh Đạt. Đến khi con trai lớn học hết lớp 9 bày tỏ nguyện vọng muốn sang Úc học tập, sống cùng ông bà ngoại và các bác, chị Thu Huyền mất nhiều đêm thức trắng suy nghĩ. Nếu con sang nước ngoài, con sẽ có môi trường học tập tốt. Nhưng gánh nặng tài chính sẽ đổ dồn lên đôi vai chị.

Sau một thời gian dài trăn trở, chị quyết định để con theo đuổi ước mơ. Thời điểm đó, lực học của Minh Đức ở mức độ bình thường, không quá xuất sắc. Trước khi sang Úc một năm, chị cũng đầu tư cho con đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Còn Minh Đạt, sau khi con học hết lớp 2, chị quyết định bán tất cả tài sản ở Việt Nam để sang Úc đoàn viên cùng gia đình.

Chị Thu Huyền chia sẻ: "Sang nước ngoài là quyết định táo bạo nhất trong cuộc đời tôi. Tôi từ bỏ mọi thứ ở Việt Nam để cùng con chinh phục miền đất hứa. Lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi, không vững kinh tế, không giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện cho các con phát triển tương lai.

Con lớn sang trước một năm được 2 bác hỗ trợ làm thủ tục nên mọi việc khá suôn sẻ. Còn với con thứ hai, tôi phải tự làm thủ tục từ A đến Z, từ việc tìm trường, chọn lớp đến "apply" hồ sơ. Quả thật với một người mà khả năng ngôn ngữ ở con số 0 như tôi thì điều này rất khó khăn. May mắn tôi được người thân và bạn bè hỗ trợ nên sau 8 tháng, con thứ hai chính thức được đến trường".

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Hai con trai của chị Thu Huyền.

Sau khi con được đi học, chị Thu Huyền thở phào nhẹ nhõm, cứ ngỡ cuộc sống 3 mẹ con giờ sẽ ổn định hơn. Chị sẽ bắt đầu kiếm việc làm để trang trải học phí và tiền sinh hoạt. Nhưng dịch bệnh COVID-19 ập tới, toàn nước Úc lockdown (đóng cửa) nhiều đợt khiến các con phải nghỉ học, còn chị trở thành người thất nghiệp dài hạn.

Mọi thứ bị trì hoãn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Con trai lớn của chị vì đã sang Úc trước đó nên khả năng ngôn ngữ tiến bộ rõ rệt. Nhưng con trai thứ hai gặp nhiều khó khăn trong việc nghe giảng, trao đổi với thầy cô và các bạn vì học online. Chị Thu Huyền cũng không có tiền cho con đi học thêm bởi chi phí học thêm rất cao. Chị đành nhờ một gia sư tiếng Anh ở Việt Nam dạy con 2 buổi/tuần. Dù mọi người xung quanh khuyên chị không nên làm vậy nhưng ở cương vị một người mẹ, chị rất sốt ruột. Chị Thu Huyền luôn có nhiều trăn trở: "Con nghe giảng có hiểu không?", "Con có bị bạn bè cô lập không?",...

"Không chỉ về việc học tập, tôi còn "đau đầu" trước vấn đề tài chính. Vì các con không có hộ khẩu thường trú nên học phí rất cao. Học phí của con trai lớn khoảng 600 triệu đồng/năm, con trai út cũng ngót nghét 400 triệu đồng/năm. Tôi xoay sở khắp nơi, vay bố mẹ, anh chị, bạn bè để con yên tâm đến trường. Dịch bệnh căng thẳng, tôi không thể đi làm nên trâm trạng lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa". Nhiều đêm, tôi bật khóc nức nở vì bất lực, vì lo cho tương lai của 3 mẹ con. Không ít lần, tôi nghĩ bỏ cuộc, quay về Việt Nam sống", chị Thu Huyền tâm sự.

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Chị may mắn sớm tìm được người bạn đời để "chia ngọt sẻ bùi".

QUYẾT TÂM VỰC LẠI TINH THẦN, ĐỒNG HÀNH CÙNG CON CHINH PHỤC HỌC THUẬT

Thấy bản thân nếu mãi yếu đuối cũng chẳng giúp tình hình khá hơn, chỉ khiến mọi thứ càng tồi tệ. Vì thế, chị Huyền quyết tâm vực lại tinh thần, duy trì thái độ tích cực để làm gương cho con. Vì không giỏi ngoại ngữ nên chị không thể truyền đạt kiến thức cho con được. Tuy nhiên, chị chọn cách đưa ra phương hướng giúp con phát triển bản thân.

- Luôn nhắc nhở con hoàn thành bài tập trước khi đến lớp: Sau 2 năm dịch bệnh căng thẳng, các trường học mở cửa trở lại, các con chị Thu Huyền được đến lớp. Tuy không thể dạy con học vì khả năng ngôn ngữ hạn chế nhưng chị luôn chú trọng kiểm tra bài vở của con. Chị yêu cầu 2 con phải hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp. Nếu con bị giáo viên phê bình vì lười học, không hoàn thành bài về nhà sẽ phải chịu hình phạt từ mẹ.

- Khuyến khích con tham gia học nhóm: Biết trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh của con còn hạn chế nên chị khuyến khích con tham gia học nhóm và chủ động đến nhà các bạn chơi. Cách này giúp con tiến bộ nhanh và có thêm những người bạn tuyệt vời. Họ sẽ hỗ trợ con trong học tập cũng như cuộc sống. Ngoài ra, chị cũng động viên con qua nhà ông bà ngoại chơi cùng các anh chị họ của con để rèn kỹ năng Nghe - Nói.

- Thường xuyên trao đổi tình hình học tập với giáo viên chủ nhiệm: Dù lịch làm việc dày đặc nhưng chị Thu Huyền vẫn thường xuyên trao đổi tình hình học tập với giáo viên. May mắn nhà trường có phiên dịch viên hỗ trợ nên chị không gặp khó khăn trong việc này.

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Thời gian rảnh, chị cùng con tới thư viện nhà trường để học tập.

- Học cùng con mọi lúc, mọi nơi: Chị tranh thủ học ngoại ngữ cùng con dù ở nhà hay khi ở trường. Nếu ở nhà, chị sẽ cùng con đọc sách, kiểm tra bài tập. Còn khi ở trường, chị khuyến khích con học bằng việc cùng con tới thư viện tìm kiếm tài liệu và học ngoại ngữ.

- Cùng con tham gia hoạt động thể dục, thể thao: Thời gian rảnh, chị Thu Huyền cùng con chơi các môn thể thao. Chị thường xuyên đi xem con đá bóng, cổ vũ cho con. Chị tin rằng, để con phát triển toàn diện thì không chỉ cần học tốt, mà còn cần rèn luyện thể thao để có sức khỏe tinh thần tuyệt vời. Đây cũng là cách giúp con hòa đồng với các bạn.

- Tôn trọng quyết định của con: Nếu như trước đây, chị Thu Huyền thường áp đặt suy nghĩ vào con, muốn con nghe theo quyết định của mình thì giờ chị đã thay đổi. Chị hiểu rằng mỗi giai đoạn có những phương pháp giáo dục riêng. Giờ con đã khôn lớn, có chính kiến riêng nên chị để con tự chọn trường, chọn ngành mình yêu thích. Chị không can thiệp sâu vào lựa chọn của con. Tuy nhiên, con cần chịu trách nhiệm trước những quyết định ấy.

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Cuối tuần, chị Thu Huyền dành thời gian đưa con đi chơi thể thao.

Nhờ những phương pháp giáo dục giản đơn đã giúp các con sớm hòa nhập. Các con của chị đều theo kịp được bạn bè, không còn gặp khó khăn như trước. Hiện con lớn của chị đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Victoria (Victoria University). Con thứ hai học hết lớp 5, được thầy giáo khen ngợi bởi có tinh thần học tập phi thường, giúp rút ngắn thời gian đuổi kịp các bạn.

Để các con nỗ lực phấn đấu chinh phục mục tiêu phía trước, chị Thu Huyền luôn căn dặn con về vai trò của việc học. Chị chia sẻ với các con rằng: "Ý nguyện sang Úc học tập là của con chứ không phải của mẹ nên các con phải dốc hết sức. Học tập tốt thì sau này các con được hưởng trái ngọt. Cuộc sống con người ngắn lắm, ngắn khoảng 60 năm, dài ngoài 70 năm.

Mẹ chia cuộc đời thành 3 quãng. Như vậy, 1/3 quãng đời đầu, con phải kiên trì học tập, dù có chán nản cũng không được bỏ cuộc, phải đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu. Con hãy cố học để 2/3 quãng đời sau được an nhàn, được hưởng thành quả. Còn nếu con lười biếng học thì quãng đời sau sẽ rất vất vả. Đó là hậu quả con phải gánh chịu, mẹ không thể gánh hộ con".

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Dù con trai đã lớn nhưng chị vẫn đưa con đi đến trường khi có thời gian rảnh.

TRỞ THÀNH TẤM GƯƠNG SÁNG ĐỂ CON NOI THEO

Dù không còn trẻ tuổi, rất khó để thích nghi với cuộc sống nhưng chị Thu Huyền luôn cố gắng trở thành tấm gương sáng để con noi theo. Chị muốn các con hiểu chị luôn đồng hành, nỗ lực cùng con vượt khó. Và chị muốn con tin rằng sang Úc là con đường đúng đắn để phát triển tương lai nên con phải vững bước, dù chặng đường còn nhiều thách thức.

Để có tiền nuôi con ăn học, chị Thu Huyền miệt mài học tiếng Anh ngày đêm và xin làm việc cho một nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài. Chị hoàn toàn có thể lựa chọn những công việc dành cho người Việt Nam. Nhưng chị nghĩ nếu lựa chọn như vậy, chị mãi mãi sẽ không phát triển được bản thân. Chỉ sau 2 tiếng thử việc, chị được nhận vào làm và sau một thời gian ngắn được tăng lương vì làm việc hiệu quả.

me ha noi ban nha du hoc cung con 1

Dù không biết tiếng Anh nhưng chị cố gắng.

Thời gian đầu, chị còn lóng ngóng, nhiều khi nghe không hiểu yêu cầu khách hàng. Những lúc ấy, chị phải nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Công việc mang lại nguồn thu nhập và giúp chị cải thiện khả năng giao tiếp rất nhiều. Khi đã làm tốt công việc chính, chị Thu Huyền còn nhận thêm 2 công việc khác. Công việc áp lực nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành tốt. Chị muốn các con thấy được mẹ đã rất nỗ lực để thích nghi cuộc sống.

"Trong tuần vừa qua, vì làm việc quá sức nên có 2 lần tôi chếnh choáng, suýt ngã xuống. Nhưng tôi giấu các con vì không muốn các con lo lắng, ảnh hưởng đến việc học tập. Cá chuối đắm đuối vì con, vì tương lai phía trước, tôi sẵn sàng gom góp tất cả những gì bản thân có để con được học tập đến nơi đến chốn", chị Thu Huyền nghẹn ngào tâm sự.

Nhiều người thân, bạn bè khuyên chị Thu Huyền không nên cho con học lên cao bởi tốn kém. Các con chỉ cần học ở mức độ bình thường, có thể chọn Cao đẳng, Trung cấp hoặc học nghề để sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Nhưng chị Thu Huyền gạt bỏ lời khuyên đó. Dù khó khăn đến đâu, chị vẫn tảo tần đi làm thuê để con được ăn học đàng hoàng, có tương lai tươi sáng.

Tags:
Tam ca Áo trắng lần đầu nói lý do rời showbiz, tiết lộ cuộc sống xứ người

Tam ca Áo trắng lần đầu nói lý do rời showbiz, tiết lộ cuộc sống xứ người

Trở về Việt Nam sau thời gian ở Mỹ, ba thành viên của Tam ca Áo trắng gồm Tuyết Ngân, Minh Tú, Minh Thư có dịp tiết lộ với Thanh Niên cuộc sống của mình nơi xứ người.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất