Mẹ Nhật nuôi con nhàn tênh: Bố chỉ nên mắng con khi được mẹ nhờ!
Bọn trẻ nhà tôi răm rắp vâng lời mỗi khi bố nó nổi giận. Ấy thế mà tôi có nổi giận, la mắng thì chúng cứ bơ đi, không chịu nghe lời.
12:00 01/09/2017
1. Vợ chồng hãy cãi nhau bằng “nụ cười”
Mọi đứa trẻ đều là thiên tài khi sinh ra.
Bé có thể nhìn, nghe và cảm nhận thấy mọi thứ. Vợ chồng bạn có thường cãi nhau, cau có trước mặt bé vì nghĩ con vẫn còn bé nên sẽ chẳng hiểu chuyện gì hay không?
Trên thực tế, bé có thể cảm nhận và phân biệt rõ rệt sự khác nhau khi bố mẹ cười đùa vui vẻ và khi bố mẹ tức giận, khó chịu.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những bà mẹ ít lời, với khuôn mặt u buồn thường nghèo nàn trong biểu hiện tình cảm. Ngược lại, những ông bố, bà mẹ coi việc chăm con là niềm vui thường nuôi dạy nên những đứa trẻ có tinh thần và tình cảm ổn định.
Dù có giận nhau đến đâu, bố mẹ cũng không nên biểu thị cảm xúc rõ ràng trước mặt con cái.
Vì vậy ngay cả khi vợ chồng cãi cọ mà mẹ thì không thể kìm nén cơn giận đối với bố thì hãy kêu ca bằng lời nhưng đi kèm với “nụ cười”. Hệt như kiểu mẹ đang làm diễn viên ấy.
Nói vậy nhưng kể ra cũng rất khó thực hiện. Nhưng cũng có thể nhờ ý thức được điều ấy mà bố mẹ dần chẳng còn muốn cãi nhau nữa. Tác dụng ra trò đấy nhé!
Nhờ vào việc luôn ý thức sự tồn tại của bé, bản thân bố mẹ sẽ luôn lạc quan, giảm dần các cuộc tranh luận, đấu khẩu, không khí gia đình cũng đầm ấm hẳn lên đúng không nào?
2. Bố chỉ nên mắng con khi mẹ nhờ
Thỉnh thoảng cũng có những bà mẹ tâm sự với tôi rằng: “Bọn trẻ nhà tôi răm rắp vâng lời mỗi khi bố nó nổi giận. Ấy thế mà tôi có nổi giận, la mắng thì chúng cứ bơ đi, không chịu nghe lời. Bọn trẻ coi thường lời nói của tôi chăng?”.
Tuy nhiên, điều này là bởi vì bố là người không hay ở nhà nên các con có sự tôn trọng nhất định và nghe theo lời bố, không có nghĩa là chúng coi trọng bố hơn mẹ. Bố không phải khi nào cũng ở cùng con để có thể la mắng con sát sao được.
Ngược lại, mẹ là người luôn ở bên bọn trẻ và thường mắng con từ những việc nhỏ, cứ như vậy bọn trẻ thành quen và chai sạn trước lời nói của mẹ.
Mẹ là người làm tất cả mọi thứ, từ việc lau chùi nhà vệ sinh đến việc chuẩn bị bữa ăn hàng ngày, thay cho con từng chiếc tã. Ấy vậy mà dù bố rất ít khi ở nhà nhưng hễ bố la mắng là bọn trẻ lại ngoan ngoãn nghe lời. Điều này chắc chắn làm cho mẹ cảm thấy không thoải mái.
Bố tuyệt nhiên không nên nổi giận, la mắng con chừng nào mà mẹ chưa đề nghị bố rằng “Em nói mãi mà bọn trẻ chẳng chịu nghe lời. Anh thử nói chúng giúp em nhé”.
Cách này sẽ khiến con nhận thức được rằng bố chỉ mắng khi nào mẹ hối thúc, từ đó con sẽ nhận thức được mối quan hệ của bố mẹ trong gia đình, khiến con tự biết phải vâng lời mẹ.
3. Nếu bố mẹ không hạnh phúc thì không sống chung sẽ tốt hơn
Tôi không tán thành quan điểm của một số người: "Bố mẹ không sống chung thì tội cho con lắm" hay "Muốn nuôi dạy con tốt thì phải có cả bố, cả mẹ".
Tất nhiên, nếu cả bố và mẹ đều lo nghĩ cho con cái, dành trọn tình yêu cho con thì bố mẹ hòa hợp cùng chung sống là điều tốt nhất không cần phải tranh cãi.
Bởi vì có những điều mà chỉ có bố, người hàng ngày bươn chải ngoài xã hội để kiếm tiền mới có thể chỉ dạy được cho con, đồng thời có những điều mà chỉ những bà mẹ với tất cả sự quan tâm tinh tế mới làm được cho con.
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu chẳng may ông bố của con lại là người thường xuyên dùng bạo lực với vợ, trút mưa roi vào con?
Vợ chồng có yêu thương, mới cưới, rồi có con. Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó bạn nhận ra chồng bạn là một gã vũ phu, bạn cần phải chia tay chồng sớm trước khi con bạn bị tổn thương tâm lý.
Đừng đợi đến khi con bạn bị sang chấn tâm lý, mang những tổn thương đến hết cuộc đời rồi mới quyết định chia tay chồng thì đã quá muộn. Lúc ấy thì bạn đã trả giá bằng chính cuộc đời bạn và cả con bạn nữa.
Các mẹ đang có ý định ly hôn và cả những mẹ đang bối rối giữa quyết định ly hôn hay tiếp tục chung sống hãy tự trả câu hỏi này:
"Chồng bạn có thể hiện tình cảm yêu thương khi tiếp xúc với con không?" Nếu chẳng may rơi vào tình huống ấy, tôi hy vọng các mẹ hãy suy nghĩ kỹ về việc đâu sẽ là điều tốt nhất với con để có thể tự đưa ra quyết định cuối cùng.
Bài viết trên được trích từ cuốn sách " Mẹ Nhật nuôi con nhàn tênh " của tác giả người Nhật Kubota Kayoko. Bà sinh năm 1932 tại Osaka, là vợ của Giáo sư Kubota Kisou, Giáo sư danh dự của Đại học Kyoto, giáo sư đầu ngành về khoa học thần kinh và là một bà mẹ hai con.
Khoảng 30 năm trước, bà Kayoko đã xây dựng thành công phương pháp nuôi dạy con của riêng bà, được gọi tên là PHƯƠNG PHÁP NUÔI DẠY CON CỦA KUBOTA. Phương pháp này được chọn lọc không chỉ từ những phương pháp nuôi con truyền thống trước đó mà còn được bà đúc kết từ chính kinh nghiệm sinh và nuôi dạy con của bản thân bà khi sinh sống ở Mỹ và Nhật, đồng thời các phương pháp này cũng được lý giải một cách rất khoa học dựa trên lý thuyết Khoa học thần kinh mà chồng bà, Giáo sư KUBOTA đã nhiều năm nghiên cứu.
Cuốn sách là tác phẩm đầu tiên bà viết với tư cách là tác giả độc lập năm 79 tuổi.
6 thay đổi tích cực mà việc sống ở Nhật Bản sẽ mang lại cho bạn
Một quốc gia phải có những mặt tốt và xấu. Sống ở một nước phát triển không có nghĩa rằng mọi thứ sẽ tốt hơn. Nhật Bản cũng vậy. Nước này có cả mặt tích cực và tiêu cực khi đặt cạnh các nước khác. Bạn sẽ gặp phải một số khó khăn và thách thức như rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hoá khi sống ở Nhật Bản.