Mẹ Việt nhỏ nhắn sinh con ở Mỹ: Cả bệnh viện khen bé to lớn, bác sĩ Tây trách bố đứa trẻ
7 năm cùng chồng sang nước ngoài, chị Kim Hiếu có cuộc sống viên mãn.
10:36 15/02/2023
Hạnh phúc đến muộn vẫn nở hoa hoàn toàn đúng trong trường hợp của chị Kim Hiếu (quê Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu). Chị gặp ông xã người Mỹ - anh Ross Murray khi đã “có tuổi”. Chị hài hước chia sẻ: “Lúc giới thiệu anh với gia đình, mình đã lớn tuổi. Tiễn được hũ mắm treo đầu giường, mẹ chẳng những không phản đối mà còn rất vui”. Để rồi 7 năm bên nhau, cả hai cùng vun đắp tổ ấm nhỏ, có một cậu con trai vô cùng kháu khỉnh là bé Timothy (6 tuổi).
Cuộc sống ngày hôm nay của chị Kim Hiếu có lẽ là niềm mơ ước của nhiều chị em phụ nữ. Chị sống trong căn nhà đẹp như tranh với khu vườn rộng 1400m2, đậm đà màu sắc Việt Nam trên đất Mỹ. Hàng ngày chị vào bếp làm những món ăn ngon miệng và bắt mắt, cuối tuần lại đi du lịch khắp nơi. Hơn hết, chị được ông xã hết mực yêu thương, có con trai ngoan ngoãn.
Để có được điều đó, mẹ Việt đã chọn lùi lại một bước, gác lại sự nghiệp thành công trong vai trò Production Manager cho 1 văn phòng đại diện của Anh tại TP.HCM, để theo chồng qua Mỹ. Ở nước ngoài, chị học làm quen với vai trò mới, trở thành một người vợ và người mẹ. Với một người từng vô cùng bận rộn và say mê công việc như chị Hiếu, những thay đổi này từng gây ra không ít khó khăn. Thế nhưng chị học cách cân bằng, giữ cho mình bận rộn và hài lòng với hiện tại.
Lắng nghe chị Kim Hiếu chia sẻ câu chuyện làm mẹ để hiểu hơn về cuộc sống của một người phụ nữ Việt Nam trên đất Mỹ và cách chị giáo dục con trai lai về cội nguồn.
Từng chuẩn bị tâm lý không thể có con và cái kết ngọt ngào
Chị Kim Hiếu gặp ông xã trong một lần tụ tập bạn bè ở TP.HCM. Khi đó anh Ross Murray có xưởng sản xuất cửa ở Việt Nam, xuất khẩu đi Mỹ và Canada, còn chị Hiếu đang làm Production Manager cho 1 văn phòng đại diện của Anh tại Việt Nam. Nữ giám đốc quê Bà Rịa bị gương mặt rạng rỡ và mái tóc muối tiêu của người đàn ông ngoại quốc “hớp hồn”. Chị nhớ lại: “Lúc quan sát đám đông thì anh bắt gặp mình đang nhìn anh cười. Sau vài lần 4 mắt chạm nhau thì anh đến làm quen. Hai người nói chuyện thấy thú vị nên giữ liên lạc. Anh ấy thường về Việt Nam công tác nên cả hai thường xuyên gặp nhau, đi ăn uống, rồi chia sẻ về công việc và cuộc sống. Lâu dần thấy hợp và nảy sinh tình cảm”.
Mối quan hệ giữa chị Kim Hiếu và anh Murray được xây dựng trên cơ sở tình bạn với nền tảng là sự đồng điệu trong tâm hồn. Cả hai thường trao đổi về sở thích, văn hóa, những khúc mắc trong công việc và hỗ trợ lẫn nhau. “Mình giúp anh hiểu hơn về văn hoá, con người và cách làm việc của người Việt Nam. Anh giúp mình hiểu một người sếp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư thì họ cần gì từ những người nhân viên của mình. Mình cũng làm việc cho công ty nước ngoài nên điều đó giúp mình rất nhiều. Rồi sau vài lần hợp tan, cả hai nhận ra không ai hiểu mình hơn bằng người này, và cũng không có ai khiến mình cảm thấy thoải mái, cởi mở, tự tin vào bản thân và vui vẻ như người này. Vì vậy, tụi mình quyết định tiến đến tương lai lâu dài”, chị Hiếu tâm sự.
Sau vài năm hẹn hò, chị Hiếu sang Mỹ thăm anh Murray. Lần thứ 2 sang Mỹ, cũng là lúc chị về chung một nhà với chàng giám đốc người Mỹ. “Một lần, khi đi du lịch cùng nhau, lúc đi dạo dọc bãi biển, anh đột nhiên bước lên trước mặt mình rồi quỳ gối hỏi “Will you marry me?” (Em lấy anh nhé?). Mình ngạc nhiên, vì chẳng thấy hoa hay nhẫn, nên chị hỏi lại “What did you say?” (Anh nói gì cơ). Anh ngại nên chữa thẹn bằng câu đùa “I asked what should we have for lunch?” (Anh hỏi lát nữa mình ăn gì?). Sau đó về lại khách sạn, hai đứa khui 1 chai vang để mừng với nhau. Anh không mua nhẫn cưới vì anh muốn mình chọn mẫu nhẫn cho đúng ý thích”.
Vợ chồng chị phát hiện có con khi đang chuẩn bị đám cưới. Với chị Kim Hiếu, con đến chính là niềm vui nhân đôi, vì chị không tin mọi chuyện lại thuận lợi như thế. Chị chia sẻ: “Con đến hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch, mình không nghĩ bản thân dính bầu nhanh vậy. Trước khi tính chuyện cưới xin, cả hai đã thống nhất sẽ có con, nhưng do anh lớn tuổi, và mình cũng không còn trẻ, cộng thêm tình trạng vô sinh rất nhiều nên mình đã chuẩn bị tâm lý là không thể có con. Vậy nên, khi biết mình có thai, hai vợ chồng đều hạnh phúc đến phát khóc”.
Con trai chào đời, bác sĩ cảm thán cậu bé to con
Như bao người mẹ khác, ngày sinh con là kỷ niệm chị Kim Hiếu không thể nào quên. Đến tận hôm nay, mẹ bỉm quê Vũng Tàu vẫn nhớ như in từng chi tiết chờ sinh, đón con chào đời và cả những vất vả trong ngày đầu làm mẹ bỉm sữa. Chị kể, ở Mỹ đi sinh rất nhàn. Gia đình gần như không cần chuẩn bị vì bệnh viện đã lo từ A đến Z các loại khăn khiếu, tã sữa,... Mẹ bỉm đi sinh chỉ cần mang theo một bộ quần áo rộng, ghế an toàn cho bé trong xe, máy ảnh và đồ trang điểm.
“Rất nhiều mẹ bên này khi chuẩn bị lên bàn sinh sẽ trang điểm đẹp thật đẹp, thuê hẳn nhiếp ảnh gia hoặc nhờ người nhà chụp/ quay lại kỷ niệm thiêng liêng này, bệnh viện hoàn toàn khuyến khích, không vấn đề gì”, chị Kim Hiếu cho biết.
Khung cảnh của 6 năm trước ùa về ký ức chị như một thước phim sống động. “Mình chuyển dạ lúc 9 giờ tối, lên cơn gò và đau nhiều, nhưng không vỡ ối và cơn gò không gần nhau nên ở nhà đợi. Đến 6 giờ sáng, chồng chở vào nhập viện thì gặp 1 bác sĩ khác không phải là bác sĩ của mình. Khi khám thì mình mới nở 3cm thôi, bác sĩ đuổi về. Nhưng mình đau quá nên y tá gọi cho bác sĩ của mình, và mình cũng trễ ngày dự sinh 3 ngày rồi nên bác sĩ cho nhập viện. Thế là bác sĩ vào, chọc ối nhưng do mới nở 3cm nên không làm gì được.
Mình chọn sinh thường và tiêm tê, nhưng chưa nở đủ để tiêm tê. Trời ơi, lúc đó mới hiểu đau thấy 10 ông trời là thế nào. Được cái là y tá vô cùng nhiệt tình và dịu dàng, mình được 2 y tá hỗ trợ và có ông xã cạnh bên. Hai cô y tá làm đủ mọi cách để giúp tử cung nở, nào là đặt mình nằm nghiêng rồi đặt quả bóng to đùng giữa hai chân với tự thế banh chân hết cỡ, rồi nằm ngửa, co gối với trái banh ở giữa,... Nói chung là đủ các tư thế. Cuối cùng cũng nở được 5cm và được tim tê. Cây kim to khủng bố, chọt vào sống lưng với tư thế gập người để tiêm vào tuỷ sống…”, chị nhớ lại.
Chị tiếp tục: “Sau 33 tiếng đồng hồ vật vã với cơn đau đẻ, và mọi cố gắng của y bác sĩ mà vẫn không đẻ được, bác sĩ ra lệnh: “Mổ!”. Mình vẫn ngoan cố, xin đợi thêm 2 tiếng nữa coi đẻ nổi không, và bác sĩ đồng ý! Hơn một tiếng nữa trôi qua vẫn không có gì khả quan, bác sĩ nói đã chọc ối hơn 24 tiếng, em bé sẽ nguy hiểm nếu không mổ. Chồng động viên, bác sĩ thuyết phục, và cuối cùng là mổ. Thế là giữa khuya quá nửa đêm, với cái lạnh của mùa đông và cái lạnh của phòng mổ, chị được đưa lên thớt và tiêm tê lần nữa. Lần này, mình bị sốc thuốc tê, ói quá trời dù trong bụng không có gì ngoài ly cà phê, lạnh buốt cả người, hai hàm đánh lập cập không nói được gì. Trong đầu lúc đó nghĩ đến điều tệ nhất, sợ chết, sợ không nhìn thấy mặt con, sợ không được gặp mẹ lần cuối,… Chồng luôn sát cánh bên cạnh, nắm chặt tay, thủ thỉ vào tai mình “Cố lên em, em làm rất tốt. Chỉ chút nữa thôi em sẽ gặp con, cố lên nào! Cô gái mạnh mẽ!””.
May mắn là chỉ 10 phút sau đó, em bé đã thuận lợi chào đời, một bé trai khỏe mạnh nặng 4kg. Khi em bé chào đời, bác sĩ và y tá đều ồ lên. Thậm chí bác sĩ còn cảm thán: “Big boy! (Bé bự!). Cô sinh không nổi là đúng rồi, cô nhỏ con mà thằng bé to thế này cơ mà! Này là lỗi của bố nhé!”. Sinh con xong, chị Kim Hiếu gần như kiệt sức, nửa mê nửa tỉnh nên không có cảm xúc gì rõ rệt. Đến khi con lần tìm ti mẹ và mút chụt chụt thì chị mới dần tỉnh và cảm giác vô cùng khó tả. “Thật sự hạnh phúc vô bờ bến, lâng lâng. Lúc đó không còn thấy đau đớn gì nữa cả”, chị xúc động chia sẻ.
Với chị, những ngày ở bệnh viện “sướng như tiên”. Các y bác sĩ thay nhay thăm khám, nhắc giờ uống thuốc và cho con bú. Họ hướng dẫn chị cách cho con bú, giúp chị đi vệ sinh, thay tã cho mẹ và bé,... Thậm chí khi thuốc tê tan hết, họ còn đề nghị tắm giúp mẹ bỉm, nhưng vì cảm thấy bản thân ổn nên chị Hiếu tự tắm.
“Mấy ngày trong bệnh viện là thiên đường, nhưng khi xuất viện về nhà thì mọi thứ đảo lộn”, mẹ bỉm sữa cho biết. Ở nước ngoài không có bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ chồng, chỉ có 2 vợ chồng tự xoay xở. Thời gian đầu, vì sữa chưa về và thiếu kinh nghiệm nên chị Hiếu khá chật vật. Con khóc vì khát sữa, chị cũng bất lực khóc theo con. Sau đó, ông xã chị vì xót con quá nên pha thử sữa công thức cho con bú, cậu bé liền ngủ một mạch.
Ông xã chị Hiếu nghỉ 1 tháng để giúp vợ chăm con, không nề hà bất cứ việc gì. Chị hạnh phúc chia sẻ: “Trong tháng đầu, mỗi đêm phải dậy - 4 lần để thay tã cho con bú, lần nào anh cũng dậy cùng, trong lúc mình cho con bú thì anh làm cho mình ly trà mật ong chanh ấm và 1 miếng bánh mì chuối cho có sức. Cho con bú xong thì anh thay tã cho con để mình bơm sữa. Sau sinh, mình bị phù nề do truyền nước nhiều và tiêm tê nhiều, hai bàn chân phồng lên khó đi lại, cộng vết mổ còn mới nữa nên đôi khi không dậy nỗi, anh sẽ thay chị cho con bú bình (bằng sữa mẹ bơm trữ sẵn). Dù vậy, anh vẫn luôn dịu dàng động viên mỗi khi mình bị stress… Mình thật sự biết ơn anh về điều đó”.
Ý thức được hoàn cảnh đơn chiếc, mẹ đảm rèn cho con giờ giấc ăn ngủ và nề nếp tự lập. Sau 6 tuần, con bắt đầu ngủ xuyên đêm và cuộc sống chị Kim Hiếu cân bằng trở lại.
Chở "quê hương" sang đất Mỹ để dạy con truyền thống Việt
Từng là người phụ nữ của công việc, chị Hiếu hoàn toàn thay đổi sau khi làm mẹ. Chị cũng từng cảm thấy buồn nhưng dần thích ứng. Chị tâm sự: “Do bận bịu với con nhỏ, mình không ý thức được những thay đổi đó. Sau này, dần dà mình phát hiện tính cách của mình cũng đã thay đổi rất nhiều do hoàn cảnh sống.
Mình luôn giữ cho bản thân bận rộn với công việc nhà và chăm vườn tược. Ở đây lâu rồi, mình cũng có nhiều bạn bè hơn, những chị em bạn thân thiết cùng là đồng hương, đồng cảnh ngộ nên dễ chia sẻ và giải tỏa stress cho nhau. Chia nhau từng cọng rau, trái bầu, hạt giống trong vườn. Ngoài những thời gian cho chồng con, thỉnh thoảng ông xã cũng khuyến khích mình ra ngoài một mình mua sắm, cà phê hoặc ăn uống với bạn bè. Hội bạn thân thỉnh thoảng lại tụ họp ở nhà nấu nướng những món quê hương rồi quây quần ăn uống, truyện trò với nhau. Các ông chồng cũng được dịp uống vài ly rồi bàn chuyện tán gẫu. Trẻ con cũng có cơ hội vui chơi với nhau thoả thích. Nói chung là từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng được vui vẻ cả. Vì vậy, cuộc sống thêm phần thú vị và nhiều màu sắc, năng lượng tích cực”.
Mỗi ngày chị Hiếu vào bếp nấu những món ăn ngon miệng và bắt mắt, chăm vườn tược rộng 1400m2 với vô cây hoa và rau trái. Đặc biệt chị luôn giáo dục con trai về cội nguồn. Chị trang trí vườn nhà thành một góc Việt Nam thu nhỏ, cho con mặc áo bà ba, đón Tết cổ truyền.
Chị kể: “Timmy từ bé được mọi người gọi là “happy baby - Em bé vui vẻ”. Bạn ấy rất hoạt ngôn, dễ hòa đồng và tình cảm. Trước khi có dịch, mỗi năm đều được về quê ngoại 1-2 lần. Mình cũng thường dạy bé về văn hoá Việt Nam, các dịp lễ tết, giỗ ông ngoại, mình đều cố gắng tổ chức trang hoàng nhà cửa, dạy bé làm bánh tét, phong tục đi chùa, chúc tuổi, lì xì. Trong nhà cũng có bàn thờ, bé biết lạy Phật và thắp nhang cho ông Ngoại. Trong vườn sau, mình dựng một góc vườn Việt Nam với lu nước mưa, tượng gà vịt, heo, võng đưa… kể cho bé nghe về cuộc sống thời tuổi thơ của mẹ. Bé còn nhỏ và trong sáng như tờ giấy trắng, nên tiếp thu một cách tự nhiên trong hoạt động hàng ngày. Dù mấy năm dịch không về thăm bà ngoại được, nhưng bạn ấy nhắc bà ngoại thường xuyên”.
Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh
Ông Sơn sang Hong Kong từ năm 1981-1982 để mưu sinh và sống trên một cây cầu bộ hành bỏ hoang ở xứ này.