Mẹ Việt ở Nhật quanh năm thu tiền nhờ mái nhà phát điện
Những dịp nắng đẹp, gia đình chị Phương thu được 24.000 yen (5 triệu đồng) một tháng.
15:59 29/01/2018
Sang Nhật năm 2002, chị Nguyễn Lan Phương trở nên gắn bó hơn với đất nước mặt trời mọc sau khi lấy chồng người Nhật, sinh hai con ở đây. Sau sự cố rò rỉ hạt nhân ở các nhà máy điện nguyên tử năm 2011, Chính phủ Nhật khuyến khích người dân lắp máy phát điện pin mặt trời để đảm bảo an toàn. Khi đó, vợ chồng chị Phương quyết định bỏ tiền lắp đặt thiết bị này cho gia đình. Hiện xung quanh nhà chị, những ngôi nhà xây mới đều làm tương tự.
Ngày càng nhiều người dân Nhật hưởng ứng chính sách kêu gọi tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Ảnh minh họa: Jpl. |
Ngôi nhà của chị Phương ở thành phố Nagoya rộng 100 m2 với mái dốc điển hình, lắp thiết bị phát điện với tổng chi phí là 2,43 triệu yên (500 triệu đồng). Gia đình chị trả góp trong 15 năm. Trong thời gian đó, công ty bán máy sẽ bảo dưỡng, thay thế hỏng hóc miễn phí cho gia chủ. Vào những ngày có nắng, máy sản xuất điện thừa đủ cho gia đình, phần dư được bán cho công ty điện.
Sau 5 năm sử dụng máy, chị Phương luôn có điện dư để bán. "Nhà nào có máy này đều có điện vừa để dùng vừa để bán. Giờ đây, gia đình tôi chỉ quan tâm là bán được bao nhiêu thôi", chị Phương chia sẻ.
Nhà chị Phương vẫn dùng gas để nấu nướng, còn điện để thắp sáng đèn, chạy 2 điều hòa. Do đó, lượng điện thừa nhiều hơn so với các hộ dùng điện hoàn toàn. Vào mùa đông, nắng ít, gia đình lãi khoảng 11.500 yen mỗi tháng (2,4 triệu đồng). Thời gian nắng đẹp, khoản tiền thu về có thể gấp đôi. Phần tiền chênh lệch được dùng để trả góp tiền bỏ ra mua máy.
Nghe chị Phương kể về thiết bị này, người thân của chị ở Việt Nam cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả các thành phố lớn ở Hà Nội, Sài Gòn, máy phát điện bằng pin mặt trời cũng rất hiếm.
KTS Ngọc Anh (Hà Nội) cho biết, công ty của anh từng được nhiều đơn vị mời mua thiết bị điện này nhưng chưa có gia chủ nào hào hứng lắp đặt, bởi việc tích trữ điện để bán ở Việt Nam chưa thuận lợi.
Ngoài ra, nếu máy phát rẻ (dưới 100 triệu đồng) thì không sản xuất được nhiều điện, trong khi các máy sinh nhiều điện có thể có giá lên tới vài trăm triệu đồng. Có hãng giới thiệu máy có thể thắp sáng hàng chục chiếc đèn, laptop, xem 2-3 tivi, dùng tủ lạnh nhưng giá thành thiết bị là 600 triệu.
Tuy nhiên, kiến trúc sư dự đoán, xu hướng này sẽ dần trở nên phổ biến, nhất là với các nước có nguồn ánh nắng nhiều như Việt Nam. Chi phí đầu tư cao nhưng lợi ích cho các gia đình và cho môi trường là rất rõ rệt. Ở miền Nam nắng gần như quanh năm, người dân có thể đủ điện dùng cho ban ngày vào mọi thời điểm, chỉ cần mua điện vào ban đêm.
Nguồn: VnExpress.net
Ngôi nhà không tốn một đồng tiền điện của mẹ Việt ở Nhật
Gia đình chị Ánh còn kiếm thêm tiền do lượng điện nhà mình tạo ra thừa nhu cầu sử dụng.