Mẹo thưởng thức bữa ăn như người Nhật
Luôn nói “Itadakimasu” và “Gochisou-sama” là điều du khách nên làm để bắt đầu và kết thúc một bữa ăn kiểu Nhật.
09:00 12/09/2019
Ẩm thực xứ sở hoa anh đào có nhiều món ăn đặc biệt, cần được ăn theo cách riêng. Hãy bỏ túi vài quy tắc trên bàn ăn của người Nhật.
Nói "Itadakimasu"
Người Nhật luôn nói "itadakimasu" trước khi ăn. Bạn cũng nên làm như vậy khi dùng bữa cùng người dân địa phương hoặc trong nhà hàng Nhật. Theo nghĩa đen, cụm từ này có thể hiểu là "khiêm nhường đón nhận" hay "thật may mắn khi được thưởng thức bữa ăn này". Bạn có thể hiểu đây đơn giản là lời chúc ngon miệng.
Cơm trắng
Khi ăn cơm, bạn nên cầm bát bằng một tay, dùng ba đến bốn ngón để đỡ bên dưới, trong khi ngón cái để thoải mái bên cạnh bát. Bạn tránh đưa bát tới gần miệng mà giữ ở một khoảng cách vừa phải để hứng bất kỳ hạt cơm nào rơi vãi. Người Nhật coi việc bát tiếp xúc với môi hay lùa thức ăn vào miệng là bất lịch sự. Họ sẽ dùng đũa để lấy một phần cơm nhỏ vừa ăn. Người Nhật thường ăn cơm trắng với các gia vị khô (furikake), rong biển khô (ajitsuke nori), các loại gia vị từ gạo hoặc rau củ (tsukudani). Họ không chan nước tương, mayonnaise, tương ớt trực tiếp lên cơm.
Canh miso
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi phát hiện người Nhật ăn súp miso (miso shiru) bằng đũa. Cách cầm bát súp giống cách ăn cơm trắng. Vì không có thìa, người Nhật thường uống súp từ bát. Họ có thể dùng một hay cả hai tay để nâng bát húp, sau đó sử dụng đũa để gắp cái.
Người Nhật cũng nâng bát miso gần miệng để tránh rớt ra ngoài. Ảnh: SoraNews24.
Thức ăn kèm
Một bữa ăn điển hình của Nhật Bản thường gồm vài món phụ khác nhau (jikabashi). Những món này được chia làm từng phần nhỏ và bày trong đĩa riêng cho mỗi người. Người ta sẽ dùng đũa của mình để tự gắp. Nếu miếng thức ăn quá lớn, người ăn có thể dùng đũa để xắn cho vừa miệng.
Trong một số trường hợp, thức ăn kèm được phục vụ theo kiểu gia đình. Chúng được bày trong bát đĩa lớn. Người ta có thể dùng dụng cụ gắp để riêng trong từng bát, đĩa.
Trong trường hợp không có đồ gắp chung, người ăn có thể đảo đầu đũa để lấy thức ăn theo phép lịch sự. Họ có thể bỏ qua quy tắc này với người thân thiết. Ảnh:All About Japan.
Sashimi
Cách phục vụ sashimi đúng là hải sản tươi sống được đặt trong một đĩa riêng, cùng với đĩa trống nhỏ đựng nước tương. Người ăn sẽ chấm sashimi vào wasabi và nước tương. Họ không cần nhấc đĩa nước tương khỏi bàn hay rưới trực tiếp lên sashimi.
Nigiri sushi
Ở Nhật Bản, thực khách luôn được phục vụ một chiếc khăn ấm trước bữa ăn để có thể lau sạch tay. Theo truyền thống, nigiri sushi được ăn bằng tay. Người ta sẽ nhón một miếng, chấm trong nước tương và ăn cả miếng. Món ăn này thường được bày trên một chiếc đĩa riêng, kèm một bát chấm trộn wasabi nhỏ.
Tempura
Tempura hay rau củ hải sản chiên giòn thường được ăn kèm với muối hoặc một loại nước chấm tên "tsuyu". Ngoài ra, còn có một đĩa củ cải và gừng tươi nghiền nhỏ. Người Nhật sẽ thêm củ cải và gừng vào nước sốt trước khi nhúng tempura. Nếu có muối, họ chỉ cần chấm tempura vào hoặc rắc chúng lên đồ chiên. Nếu gọi một đĩa tempura với nhiều loại nguyên liệu, bạn nên ăn từ phía trước về sau vì đầu bếp sẽ sắp xếp các món từ hương vị nhẹ đến đậm hơn.
Mì
Húp mì ở Nhật được coi là điều bình thường. Trong văn hóa Nhật, cách ăn mỗi loại mì khác nhau. Mì nóng thường được phục vụ trong nước dùng và ăn trực tiếp bằng đũa. Người ta có thể dùng thìa to để vớt sợi mì trong khi dùng tay không nâng bát húp nước.
Mì lạnh có thể được bày trên đĩa mỏng hay khay tre, phục vụ kèm cốc hoặc chai nước chấm. Người ta sẽ nhúng sợi mì vào trong bát nước chấm, ăn từng miếng một. Họ có thể thêm củ cải, wasabi hay hành lá thái lát vào nước chấm để tăng hương vị.
Có loại mì lạnh được phục vụ trong bát nông với nhiều đồ ăn kèm và một chai tsuyu. Người ta sẽ trộn nước dùng vào bát mì và ăn bằng đũa.
Đũa
Trong bữa ăn Nhật, trên bàn luôn có khay kê đũa. Nếu bạn ngừng ăn giữa bữa, nên đặt chúng trở lại vị trí trên khay. Nếu không có khay, du khách nên đặt hai chiếc đũa cạnh đĩa hay bát mình ăn.
Kết thúc bữa ăn
Sau khi đặt đũa đúng vị trí, bạn nên nói "Gochisou-sama" để thông báo đã no và rất thích bữa ăn. Câu này nên được nói thẳng tới chủ nhà, người đã nấu cơm, đầu bếp hay đơn giản là với bản thân mình.
Nguồn: vnexpress.net
[Kỳ lạ] Bão vừa tan, người Nhật đã lo đi làm lại, gây ùn tắc tại nhà ga
Đã rất lâu vùng Kanto Nhật Bản mới phải đón chịu cơn bão lớn đổ bộ vào bờ. Trước cơn bão, rất nhiều con đường bị thiệt hại, mất điện trên diện rộng, tình hình trở nên khó khăn, đến cả tàu điện cũng phải tạm ngưng hoạt động.