Một ngày gói bánh chưng, bánh tét ở chùa Osaka
Giữa tấp nập những bộn bề lo toan nơi xứ người, có bao giờ bạn từng nghĩ muốn đến một chốn thanh tịnh để tĩnh tâm thư giãn, tìm lại mùi vị quê hương Việt Nam? Nếu có, bạn đừng quên note lại địa chỉ chùa Phước Quang tại thành phố Yao, Osaka, một ngôi chùa của người Việt nằm giữa lòng xứ sở hoa anh đào.
19:19 13/02/2018
Tôi đến chùa vào sáng ngày 30/12, sau khoảng một tiếng đi tàu và cả đi bộ. Chùa không lớn, nằm gọn gàng mà nổi bật giữa lòng một khu phố Nhật Bản.
Đứng ở ban công chùa nhìn ra khu phố Nhật xung quanh. (Ảnh: An Thuỷ)
Học “nghệ thuật” gói bánh không cần khuôn
Bánh chưng bánh tét từ xưa đã là những thức đặc biệt không thể thiếu dịp Tết đến xuân về. Đâu phải tự nhiên mà có câu “Thấy bánh chưng là thấy Tết”. Niềm vui khi nhìn thấy nồi nếp xanh, thấy những mâm đậu xanh vàng rực, thấy những lá chuối lá dong xếp chồng,… thực sự khó có thể diễn tả thành lời.
Gói bánh tét bánh chưng không cần khuôn là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự kinh nghiệm và tỉ mẩn của người gói. Tôi đã không khỏi thán phục khi nhìn bàn tay các cô, các chị, các anh thuần thục nhồi nếp, đậu, siết những sợi dây ni lông chặt tay để khi nấu bánh không bị bục.
Không khí Tết quê nhà nằm trong những đôi bàn tay và những tán lá dong xanh. (Ảnh: An Thuỷ)
Thành quả của cả buổi sáng là nồi bánh tét “vĩ đại”. (Ảnh: An Thuỷ)
Tinh thần “giành việc”
Sáng 30/12, chùa hết sức tấp nập. Ai ai cũng có việc, ai không có việc thì cũng ráng kiếm cho ra việc mà làm, thành ra “đội quân lau lá gói bánh” lên đến ba bốn người, còn “đội quân lau dọn” lên đến … chục người.
Khỏi phải nói không khí nhộn nhịp chừng nào, cả ngôi chùa nhỏ ngập tràn tiếng giục giã, tiếng dặn dò, tiếng hướng dẫn, tiếng hỏi han, nhưng trên cả, là tiếng cười. Trong khi dưới nhà mọi người quây quần gói bánh, ở tầng trên là một công cuộc tổng vệ sinh hoành tráng. Lau tường, lau tượng, lau kệ, lau máy lạnh, lau xà ngang,… mỗi người một việc, vừa làm vừa thi thoảng hỏi chuyện nhau. Rồi thì ‘giành’ nhau hút bụi, rửa chén, dọn chén, … bởi vì ngồi không một chỗ sẽ buồn ơi là buồn. Lau đến nỗi quá trưa có người lên tiếng hỏi “Uả lau tường chưa?” thì nhận được câu trả lời “Dạ lau không chỉ một lần mà tới mấy lần rồii” khiến ai cũng phải phì cười.
Sau một ngày “lao động”, mọi người cùng ăn khoai, chuối rán vừa thơm và ngọt. (Ảnh: An Thuỷ)
Ngoài việc dọn dẹp, theo truyền thống của chùa, mỗi năm đều có nghi thức múa “lục cúng đường” mừng năm mới. Mười một chị “thiên nữ” chỉ có chừng… một ngày rưỡi để tập múa. Dù ai cũng bận, có chị đi làm về lúc gần nửa đêm nhưng ai cũng nhiệt tình tập luyện. Những bất đồng quan điểm khi luyện tập, những trục trặc kĩ thuật trước “giờ G”, những bận rộn chưa thu xếp kịp, tất cả đều không ngăn được niềm vui được quây quần cùng nhau chuẩn bị cho một màn múa mừng năm mới hoàn chỉnh.
Thời khắc giao thừa
Đêm 31/12, ngay từ khoảng 20h đã có rất nhiều người đến viếng chùa. Không có cây mai, cây đào thật, mọi người tự cắt cành cây cắm vào bình rồi dán hoa giấy lên, vậy mà nhìn vẫn đẹp, vẫn ra dáng Tết.
Những cây hoa mai tự làm mang đến không khí Tết đối với những người viếng chùa. (Ảnh: An Thuỷ) Thời khắc giao thừa gần điểm, tất cả người có mặt đều tập hợp ở chính điện, khoác áo lam, trước mặt là kinh Phật. Theo lời thầy, chúng tôi dành vài phút ngồi im lặng, tĩnh tâm suy nghĩ về những niềm vui, những chuyện đã qua và chuẩn bị tinh thần đón chào một năm mới. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội khoác chiếc áo lam và đọc kinh cầu năm mới đêm giao thừa. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận các sự hồi hộp háo hức rõ rệt vào khoảnh khắc giao thời.
Sau buổi đọc kinh, lần lượt từng người tiến lên nhận lộc đầu năm. Lộc của thầy có đồng 5 yên được coi là đồng tiền may mắn của Nhật, có quả quýt thơm vàng tượng trưng cầu cho năm mới an khang hạnh phúc sáng tươi.
Cùng nhau, mọi người quây quần nhấp ngụm trà, thưởng thức bánh chưng, bánh tét vừa dẻo hương nếp vừa thơm lừng vị đậu xanh. Cảm giác được ăn thứ bánh của quê hương ở đất nước cách xa hai múi giờ, lại là những cái bánh chính mắt chính tay mình có dự phần vào, là một niềm hạnh phúc không thể diễn tả thành lời. Mọi người cứ thế ăn bánh, chuyện trò, hỏi han, cười đùa rôm rả. Chừng như chẳng ai thấy mệt, chừng như ai cũng muốn đêm cứ dài mãi, cứ vui mãi như thế.
Hơn cả tình bạn, đó là tình đồng hương, đồng bào Hơn cả niềm vui, đó là hạnh phúc!
Nguồn: An Thuỷ/ kilala.vn
Còn 5 ngày nữa là Tết, đã bao lâu rồi bạn không về ăn cơm cùng mẹ?
Dạo này tôi thường thấy mình nhớ quê đến lạ, công việc nơi thành phố cuốn tôi đi theo dòng chảy. Chợt nhận ra Tết sắp đến rồi, đã bao lâu tôi không ngồi bên mâm cơm cùng mẹ nhỉ? Điện thoại reo báo tin em họ lấy chồng, lý do quá hợp lý để tôi có dịp được trở về.