MOTTAINAI- Thông điệp đầy nhân văn của người Nhật
Mottainai- một thuật ngữ có thể nói là một trong những niềm tự hào của Nhật Bản với bạn bè thế giới.
14:00 09/04/2020
Năm 2005 trong lần đến thăm Nhật Bản, bà Wangari, nhà hoạt động bảo vệ môi trường người Kenya đồng thời là người đã được nhận giải Nobel hòa bình năm 2004 vì vô cùng ấn tượng với thuật ngữ Mottainai và cách người Nhật vận dụng nó trong hoạt động hàng ngày hay trong sản xuất nên đã phát động một chiến dịch với tên gọi “Chiến dịch MOTTAINAI” nhằm kêu gọi mọi người tiết kiệm, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường. Từ đó thuật ngữ Mottainai được toàn thế giới biết tới, mọi người hiểu được ý nghĩa của nó dù họ không hề biết tiếng Nhật.
Chiến dịch MOTTAINAI của bà Wangari: Tiết giảm- Tái sử dụng- Tái chế. Ảnh: do-eco.com
Mottainai của người Nhật
Ảnh: chikarogu.hatenablog.jp
Mottainai là từ có nguồn gốc từ Phật giáo, ý nghĩa bày tỏ sự tiếc nuối với việc đồ vật bị mất đi giá trị ban đầu của nó. Chính bởi vậy phải trân trọng đồ vật mà tận dụng hết mức có thể công dụng của chúng, tránh gây lãng phí. Mottainai còn thể hiện sự tôn trọng của người Nhật đối với thiên nhiên, với người tạo ra sản phẩm, đồ vật đó.
Từ thời xa xưa, Mottainai đã trở thành một trong những điều cốt lõi trong nền văn hóa của người Nhật, là điều họ răn dạy con cháu ngay từ khi chúng còn nhỏ, chính vì vậy có lẽ Mottainai đã ăn sâu vào trong máu của mỗi người dân Nhật Bản, trở thành giá trị quan không thể thiếu của họ.
Và từ khi được cả thế giới biết đến thông qua chiến dịch MOTTAINAI của bà Wangari người Nhật lại càng thêm tự hào về nét văn hóa này của họ. Mottainai như một thông điệp của người Nhật gửi tới thế giới: Hãy trân trọng đồ vật, đừng lãng phí.
Cách người Nhật vận dụng Mottainai để kiến thiết nước Nhật
Một điều mà chắc có lẽ ai cũng biết đó là Nhật Bản phải gánh chịu hậu quả nặng nề như thế nào sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn họ đã vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Để có được một kết quả khiến cả thế giới khâm phục như thế thì ngoài các yếu tố như sự chăm chỉ cần cù, làm việc không biết mệt mỏi của người Nhật hay các chính sách phát triển đất nước của chính phủ…thì một điều không thể không nhắc tới đó chính là cách người Nhật vận dụng văn hóa Mottainai của họ- tiết kiệm, tận dụng hết mức công dụng của đồ vật, tái sử dụng và tái chế chúng.
Dù bạn ở nơi đâu trên đất nước Nhật thì bạn cũng sẽ phải phân loại rác thải. Người Nhật rất coi trọng việc này, họ phân loại để sau đó sẽ tái chế lại những đồ vật đó thành những đồ vật giống như vậy hoặc thành các đồ vật có công dụng khác nhau nhằm mục đích tránh lãng phí và bảo vệ môi trường.
Các đồ vật trước và sau khi được tái chế. Ảnh: eco.coop-kobe.net
Hay có thể dễ dàng bắt gặp các đồ dùng được người Nhật biến tấu đi để tránh lãng phí
Như lọ cắm hoa được làm từ chai nhựa
Gọt bút chì được gắn với chai nhựa. Ảnh: gaikokujinnavi.com
Một mặt khác của người Nhật trong văn hóa Mottainai
Tuy ý thức về tiết kiệm và tránh lãng phí đã thấm nhuần vào suy nghĩ của mỗi người Nhật nhưng có lẽ một phần do sự cẩn thận, muốn bảo vệ sức khỏe của con người hay vì các lý do cá nhân khác mà trung bình hàng năm Nhật Bản bỏ đi hơn 6 triệu tấn thức ăn vẫn còn có thể ăn được. Điều này gây sự ngạc nhiên rất lớn cho thế giới về nước Nhật xưa nay vốn được biết đến là quốc gia tiết kiệm. Thậm chí chính người Nhật sau khi nghe thấy con số này còn thấy quá bất ngờ. Tìm hiểu thêm về hiện trạng này của Nhật Bản qua link sau: https://isenpai.jp/shokuhin-rosu-%E9%A3%9F%E5%93%81%E3%83%AD%E3%82%B9-van-de-nan-giai-cua-nhat-ban/
Tham khảo: http://warabesque.main.jp/column02.html
Theo: isenpai.jp
Có thừa công nghệ làm việc ở nhà, tại sao người Nhật đổ xô đến công sở bằng được bất chấp COVID-19?
Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 bùng phát hé lộ thực trạng doanh nghiệp và người lao động nước này chưa sẵn sàng thay đổi văn hoá làm việc để thích ứng với xu hướng làm từ xa.