Mỹ bắt đầu hứng chịu hậu quả biến đổi khí hậu

Miền tây nước Mỹ hứng chịu đợt lũ quét nghiêm trọng giữa hạn hán, hiện tượng thời tiết bất thường mà giới khoa học đã cảnh báo nhiều năm qua.

14:47 17/06/2022

Giữa đợt "siêu hạn hán" kéo dài, vườn quốc gia Yellowstone, miền tây bắc nước Mỹ, ngày 13/6 bất ngờ hứng chịu một mưa lớn và tuyết tan nhanh, tạo ra trận lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng giao thông.

Nhiều nhà cửa, đường sá, cầu cống, thậm chí nhà tầng kiên cố của nhân viên vườn quốc gia Yellowstone cũng bị lũ quét cuốn trôi. Hơn 10.000 du khách mắc kẹt tại khu vực công viên rộng hơn 890.000 ha, trải dài qua ba bang Wyoming, Montana và Idaho. Giới chức Montana đã điều động hai trực thăng sơ tán du khách.

Cam Sholly, giám đốc công viên, cho biết Yellowstone sẽ bị đóng cửa khoảng một tuần, trong bối cảnh mưa lớn được cho là sẽ kéo dài đến cuối tuần.

Trong khi đó, tình trạng hạn hán vẫn tiếp diễn ở phía tây nam, nơi đang rất cần mưa để đối phó với các đám cháy rừng kỷ lục, cũng như bổ sung nước cho các hồ chứa lớn nhất nước Mỹ.

Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ (USDM) ngày 16/6 cho biết hình thái thời tiết ẩm ướt ở vùng tây bắc Mỹ đối nghịch với hiện tượng khô nóng ở vùng tây nam, được cho là biểu hiện của cuộc khủng hoảng khí hậu đang có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn mà giới khoa học đã cảnh báo nhiều năm qua. Các hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu này trở nên cực đoan hơn và dễ dàng thay đổi trong thời gian ngắn.

Cơ quan Khai hoang Mỹ (USBR) dự báo nước sông Colorado ở các bang Arizona, Nevada và California sẽ tiếp tục suy giảm đáng kể. Hồ Mead, hồ chứa cung cấp nước cho hàng triệu người ở phía tây nam nước Mỹ, đang hoạt động dưới mức dự báo thấp nhất của năm ngoái.

USBR tháng 8/2021 dự đoán mức nước hồ Mead đạt 322-323 m so với mực nước biển vào cuối tháng này, song mực nước hiện tại chỉ đạt 318 mét.

Lũ quét phá hủy đường sá ở công viên quốc gia Yellowstone, tây bắc Mỹ, ngày 13/6. Ảnh: AP.
Lũ quét phá hủy đường sá ở công viên quốc gia Yellowstone, tây bắc Mỹ, ngày 13/6. Ảnh: AP.

Tại bang New Mexico, tây nam Mỹ, hai trong số những đám cháy rừng lớn nhất lịch sử bang vẫn chưa được khống chế, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở khu vực phía tây và nam của bang. Hơn 50% diện tích New Mexico đang trong tình trạng "hạn hán đặc biệt", mức phân loại cao nhất trong hệ thống giám sát.

Theo nghiên cứu được Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) ở New Mexico công bố cuối tháng 4, nhiều khu vực ở các bang thượng nguồn sông Colorado như Colorado, Wyoming và Utah sẽ chứng kiến dòng chảy sông đạt đỉnh sớm hơn do tuyết tan nhanh. Lượng tuyết trong những thập kỷ tới ở khu vực này cũng sẽ giảm 60%.

"Tương lai nước Mỹ chắc chắn sẽ nóng hơn", Katrina Bennett, nhà thủy văn từ LANL, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay.

"Sẽ có nhiều hiện tượng thời tiết đối nghịch như hiện nay hơn nữa", bà nói thêm. "Các hiện tượng này đều khiến đất đai khô cằn hơn, lượng tuyết ít hơn, khiến nguy cơ hạn hán ngày càng lớn".

Tags:
Bức ảnh thể hiện sự đối lập của hai nền giáo dục Âu – Á

Bức ảnh thể hiện sự đối lập của hai nền giáo dục Âu – Á

Tôi thấy thương cho dân Châu Á mình, nhất là Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta đi chơi là để...chụp hình!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất