Mỹ: Người dân khổ sở vì giá xăng tăng kỷ lục

Tình cảnh hết xăng giữa đường đang ngày càng quen thuộc ở Mỹ, khi giá xăng ngày càng đắt đỏ khiến các tài xế thường “đánh cược” với mức nhiên liệu còn lại trong bình.

22:12 09/06/2022

Alaniz, sinh viên ngành điều dưỡng, hôm 28/5 cùng 7 người bạn lái xe ra ngoài tổ chức sinh nhật 22 tuổi ở bang Texas, Mỹ. Đến nửa đêm, khi họ đang trên đường trở về nhà, chiếc xe bỗng lịm dần đi rồi tắt máy trên con đường nông thôn hẻo lánh. Đèn báo hết xăng, họ đành ra ngoài đẩy xe.

Cả nhóm đẩy xe gần 5 km mới có người mang xăng tới, nhưng xe vẫn không nổ được máy và họ cuối cùng phải gọi xe cứu hộ. “Lần sau chắc tôi chỉ ở nhà thôi”, Alaniz nói đùa.

Xăng tăng giá 62% khiến Sonny Alaniz chỉ dám đổ lưng chừng bình và phải trả giá khi xe hết xăng giữa đường lúc nửa đêm.

Tình cảnh hết xăng giữa đường đang ngày càng quen thuộc ở Mỹ, khi giá xăng ngày càng đắt đỏ khiến các tài xế thường “đánh cược” với mức nhiên liệu còn lại trong bình.

Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) cho hay đã nhận được 50.787 cuộc gọi báo hết xăng hồi tháng 4, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 200.000 tài xế đã mắc kẹt trong tình huống tương tự từ đầu năm tới nay. Giá xăng tăng chóng mặt từ tháng 4, khiến nỗi đau tài chính của những người sử dụng xe hơi ở Mỹ thêm nặng nề.

Giá nhiên liệu bắt đầu tăng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu. Dữ liệu của AAA cho thấy một gallon xăng (3,78 lít) ở Mỹ đã tăng 62%, lên 4,96 USD kể từ năm ngoái.

Người sử dụng ôtô ở 16 bang của Mỹ đang trả trung bình ít nhất 5 USD một gallon, còn giá xăng ở California đã lên tới 6 USD. Đổ đầy một bình xăng tùy loại xe có thể mất hơn 100 USD, tương đương 14 giờ thu nhập sau thuế của một số lao động.

Xăng tăng giá, chi phí mua hàng hóa, thực phẩm, tiền thuê nhà cũng tăng, khiến nhiều người Mỹ lâm vào cảnh giật gấu vá vai mỗi khi phải chi tiêu. Một số người chỉ đổ lưng chừng bình xăng khi chưa tới kỳ nhận lương, theo Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của GasBuddy.

“Nếu chỉ còn 10 USD trong túi, trong khi tiền lương chưa được nhận, họ buộc phải làm vậy”, De Haan nói. “Thực tế này cho thấy mọi người đang bị ảnh hưởng đến mức nào vì giá xăng cao”.

Thăm dò được Washington Post – Schar School thực hiện từ 21/4 đến 12/5 cho thấy 44% tài xế chỉ đổ một phần bình xăng, con số này lên tới 61% với những người có thu nhập dưới 50.000 USD/năm. Hơn 60% người được hỏi quyết định ít lái xe hơn, 30% cho hay lái xe ở tốc độ thấp hơn để tiết kiệm xăng.

Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết đồ thị trung bình động về nhu cầu xăng dầu ở Mỹ trong 4 tuần, tính tới ngày 20/5, đã giảm còn 8,8 triệu thùng/ngày. Nếu không tính năm 2020, thời kỳ Covid-19 bùng phát, đây là mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ 2013.

Alina Hille, 35 tuổi, chưa bao giờ rơi vào tình cảnh hết sạch xăng cho đến 2/6, khi đang đi đường cùng con trai 4 tuổi và con gái 7 tuổi. Để xe bên vệ đường, ba mẹ con đi bộ tới trạm xăng gần nhất để mua một chai xăng nhỏ giá 1,5 USD, đổ vào xe và cố chạy về nhà để kịp dự một cuộc họp qua Zoom.

Cô đang tìm mọi cách kiếm tiền, làm việc ở nhà nhiều hơn, tăng cường đi bộ đưa con tới trường, nhưng vẫn rất khó khăn vì hiện giờ phải chi 67 USD để đổ đầy bình, cao hơn 9 USD so với tháng trước.

“Tôi không làm nổi những việc thường làm cùng các con trước đây vì giá xăng tăng”, Hille nói. “Chúng tôi thường lái xe đi loanh quanh khi các cháu được nghỉ học hay đi tới sân chơi, hoặc tới nơi chưa từng đến”.

“Giờ thì tôi phải để dành số tiền đó để mua đồ thiết yếu”, cô bày tỏ.

Tại Texas, Alaniz cho hay giá nhiên liệu tăng buộc anh phải thay đổi kế hoạch đi làm và đi học. Alaniz thường lái xe hơn 96 km từ trang trại gia đình gần Alice tới trường đại học ở Corpus Christi bằng xe bán tải Chevy Silverado 2500, vốn có mức tiêu thụ nhiên liệu gần 17 lít/100 km trên đường cao tốc.

Kể cả khi nhận việc làm thêm, Alaniz giờ đây không kham nổi tiền xăng cho chiếc xe. “Giờ đổ 60 USD mới được nửa bình”, anh nói. Alaniz đang rao bán chiếc Chevy để đổi lấy xe nhỏ hơn, tiết kiệm xăng hơn, đồng thời chuyển sang học trực tuyến vào học kỳ tới.

Roger Ware, nhà kinh tế học tại Đại học Queen ở Ontario, cho biết các tài xế thường không thay đổi thói quen lái xe trong ngắn hạn vì chưa tìm được giải pháp thay thế. “Tuy nhiên, sau vài tháng hoặc vài năm, nhiều thứ sẽ thay đổi nếu giá xăng vẫn cao như thế”, ông nói.

Theo Ware, họ sẽ chuyển sang phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe khi giá xăng không giảm. Người tiêu dùng sẽ suy nghĩ lại về phương tiện đi lại của mình, đổi sang loại tiết kiệm nhiên liệu hơn. Một số người sẽ chuyển tới gần nơi làm hơn hoặc làm từ xa nhiều hơn.

Theo David Bennett, giám đốc hệ thống sửa chữa của AAA, giá xăng cao cùng việc ngày càng nhiều người Mỹ tiếp tục thói quen lái xe trước đại dịch đã góp phần làm tăng đột biến các cuộc gọi nhờ cứu hộ xăng.

“Mọi người mắc kẹt ở nhà trong hai năm qua”, Bennett nói. “Họ đang muốn đi ra ngoài khám phá”.

Danielle Socha, người làm nghề giao đồ ăn cho ba ứng dụng tại San Diego, đang phải chi 83 USD để đổ đầy một bình xăng. Cô nhiều lần hết xăng giữa đường, đến mức nó trở thành trò đùa vui với bạn bè và gia đình.

“Đồng hồ báo xăng của tôi hỏng”, cô nói. “Tôi không biết xe còn xăng hay không và hết xăng giữa đường suốt lần này tới lần khác”.

Socha để sẵn một can rỗng trong xe để đi bộ tới trạm mua xăng nếu cần. Tình cảnh hết xăng giữa đường không phải lúc nào cũng khốn khổ, bởi đôi lúc cô được những người tử tế giúp đỡ. Gần đây nhất, một nam thanh niên đã giúp cô đẩy xe ra vệ đường khi nhìn thấy Socha nhờ giúp đỡ.

Xăng tăng giá cũng làm nảy sinh hình thức trộm cắp nhiên liệu. Hai vợ chồng ở San Diego đã gọi báo cảnh sát sau khi phát hiện lỗ khoan dưới bình xăng xe hồi tháng 3. Nhiều sự cố tương tự được ghi nhận ở Memphis, Las Vegas và những thành phố khác.

Ba người ở Florida đã bị bắt và đối mặt cáo buộc trộm hàng nghìn gallon dầu diesel từ trạm xăng và bơm vào các túi nhựa để bán lại trên thị trường.

Theo VNE

Tags:
Những hành vi rất bình thường lại bị cấm khi du lịch nước ngoài: Đừng quên tìm hiểu kỹ những nguyên tắc này nếu có du lịch nước ngoài nhé

Những hành vi rất bình thường lại bị cấm khi du lịch nước ngoài: Đừng quên tìm hiểu kỹ những nguyên tắc này nếu có du lịch nước ngoài nhé

Nếu bạn đang dự định du lịch nước ngoài, đừng quên tìm hiểu kỹ những nguyên tắc tưởng chừng như bình thường ở Việt Nam nhưng lại là hành vi bị cấm ở các nơi khác để tránh "mất tiền oan" nhé.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất