Mỹ yêu cầu ghi bị chú nơi sinh trong hộ chiếu Việt Nam mẫu mới
Đại sứ quán Mỹ yêu cầu người nộp đơn xin visa phải có bị chú nơi sinh trong hộ chiếu Việt Nam mẫu mới trước khi phỏng vấn.
21:58 12/09/2022
"Kể từ ngày 3/10, tất cả đương đơn xin thị thực có hộ chiếu mới bìa màu xanh tím than phải có bị chú về nơi sinh trước buổi phỏng vấn. Các đương đơn không có bị chú trong hộ chiếu bìa màu xanh tím than sẽ không được phép phỏng vấn và phải đặt lại lịch hẹn khác", Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo hôm nay.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khuyến cáo những người đã có lịch hẹn phỏng vấn trong thời gian tới cần bổ sung bị chú, nhưng sẽ tiếp tục phỏng vấn các đương đơn không có bị chú trong hộ chiếu đến hết ngày 29/9.
Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Phần Lan hồi tháng 7, 8 tuyên bố dừng cấp thị thực cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới vì không thể hiện nơi sinh của người mang hộ chiếu. Đức, Tây Ban Nha và Phần Lan sau đó thông báo tạm thời công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới với điều kiện thông tin nơi sinh được điền bổ sung hoặc chứng minh được nơi sinh.
Hai nước châu Âu khác gồm Pháp, thành viên khối Schengen, và Anh, không thuộc khối này, đều thông báo tiếp tục công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.
Bộ Công an hôm nay chỉ đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh in thông tin "Nơi sinh" vào mục bị chú của hộ chiếu phổ thông do Bộ Công an cấp cho công dân Việt Nam kể từ ngày 15/9.
Bộ Công an có công văn đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có chức năng cấp hộ chiếu Việt Nam in thông tin "Nơi sinh" của công dân vào phần bị chú của hộ chiếu, đồng thời báo cáo chính phủ và Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về đưa mục "Nơi sinh" vào trường thông tin trong các loại hộ chiếu do Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), thông tin buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Việc ghi nơi sinh trong hộ chiếu là tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc.
Mẹ Việt ở trời Tây: Nhìn cô giáo bình tĩnh chờ con xoay sở, tôi nhận ra cách giáo dục trẻ tốt nhất là “mặc kệ con”
Tại sao bố mẹ Việt thường vội vàng giúp đỡ con khi thấy con đang loay hoay thay vì để con tự làm? Tại sao những đứa trẻ Việt có ít cơ hội được thể hiện mình trong khi đó bố mẹ chẳng muốn con phải “động tay động chân” cho mệt ra?