Nghệ sĩ Việt đi bán kem, làm nail ở hải ngoại: "Rất sợ bị chỉ mặt, nghệ sĩ mà làm nail"
Không phải nghệ sĩ nào ở hải ngoại cũng đều có cuộc sống an nhàn, sung sướng. Có những người phải mưu sinh bằng các công việc lao động chân tay vô cùng cực nhọc.
20:41 23/10/2022
Danh ca Họa Mi từng đi bán kem, tự tay làm bánh mì mưu sinh
Họa Mi là một trong những ca sĩ nhạc trữ tình nổi tiếng ở Việt Nam. Bà tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ năm 1974 nhưng sau năm 1975, bà theo học ngành Luật cho tới khi được mời đi hát lại ở đoàn ca nhạc, hội tụ nhiều tên tuổi lớn như Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca. Từ đó đến khi sang Pháp, nữ ca sĩ đi lưu diễn khắp các miền của Việt Nam.
Trong một chuyến lưu diễn sang Pháp năm 1988, ca sĩ Họa Mi quyết định ở lại để tìm cơ hội chữa mắt cho chồng.
Chia sẻ về thời gian đầu sinh sống tại hải ngoại, danh ca Họa Mi nói trong chương trình Đời Nghệ Sĩ: "Tôi sang Paris định cư với hai bàn tay trắng. Tại trời Âu, tôi phải làm công việc bán kem vào ban ngày khoảng 8 tiếng, còn buổi tối thì chăm lo cho các con. Thỉnh thoảng, tôi mới nhận lời mời đi hát hay thu âm".
Danh ca Họa Mi thời trẻ
Và Hoạ Mi ở thời điểm hiện tại
Theo chia sẻ của bà, sau khoảng 3 năm như vậy, bà mới tích lũy được một số vốn nhỏ để mở cửa hàng bánh mì. Ngay cả khi đã làm chủ thì nữ ca sĩ cũng tự tay mình làm tất cả các công đoạn để làm ra chiếc bánh, chứ không có thợ.
Khi điều kiện kinh tế tạm ổn, Họa Mi đón chồng con sang Pháp. Chồng danh ca Họa Mi là nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc, ông mắc bệnh về mắt bẩm sinh, thị lực càng ngày càng kém. Khi sang Pháp, chẳng những ông không chữa được bệnh mà còn không có cơ hội làm nghề. Chính điều này đã khiến vợ chồng bà chia tay dù còn yêu nhau.
Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc quay về Việt Nam còn ca sĩ Họa Mi một mình nuôi 3 con trên đất Pháp. Sau đó, bà tái hôn với một người Pháp gốc Việt và rất ít đi hát.
Nghệ sĩ Minh Phượng: Gần 20 năm làm nail, tủi thân khóc khi gặp đồng nghiệp
Nghệ sĩ Minh Phượng là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt Nam. Cùng với Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Nhí, Minh Phượng rất đắt show vào cuối thập niên 1980 kéo dài sang 1990. Vị trí của chị không hề thua kém các đồng nghiệp thành danh.
35 tuổi, Minh Phượng kết hôn với một Việt kiều Canada và định cư tại đây. Thời gian đầu định cư ở Canada, Minh Phượng vẫn đi đi về về Việt Nam, chạy show rất nhiều. Tuy nhiên, sự vắng mặt thường xuyên của nữ nghệ sĩ trong gia đình đã khiến chồng chị ngoại tình.
Ly hôn chồng, Minh Phượng bắt buộc phải ở lại Canada thường xuyên để chăm sóc con cái, gia đình. Việc lui dần khỏi sân khấu khiến cuộc sống của nữ nghệ sĩ gặp vô vàn khó khăn.
Hiện tại, Minh Phượng về Việt Nam điều trị sau cơn đột quỵ
Nghệ sĩ Minh Phượng từng kể: "Đời sống nghệ thuật trong cộng đồng người Việt nơi tôi sống thưa thớt không giống ở Mỹ. Tôi từ bỏ cái tôi nghệ sĩ chấp nhận vai trò người thợ làm nail. Hễ gặp người Việt Nam hỏi có phải nghệ sĩ Minh Phượng không tôi đều lảng tránh".
Có lần, nhóm nghệ sĩ Việt Nam qua Canada lưu diễn, tình cờ gặp Minh Phượng, chị tủi thân chảy nước mắt và nói rất nhớ nghề. Suốt 17 năm, nghệ sĩ Minh Phượng tần tảo nuôi con bằng nghề nail. Khi tiệm nail Minh Phượng làm việc suốt 17 năm bị đóng cửa, Minh Phượng lo lắng, stress tới đột quỵ.
Con lớn của chị phải nghỉ học để đi làm, vừa lo sinh hoạt phí trong nhà, vừa lo cho em được đi học, vừa lo cho mẹ nằm viện. Mọi khó khăn chỉ giảm bớt khi Minh Phượng quyết định về Việt Nam theo lời khuyên của gia đình để chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu.
Đạo diễn Quốc Thảo: Nghe điện thoại của Hồng Vân, Thành Lộc ở Việt Nam sang là sợ lắm!
Đạo diễn Quốc Thảo thuộc thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu cùng thời với Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Ái Như, Thành Hội, Thanh Thủy, Kim Xuân, Minh Nhí... Sau biến cố sân khấu kịch Trần Cao Vân bị đóng cửa, Quốc Thảo quá buồn mà quyết định đi Mỹ để thay đổi môi trường sống.
"Qua đó, tôi làm rất nhiều nghề. Từ làm bếp, phụ nêm nếm thức ăn Việt Nam cho các nhà hàng đến làm nail. Mỗi lần có thợ mới vô là tôi sợ vô cùng. Thế nào họ cũng chỉ mặt mình nói nghệ sĩ mà đi làm nail. Cứ mỗi lần có khách vô, nhận ra mình lại hỏi: ‘Trời ơi, sao nghệ sĩ mà lại đi làm nail’.
Nghe họ nói, tôi rất buồn... nhưng mình tự động viên ‘thôi kệ, đây là giai đoạn mình rèn luyện thêm sự kiên nhẫn, chịu đựng để học hỏi’. Vậy là lại cố gắng ở lại", đạo diễn Quốc Thảo chia sẻ.
Đạo diễn - nghệ sĩ Quốc Thảo từng có 10 năm ở Mỹ, mưu sinh bằng công việc làm nail, nếm đồ ăn ở nhà hàng bán thức ăn Việt
"Cuộc sống bên Mỹ khó khăn lắm. Mình khi ấy gần 40 tuổi rồi, phải bắt đầu lại từ đầu. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền mưu sinh. Thế mà tôi lì lắm, cứ ráng chịu. Gần 10 năm tôi ở bên đó là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp. Nhờ công việc thử đồ ăn, tôi có tiền đóng học phí và sinh hoạt.
Rồi tôi và bà xã mở tiệm nail. Ngày làm nail, tối đi học tới 10 rưỡi mới về. Nhưng số phận sinh tôi ra không phải để làm công việc này. Tôi đi làm mà lòng buồn hiu hắt vì nhớ nghề. Nhất là những khi có bạn bè ở Việt Nam qua diễn, điện cho mình đi xem là tim muốn thắt lại.
Bởi vậy, mỗi lần nghe điện thoại của Hồng Vân, Thành Lộc... ở Việt Nam sang là tôi sợ lắm. Không đi thì không được mà đi thì buồn. Nhất là lúc tiễn bạn ra sân bay về Việt Nam, trên đường lái xe về nhà, tôi không khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra.
Cô đơn khủng khiếp. Các bạn được về với gia đình, được làm nghệ thuật còn mình thì đi làm nail. Nghề nail không có gì xấu cả nhưng sở thích, đam mê của tôi không nằm nơi đó. Tôi nhận ra, cái nghiệp của mình phải là làm sân khấu, mình không thể làm nghề khác được. Và đó là động lực thôi thúc khiến tôi phải trở về", anh kể tiếp.
Quốc Thảo cho biết, suốt 10 năm ở Mỹ, thỉnh thoảng anh cũng về Việt Nam nhưng mỗi lần về đều âm thầm, không liên lạc với ai. Anh trốn tất cả mọi người vì tủi thân, chạnh lòng.
Về Việt Nam, anh mở sân khấu kịch mang tên mình. Anh cũng là đạo diễn của nhiều gameshow được khán giả yêu thích như Gương mặt thân quen, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Lò võ tiếu lâm, Ai cũng bật cười... Cuộc sống của anh từ khi về Việt Nam hạnh phúc hơn rất nhiều vì được làm nghề và gần gia đình.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Ngôi làng nhỏ toàn biệt thự triệu USD tại Mỹ, để sống dư dả phải có thu nhập ít nhất 853000 đô
Sagaponack là ngôi làng nhỏ với số cư dân chỉ 322 người nhưng nổi bật là nơi có giá bất động sản đắt nhất Bờ Đông và đắt thứ hai tại Mỹ.