Nghĩ về tiền Nhật!
Ta đang sống ở Nhật, tiêu “Tiền Nhật” nhưng tương lai của đa số chúng ta sẽ là ở Việt Nam, vậy nên hãy trở về, trở về mạnh giỏi! Về để kể cho thế hệ đi sau về “chuyện tiền Nhật”!
19:00 30/09/2020
Hàng tháng, cứ đều đặn vào ngày Hai lăm, công ty tôi trả lương qua thẻ cho bọn tôi. Đặc thù công ty xây dựng nên bọn tôi sống ngoài công trường là nhiều, có khi mấy tháng mới về công ty một lần, rút lương xong tiêu hết lâu rồi mới nhận được bảng lương, vì có gặp ai đâu mà nhận, chính vì vậy, giây phút hồi hộp nhất chính là lúc đối mặt với cây ATM để rút tiền lương….
Như thường lệ, cứ đến ngày đó là tôi và thằng em cùng phòng lại đạp xe đèo nhau phi như bay từ nhà ra chỗ rút tiền. Tôi bé hơn ngồi sau, thò chân đạp chung với nó cho đỡ mệt, khung cảnh dễ khiến người ta liên tưởng đến những Couple thời học sinh áo trắng đèo nhau đi học về, chỉ muốn con đường trở nên xa hơn để được gần nhau lâu thêm chút, vì chỉ mấy tiếng đồng hồ xa nhau cũng là dài vô tận đối với tình yêu học trò. Nếu không có mùi chua chua bốc ra từ cánh của thằng cu em thì có khi thế thật.
Lúc ấy định hỏi nó coi mi sinh nhật ngày mấy để anh mua tặng cục phèn nhưng sau lại thôi, vì sợ nó giận. Đi làm, nghe mấy thằng Nhật càu nhàu liên miên, sắc mặt thì lúc nào cũng câng câng như cái thớt o Thìn hay dùng để chặt thịt lợn bán trên chợ, vậy mà còn chịu được gần ba năm, vẫn nhe răng cười được mỗi ngày thì cố thêm dăm ba phút có thấm vào đâu. Huống hồ lại là trên đường đi lấy tiền, người ta bảo, có chiến quả nào mà không mất mát, đau thương, hehe =))))
Lấy được tiền, chả thèm đếm, nhét ngay vào ví rồi lại ra đạp xe về. Trên đường về, thấy có trách nhiệm phải bảo vệ cái ví hơn bao giờ hết, thỉnh thoảng lại sờ sờ mân mân để chắc mẩm nó vẫn còn ở đó, đến khúc siêu thị thì nhảy tót xuống chia mỗi thằng một đường đi mua tả pí lù các thứ đồ ăn, nhu yếu phẩm…. Lần nào như thế thằng em nó cũng mua cho tôi vài lon bia, bảo uống vài lon học bài cho nó vào =))). Đúng là thương nhau như thế bằng mười hại nhau.
Ở Nhật, ngoài một số người có buôn bán thêm hoặc mở ra kinh doanh riêng thì hầu hết anh chị em làm công ăn lương. Dù trả lương theo hình thức nào (時給、日払い、月給、…) thì tính toán lại vẫn thấy người Nhật họ căn cứ vào lương tối thiểu vùng (quy định theo giờ) để trả, hơn thua nhau không đáng kể. Có nghĩa là càng làm nhiều giờ thì lương sẽ càng cao, không có ngoại lệ. Mỗi khi có ai đó bảo lương họ xấp xỉ ba mươi Vạn, hay du học sinh đi làm hai ba việc một lúc, tôi thấy ngưỡng mộ họ, vì họ đã đổ mồ hôi công sức nhiều, rất nhiều. Công ty tôi thuộc nhóm Trung bình trên về thu nhập, trừ chi phí ra, tiết kiệm hết mức thì tháng cũng dư ra được 10 Vạn. Theo bài toán “đếm cua trong lỗ” của các cụ thì đem nhân với 35 tháng nó sẽ ra 350 vạn, khoảng 700tr VND, trừ 200 tiền vốn thì để ra được 500. Nhưng đã có khá, có trung bình thì tất nhiên sẽ có dưới trung bình, yếu, kém và ở lại lớp, à nhầm, rất kém…..
Vậy cho nên nếu bạn vay lãi vài trăm triệu để đi Nhật mà không tìm hiểu chút thông tin gì, hoặc giữ cái suy nghĩ “đi được là được” thì chẳng khác nào bạn ngồi chơi một canh bạc mà bài chưa được phát ra bạn đã tố mẹ nó tất cả rồi! Lúc ấy, trừ khi bạn có “Công năng đặc dzị” như anh Tinh trong film Thần bài, bằng không bạn sẽ phải phó mặc tất cả cho Số mệnh-một thứ bất công, ẩm ương và đối với nhiều người là mất dạy. Thật buồn là tôi có một người bạn như vậy, đó là anh Thưởng.
Anh Thưởng quê Hà Nam, sinh năm 87, tuổi Đinh Mão. Hình như tôi có duyên nên hay chơi với các anh tuổi này, hay trêu các anh là tuổi “mèo hen”, có tài nhưng éo biết dùng cái tài ấy vào đâu. Mấy ông ấy bảo Messi,Benzema,Suarez ….cũng 87 đấy, chẳng qua anh chưa gặp thời. Ờ thì đợi đến lúc các anh gặp thời chắc tôi cũng lên ngồi với các cụ ở một vị trí View đẹp nhất nhà rồi =))))
Anh Thưởng tôi cũng đi đơn xây dựng, qua công ty TMS, sang sau tôi hai tháng. Công việc của anh ổn định, làm thêm nhiều, thứ Bảy nào cũng làm, chủ Nhật rảnh rỗi thì nó tạo điều kiện cho đi rửa xe với vệ sinh công xưởng. Cuộc sống của anh cũng tốt, thu nhập ổn định 8man7 một tháng, công ty gồm thằng Giám đốc, thằng senpai Việt Nam và anh. Làm Tole chịu lực đã nóng gần chết lại còn suýt bị nó tẩn cho mấy lần nên làm được 8 tháng thì anh lên đường nhập ngũ (nhập ngũ hay đi bộ đội là tiếng lóng của anh em bên này, nói về việc bỏ ra ngoài làm bất hợp pháp). Các cụ dạy “thăm ván bán thuyền” nhưng anh tôi thì chỉ mới biết chỗ đó người ta có bán ván là anh đã kêu người đến bổ mẹ nó thuyền ra lấy củi đun rượu uống rồi. Nói cách khác là anh bỏ ra ngoài làm mà không có sự chuẩn bị nào cả, thành ra sau này công việc của anh lận đận vô cùng. Nghĩ đến anh Thưởng, nhiều lúc tôi muốn hỏi Trời cao kia rằng công bằng ở đâu khi đối đãi với một người chân thành, chịu khó và đàng hoàng như anh một cách khốn nạn như vậy?
Sang hơn hai năm, anh Thưởng tìm được người phụ nữ của đời mình, chị hơn anh hai tuổi. Họ dường như là mối tình đầu của nhau, một mối tình nở muộn đẹp tê tái cho đến khi chị báo tin chị có em bé! Khỏi phải nói anh vui đến thế nào khi nghe tin đó, và rồi chị phải về trước khi hết hạn hợp đồng. Tôi bàn anh ở lại gắng cày cuốc thêm ít lâu cho hết nợ rồi hẵng về, hoàn thành cái trách nhiệm của thằng đàn ông, cưới xin tính sau vì xã hội người ta như thế cũng nhiều. Nhưng anh quyết định về, về để cưới, để hoàn thành một trách nhiệm khác của thằng đàn ông, lớn lao và khốn nạn hơn. Trò đời, bàn lắm thì nát, tôi tôn trọng quyết định của anh dù vẫn canh cánh trong lòng là anh đi hai năm hai tháng về vẫn không đủ tiền trả nợ, Nhật với chả Pháp….
Sống đất Nhật, nơi vật giá đắt nhất nhì Thế giới, thời mới sang mua cái gì cũng lẩm nhẩm nhân hai lên rồi bảo “đắt hè”, nhưng cũng phải mua vì chẳng còn cách nào. Chỗ công ty thằng em họ tôi, anh em còn tiết kiệm đến mức đạp xe 10 cây số cả đi và về ra siêu thị đông lạnh mua đồ ăn cho rẻ. Mỗi lần đóng một thùng ăn nguyên cả tuần có khi còn dư. Anh em bảo là tiết kiệm bạc về Việt Nam mà tiêu chứ tiêu như bọn Nhật làm cùng thì ở bên này không đủ sống chứ đừng nói dư, vì cứ đến cuối tháng là lại thấy bọn nó ra xin thuốc anh em Việt Nam. Điếu hút điếu giắt tai, có thằng còn xin thêm đôi điếu bỏ hộp tối về hút ăn cho ngon cơm. Ngồi nói chuyện về tiền, bảo lương hơn 13 vạn mà tháng nào cũng gửi về 10 vạn bọn nó bảo nói dối =))))
Đấy là lúc có tiền. Còn có hôm hết sạch tiền, anh Thưởng qua chơi, chả biết lấy gì để đãi anh, tôi bàn anh gom tất cả đồng 1¥ trong cái thùng nhựa to bằng nửa cái bàn ăn cơm của hai thằng tôi ra đi mua đồ. Mua ở chỗ có nhân viên đếm thì phiền người ta nên tôi nghĩ ngay đến siêu thị Belx cách nhà khoảng cây số, nó thanh toán bằng máy nên cứ bỏ tiền vào là được. Đếm bạc xong, được đâu hơn 1200¥, đựng trong cái túi đựng áo mưa màu xanh, tầm hơn một cân, đạp xe đi. Ra mua đồ, anh chọn đồ, tôi tính, lẩm nhẩm cộng VAT, căn vừa đủ đâu đấy hơn Sen là xách ra thanh toán. Quầy thanh toán khá vắng, tôi và anh mơ màng nhìn em nhân viên tính tiền rồi mở cái túi xanh “bảo bối” của chúng tôi ra chờ sẵn. Em nhân viên bảo thanh toán ở quầy số 2, bọn tôi ra quầy đó thi nhau bốc từng nắm đồng 1¥ thả vào cái lỗ nhỏ bằng miệng ly uống nước, được đến lượt thứ 5 thì máy báo lỗi, màn hình hiện lên thông báo bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, Tiếng Hàn, Tiếng Tàu và phát ra một âm thanh báo lỗi rất chói tai. Anh hỏi tôi:
– Đọc xem chữ gì đấy?
Tôi biết máy bị nghẹn rồi nhưng vẫn cố chờ vì nghĩ mình bỏ nhanh quá, đợi tí là xong, quay ra bảo anh:
– Chúc mừng năm mới!
– Nay mới cuối tháng 5 mà- Anh thắc mắc.
– Vậy thì chắc là Thi đua lập thành tích chào mừng Quốc tế thiếu nhi.
Đang bốc phét với anh thì em nhân viên bán hàng, Trưởng siêu thị và một ông kỹ thuật đi lại phía chúng tôi, nhờ xê ra để họ xử lý sự cố, trên màn hình hiển thị chúng tôi đã bỏ được 96 đồng 1¥. Tay kỹ thuật mở nắp hộp đựng tiền, ông Trưởng siêu thị xin lỗi rối rít, tôi bảo không sao. Nắp hộp tiền vừa mở ra, những đồng 1¥ rớt loảng xoảng xuống đất, khay đồng 1¥ đã chật ních, bên trên là một đống tiền của bọn tôi được đẩy xuống nhưng máy nó không chứa được thêm nên nó báo lỗi. Hiểu ngay ra vấn đề là máy này chứa tiền bằng khay chứ không phải bằng hộp như tôi từng nghĩ, nó chỉ chứa được đúng 100 tờ xu mỗi mệnh giá là hết cỡ, kế hoạch của chúng tôi phá sản. Anh Thưởng cố nhặt những đồng 1¥ nằm chỏng chơ dưới đất, ông Trưởng siêu thị hỏi rồi nhìn vào bao tiền trên tay tôi:
– Quý khách vừa cho tất cả tiền lẻ đúng không ạ!
– Vâng! Là tôi!
– Cảm phiền quý khách thanh toán bằng tiền mệnh giá khác, rất mong quý khách thông cảm!
– Rất tiếc là tôi không mang theo ví, tôi tưởng thanh toán bằng tiền này được nên đem đi cho đỡ chật nhà!-tôi chống chế, lúc xung quanh đã có rất nhiều người để ý đến chúng tôi.
Anh Thưởng gom xong tiền, máy cũng sửa xong, ra thương thảo với em siêu thị là anh về nhà lấy tiền, chú cứ để hàng lại đó cho anh. Ra về trong ánh mắt chú ý của nửa cái siêu thị, giá mà Tarzan quấn khố từ rừng đi xuống chắc cũng chỉ thu hút được bằng đó sự hiếu kỳ, tất nhiên là pha lẫn cả khinh nhờn, tiền với chả bạc… Về nhà gọi thằng bạn chuyển cho mấy Vạn, nó bảo đang ngồi với người yêu nhưng vẫn ép bằng được ra ngân hàng chuyển khoản, chuyện yêu đương của chú thấm vào đâu so với cái danh dự đang trên đà lao dốc của anh. Cầm tiền trên tay, quay lại siêu thị cũ, mua thêm đống đồ và lấy lại cả gói đồ hơn Sen đang nằm ở một vị trí trang trọng và thu hút những ánh nhìn của người qua lại. Có mấy tờ Man trong túi, dáng đi trông nó cũng chững chạc hẳn, mặc dù là tiền đi mượn. Nói như thằng em ở quê là “cầm vài trăm bạc trong người, nói câu nó cũng tự tin bác ạ”, hehe.
Để thay cho lời kết, nếu có ai đó hỏi tôi là có nên đi Nhật không thì câu trả lời của tôi là có. Nếu bạn không có một công việc ổn định và có tương lai ở Việt Nam thì nên đi, vì dù sao thì cũng vẫn sẽ cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị hơn ở Việt Nam. Nhưng trước khi đi thì hãy tìm con đường phù hợp với mình nhất, thực tế nhất và cố gắng mà vượt qua. Sống và làm việc ở Nhật thì ai cũng sẽ có những bất mãn riêng, đa phần là công việc, cuộc sống, sự cô đơn, ….
Còn với những người họ có thể hoà nhập tốt với nước Nhật, họ yêu Nhật thì có khi họ lại bất mãn với chính mình vì không đến Nhật sớm hơn, không được ở lại lâu hơn hay là không được sinh ra ở đây đi cho đỡ mất thời gian đi xin Visa cũng nên, tôi không ở hoàn cảnh của họ nên không biết được.
Với các anh em đang có ý định đi Nhật, tôi chỉ muốn nói với anh em rằng hãy cố học tiếng Nhật cho tốt, và đừng mơ mộng để rồi vỡ mộng, Nhật không ngon như người ta đồn đâu. Và trong thời gian khi đang đi học bên Việt Nam hay chờ bay thì bỏ ngay cái tâm lý tiêu tiền cho sướng rồi sang bên này làm trả, tiền đang đi vay thì khoan vội “vung”. Đừng “tưởng” bất cứ điều gì, vì “Tưởng” sau khi đánh thua Mao đã chạy sang Đài Loan và chết già bên ấy rồi, không có ở Nhật!
Còn với anh chị em đang ở bên này, chỉ dám chúc anh chị em mạnh khoẻ và thành công trong cuộc sống. Chúc vạn điều bình an. Ta đang sống ở Nhật, tiêu “Tiền Nhật” nhưng tương lai của đa số chúng ta sẽ là ở Việt Nam, vậy nên hãy trở về, trở về mạnh giỏi! Về để kể cho thế hệ đi sau về “chuyện tiền Nhật”!
Hết!
Nguồn : Anh fuho.
Chiến dịch của cô sinh viên Nhật Bản nhằm loại bỏ quảng cáo mang tính body shaming
Aoi Murata, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba tại Đại học Nghệ thuật Akita, đã tích lũy được hơn 46.000 chữ ký vào đầu tháng 9 để ủng hộ chiến dịch mà cô bắt đầu vào tháng 4 nhằm loại bỏ tận gốc những hình ảnh quảng cáo mang tính phân biệt đối xử về ngoại hình của con người.