Nghịch lý ở đời: Phạm Nhật Vượng vay tiền lái xe, bầu Đức tiền "xài 3 đời" lại không hưởng thụ

Tuy sở hữu khối tài sản được cho là giàu nhất nhì ở Việt Nam, thậm chí "xài 3 đời chẳng hết" nhưng những tỷ phú bên dưới lại có cách tiêu tiền cũng như quan niệm về đồng tiền rất đặc biệt.

08:04 29/10/2022

Nếu như cuộc sống đang còn bấp bênh, chật vật kiếm sống từng ngày thì người ta hẳn sẽ ao ước có thật nhiều tiền, rồi nghĩ đến cảnh được hưởng thụ.

Vậy còn những người giàu có, khi họ kiếm ra tài sản “xài 3 đời không hết” thì sẽ làm gì tiếp theo? Câu trả lời là vẫn tiếp tục làm việc, thậm chí là ngày càng hăng say, bền bỉ không biết mệt mỏi là gì bởi lúc này họ không phải làm để kiếm tiền, mà làm việc để thỏa mãn đam mê, được chiến thắng chính mình của ngày hôm qua. 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Nhắc đến cái tên Phạm Nhật Vượng hẳn nhiều người đã không còn quá xa lạ. Ông là tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2011. 

hình ảnh

(Ảnh Zing News)

Giàu có, thành công và có địa vị khó ai sánh bằng nhưng trong một bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2018, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cho rằng ông xem tiền là phương tiện để mình làm việc. 

“Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời.

Ví dụ như bây giờ mục tiêu là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được?

Cứ cho là mình không phải là số 1 nhưng bét ra cũng vào top 5, top 10 đi. Những cái đó sẽ mang lại thương hiệu cho đất nước mình. Tóm lại, tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ. 

hình ảnh

(Ảnh Vietnambiz)

Có thể thấy khi đã đạt đến một cái ngưỡng về giá trị tài sản, địa vị trong xã hội thì ông mong muốn sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời thay vì chỉ chăm chăm làm kiếm tiền như trước. Tham vọng của ông là mong muốn tạo ra những thương hiệu sánh tầm quốc tế, giúp Việt Nam có thể ngày càng phát triển và không thua kém cường quốc nào. 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng cho rằng điều ông mong muốn là đến cuối đời nhìn lại xem bản thân đã làm được những gì bởi có giàu có mấy thì cuối cùng cũng về với cát bụi. “Điều tôi luôn tự nhủ với mình là tóm lại đến cuối đời mình làm được cái gì. Mình có cầm được một đống tiền đi sang thế giới bên kia không? Tôi vẫn hay nói đùa với anh em là tôi mà sang bên kia chỉ cần hai tay hai vali vàng mã là đủ rồi, hơn cũng không cầm theo được”.

Người xưa từng nói rất thấm thía “Tiền tài như phấn thổ”, ý nói những gì mua được bằng tiền cũng có thể dễ dàng mất giá và đồng tiền cũng sẽ tan thành bụi đất, không phải là giá trị vĩnh hằng. Với nhiều tỷ phú, sau khi đã chạm đến ngưỡng thành công, họ lại thường có suy nghĩ cống hiến, đóng góp gì cho đời. Bill Gates đã mong muốn dùng hết tài sản để từ thiện cho đời là vậy. 

hình ảnh

(Ảnh VietNamNet)

Một chi tiết đặc biệt về tỷ phú này là cách ông tiêu tiền. Hẳn nhiều người sẽ nghĩ trong người ông Phạm Nhật Vượng luôn có nhiều tiền, cần mua gì là có ngay chẳng phải đắn đo. Tuy nhiên, theo lời tiết lộ của tỷ phú này, ông thường xuyên… vay tiền của lái xe để mua đồ. 

“Trong người tôi không bao giờ có đồng nào, khi đi ra ngoài cần tiêu gì đấy lại phải mượn lái xe”, ông Vượng tiết lộ. 

Một nghịch lý thường thấy ở đời là nhiều người phủ vàng kín người, hay khoe mẽ tài sản nhưng thực chất lại là “thùng rỗng kêu to”. Trong khi đó, người giàu có thực thụ lại thường kín tiếng, hiếm khi phô trương tài sản của bản thân. 

Thời buổi này, bước ra đường thấy người ăn mặc chỉnh tề, xách cặp táp sang trọng nhưng chưa chắc là đại gia. Còn người ăn mặc tuềnh toàng, áo thun quần jean đơn giản có khi lại là chủ tịch, giám đốc sở hữu tài sản tính bằng đô la. 

Giàu có là vậy nhưng cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng nuôi dạy 3 người con rất nghiêm khắc. Ông muốn giáo dục các con chăm chỉ lao động, biết quý trọng đồng tiền và đặc biệt là không được ỷ lại vào gia đình. Người ta hay nói, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có thường phải nỗ lực để “vượt sướng”, thoát ra khỏi cái bóng giàu có quyền lực của bố mẹ để tự lập, kiếm tiền từ chính sức lao động của mình. 

“Quan điểm của tôi là các cháu phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện. Như cậu con trai đầu, ngày xưa ở bên Ukraine sân nhà tôi rất rộng, đến mùa hè tôi mua một xe gạch về đổ xuống sân, cháu và mấy đứa bạn cứ chở từ đầu này đến đầu kia, sắp xếp xong là được 100 đô. Cứ vậy mà làm miệt mài cả mùa hè. Ngay bây giờ cũng thế, cũng phải lao động cật lực ‘đi làm hùng hục, đi công tác suốt ngày, đi xuống cơ sở ngồi làm, không thể khệnh khạng được’”, tỷ phú từng chia sẻ. 

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức

Từng lọt top doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, ông Đoàn Nguyên Đức có lần cho biết bản thân ông làm việc bất kể ngày đêm không chỉ đơn thuần là vì tiền. Ông cũng từng cho biết bản thân có rất nhiều tiền, thậm chí xài 3 đời không hết. 

"Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ", bầu Đức chia sẻ.

Có những người quần quật làm việc để mong giàu có, được hưởng thụ cuộc sống tốt nhất. Nhưng có những người đã chạm đến thành công, giàu có thì họ lại làm việc vì đam mê. Có lẹ bầu Đức thuộc trường hợp thứ hai. 

hình ảnh

Dù thành công nhưng bầu Đức vẫn làm việc không mệt mỏi. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Doanh nhân 6X từng khởi nghiệp với nghề gỗ, thủy điện, khoáng sản, bất động sản, nông nghiệp, chăn nuôi… nhưng nếu để gọi là thành công và giúp ông được biết đến rộng rãi có lẽ là mối duyên với bóng đá. 

Câu chuyện về hành trình khởi nghiệp, gặt hái thành công của ông Đoàn Nguyên Đức cũng rất đặc biệt và xứng đáng là tấm gương để nhiều bạn trẻ noi theo. Được biết, ông sinh ra trong gia đình đông con ở xã Nhơn Mỹ, huyện An nhơn, tỉnh Bình Định. Mẹ của ông phải vất vả, tần tảo làm ruộng nuôi 10 người con. Những bữa ăn phải độn thêm khoai, sắn là động lực thôi thúc bầu Đức phải chăm chỉ làm việc, kiếm nhiều tiền để lo cho bản thân và gia đình. 

hình ảnh

(Ảnh VNE)

Tuy vậy, bước đầu khởi nghiệp của bầu Đức đã gặp nhiều khó khăn, thử thách. Khăn gói vào TP.HCM sau khi tốt nghiệp THPT, ông từng thi trượt đại học đến 3 lần. 

Năm 1990, ông tích cóp được ít tiền và bắt đầu khởi nghiệp với việc kinh doanh phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh ở quê nhà. 

Đến khi ít nhiều gặt hái thành công, ông dần mở rộng sang trồng và chế biến gỗ, mủ cao su, sản xuất đá granit. Thừa thắng xông lên, tập đoàn của bầu Đức kinh doanh thêm cả du lịch, địa ốc… 

Vốn là người có tình yêu dành cho bóng đá, năm 2001, ông Đoàn Nguyên Đức đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho bóng đá. 

hình ảnh

Bầu Đức từng chia sẻ tiền kiếm được "xài 3 đời không hết". (Ảnh Thanh Niên)

Ông được xem là người Việt Nam đầu tiên bỏ tiền mua máy bay với giá lên đến hơn 7 triệu USD. Vụ này càng giúp tên tuổi của ông xuất hiện nhiều trên truyền thông và nhiều người biết đến cái tên “bầu Đức”. 

Sau này, ông còn chuyển sang kinh doanh chăn nuôi với mô hình trồng chuối và nuôi lợn. "Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", bầu Đức chia sẻ. 

Bầu Đức tự hào khẳng định về heo của mình là “độc nhất vô nhị” vì được nuôi hoàn toàn bằng hữu cơ, cụ thể ở đây là chuối. "Lúc mới nuôi tôi cũng tìm hiểu về các loại cám, nhưng sau này mới thấy trong cám thường có chất tăng trọng sẽ khiến chất lượng heo không mấy khác biệt”, bầu Đức chia sẻ. 

Thành công từ mô hình “1 cây 1 con” từ việc trồng chuối kết hợp nuôi heo giúp công ty của bầu Đức mỗi ngày lãi được khoảng 4 tỷ/ngày. 

Tài sản ngày càng tăng, quy mô kinh doanh ngày càng mở rộng đến nỗi “tiền xài 3 đời không hết” nhưng bầu Đức vẫn miệt mài làm việc không ngừng nghỉ trong mấy chục năm nay. Ông đi lên từ nghèo khó, nhờ bền bỉ, chăm chỉ và gặp thời nên đạt được vị trí đáng ngưỡng mộ như hiện tại. Trên con đường của thành công không có bước chân của người lười biếng là vậy đấy. Nếu bạn dốc hết tâm sức để làm việc thì sẽ có ngày tận hưởng thành quả xứng đáng.

hình ảnh

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu nói “Tiền nhiều để làm gì?” của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Có người cho rằng kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ, lo được cho gia đình cũng như có tiếng nói, địa vị trong xã hội. Còn nhiều người sau khi đã phần nào chinh phục được khát vọng làm giàu của bản thân thì lại mong muốn mang lại giá trị tích cực, cống hiến điều tốt đẹp cho đời.

Có đại gia sẽ miệt mài từ thiện, hào phóng cho đi gần hết tài sản tích cóp cả đời. Có người sẽ lại tiếp tục làm việc nhưng không phải vì áp lực làm giàu, mà là để thỏa đam mê, để tiếp tục vượt qua giới hạn của bản thân. 

Câu chuyện về những đại gia ở trên hy vọng sẽ mang lại một cái nhìn đặc biệt về vấn đề tiêu tiền, kiếm tiền. Họ tuy giàu có nhưng không phô trương bằng việc mang theo nhiều tiền bên người. Họ tuy thành đạt nhưng không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng, mà càng giàu lại càng hăng say, chăm chỉ làm việc.

Tags:
Nghệ sĩ cải lương Bích Thuỷ qua đời sau cơn đau tim

Nghệ sĩ cải lương Bích Thuỷ qua đời sau cơn đau tim

Nghệ sĩ Hữu Tài - chồng của nghệ sĩ Bích Thủy cho hay vợ ông đã qua đời khoảng 21h ngày 26/10 tại nhà riêng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất