Nghịch lý ở Nhật Bản: vứt đồ đi quá tốn tiền, người Nhật phải tìm người để cho tặng mà cũng chẳng ai lấy

Có một sự thật được rất nhiều người công nhận, rằng có 2 ngành nghề ở Việt Nam sẽ không có đất “dụng võ” tại Nhật Bản. Đầu tiên là sửa chữa đồ điện gia dụng, và nghề còn lại chính là… thu mua đồng nát.

13:59 17/01/2018

Có một quốc gia kỳ lạ đến thế đấy: đồ không được vứt bừa bãi lại còn tốn tiền, cho thì chẳng ai thèm lấy dù còn tốt. Đất nước ấy là Nhật Bản.

Tại sao ư? Các mặt hàng do Nhật Bản sản xuất đã nổi tiếng trên toàn thế giới về độ bền thách thức thời gian, đặc biệt là đồ điện tử và điện gia dụng. Có những thiết bị phải nói là “nồi đồng cối đá”, dùng cả chục năm vẫn chưa thấy có dấu hiệu hỏng. Trong khi đó, sản phẩm mới được tung ra hàng tháng, hàng quý… Vậy phải làm thế nào?

Ở Nhật, đồ cũ là nên giải tán…

Văn hóa của người Nhật không có khái niệm “dùng đến khi hỏng”. Trái lại, họ quan niệm rằng tuổi thọ của một loại vật dụng chỉ rơi vào khoảng 3 – 5 năm, hoặc cùng lắm là 7 năm. Khi đã cũ, họ sẽ vứt nó đi, và thay thế bằng một vật dụng mới hơn.

Quan niệm này hoàn toàn có lý. Đầu tiên, nó giúp cho nền kinh tế của họ phát triển hơn – vì tăng sức mua. Thứ 2, các loại đồ điện tử và điện gia dụng sau nhiều năm cũng không còn trơn tru nữa, lại gây tốn điện hơn.

Nghịch lý ở Nhật Bản: vứt đồ đi quá tốn tiền, người Nhật phải tìm người để cho tặng mà cũng chẳng ai lấy - Ảnh 1.

Chính vì vậy mà người nước ngoài khi đến sinh sống tại Nhật có rất nhiều lựa chọn khi mua sắm. Họ có thể đến một trung tâm thương mại, mua toàn bộ những vật dụng cần thiết và “mới cáu cạnh.” Người thiếu điều kiện kinh tế hơn thì chỉ cần vài triệu đồng thuê xe vận chuyển là có thể sở hữu đầy đủ nội thất: bàn, ghế, tủ, giường, TV, lò vi sóng… vẫn còn sử dụng tốt. Thậm chí đôi khi còn được lấy miễn phí nữa cơ.

 

… Và nghịch lý: vứt đồ mất nhiều tiền quá, mà cho thì chẳng ai lấy

Bên cạnh câu chuyện “nồi đồng cối đá” kể trên, Nhật Bản cũng nổi tiếng là một quốc gia có hệ thống phân loại rác thải thuộc vào hàng nghiêm ngặt nhất thế giới.

Nghịch lý ở Nhật Bản: vứt đồ đi quá tốn tiền, người Nhật phải tìm người để cho tặng mà cũng chẳng ai lấy - Ảnh 2.

Rác phải được phân loại kỹ càng, vứt đúng nơi quy định và theo khung thời gian nghiêm ngặt

Ở Nhật, bạn không phải muốn vứt gì thì vứt hay vứt lúc nào cũng được, vì mọi thứ đều có quy định hẳn hoi. Rác phải được phân chia kỹ càng theo 4 loại: cháy được – không cháy được – ngoại cỡ – và các loại có thể tái chế như vỏ lon, chai nhựa… Mỗi loại sẽ có một lịch vứt rác riêng, và phải được bỏ trong các túi có màu sắc theo quy định. Bởi vậy, nhiều người không biết bị các công ty thu gom trả lại rác là chuyện thường tình.

Quay trở lại với câu chuyện đồ cũ. Các mặt hàng đồ gia dụng được xếp vào hàng rác ngoại cỡ, và nếu muốn vứt sẽ cần phải liên hệ với các công ty xử lý rác thải. Tất nhiên, họ không làm miễn phí, và chi phí cho mỗi lần xử lý rơi vào khoảng 1.600 đến 5.000 yên tùy kích cỡ và loại vật dụng (tương đương khoảng 400 ngàn đến hơn 1 triệu đồng).

Còn nếu bất chấp mà đem đi vứt, sẽ có nguyên một đội đi điều tra tận nơi và phạt tiền bạn, với mức giá đương nhiên là cao hơn nhiều.

Nghịch lý ở Nhật Bản: vứt đồ đi quá tốn tiền, người Nhật phải tìm người để cho tặng mà cũng chẳng ai lấy - Ảnh 3.

Rẻ không? Thực ra đây là phí bạn phải trả thêm khi muốn vứt các món đồ này đi đấy

Với các gia đình định cư tại Nhật Bản, thi thoảng mới vứt đồ thì không sao. Nhưng với những căn nhà thuê – của người bản địa hay người nước ngoài cũng vậy, đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo nguyên tắc của người Nhật, anh thuê nhà như thế nào, anh phải trả lại nguyên vẹn căn nhà ấy khi rời đi – nghĩa là dọn dẹp sạch sẽ hết. Thế nên người thuê nhà khi muốn chuyển đi sẽ có 3 lựa chọn: tìm người đến cho đồ; đi bán lại cho các cửa hàng đồ cũ; hoặc vứt đi và chịu trả phí.

Nghịch lý ở Nhật Bản: vứt đồ đi quá tốn tiền, người Nhật phải tìm người để cho tặng mà cũng chẳng ai lấy - Ảnh 4.

Khi dọn đi, mọi thứ cũng phải được dọn sạch sẽ

Trong 3 giải pháp này, vứt đi và chịu thêm phí tổn chắc sẽ bị gạch đi ngay từ đầu. Việc cho tặng cũng hợp lý, nhưng không phải ai cũng muốn lấy, vì sự thực là những vật dụng như thế họ cũng đã có rồi, lấy về chỉ tổ… chật nhà và thêm việc khi muốn chuyển đi.

Thế nên, nhiều người chọn giải pháp liên hệ với các cửa hàng đồ cũ để bán lại đồ. Dù mức giá họ trả cho bạn sẽ rất rẻ mạt, không đáng là bao nhiêu, nhưng nhanh gọn và không phải trả thêm tiền để vứt.

Nghịch lý ở Nhật Bản: vứt đồ đi quá tốn tiền, người Nhật phải tìm người để cho tặng mà cũng chẳng ai lấy - Ảnh 5.

Và trong trường hợp cuối cùng là trả phí, thì có một điểm cần phải lưu ý: đồ đã được trả phí để vứt sẽ phải do chính công ty cung cấp dịch vụ đến xử lý. Sẽ không ai được phép lấy nó đi, vì việc đó sẽ khiến công ty phải lãng phí tiền bạc và nhân lực để tìm một món đồ không còn ở chỗ vốn có của nó nữa. Hơn nữa trong trường hợp này, người lấy hoàn toàn có thể bị kiện với tội danh ăn cắp!

Nhật Bản là đất nước kỳ lạ như vậy đấy, cho đồ cũng không ai nhận cơ, và đồ đã vứt đi rồi thì cũng đừng ai động vào.

Nguồn tham khảo: Japan Times, JP Blog, Tokyo Cheap…

Tags:
Giảm 1/2 chi tiêu hàng tháng ở Nhật chỉ với 3 ghi nhớ

Giảm 1/2 chi tiêu hàng tháng ở Nhật chỉ với 3 ghi nhớ

Làm cách nào để có thể tiết kiệm chi tiêu một cách triệt để mà cuộc sống vẫn đầy đủ ở Nhật Bản – đất nước được biết đến là quốc gia tiêu dùng sạch, các mặt hàng ở đây đều có chất lượng vượt trội kèm theo đó là giá cả trên trời so với thu nhập của lao động Việt Nam?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất