Người dân Nhật Bản có thể nhận lương hưu từ tuổi 75
Ngày 29/5, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật sửa đổi cho phép người đủ điều kiện nghỉ hưu có quyền bắt đầu nhận trợ cấp hưu trí từ tuổi 75.
12:00 30/05/2020
Ngoài ra, luật sửa đổi cũng cho phép người làm bán thời gian và những người lao động làm việc không thường xuyên khác tham gia vào chương trình lương hưu của chính phủ.
Hiện tại nhân viên làm bán thời gian chỉ được tham gia chương trình khi họ làm việc trên 20 giờ/tuần tại các công ty có trên 500 nhân viên. Người lao động toàn thời gian phải tham gia chương trình hưu trí bất kể quy mô của công ty nơi họ làm việc.
Dự luật mới đã tăng độ tuổi người lao động có thể bắt đầu nhận trợ cấp hưu lên 75 tuổi. Hiện tại, chính phủ đề nghị người dân bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 65, song cho phép họ được quyền lựa chọn bắt đầu nhận ở tuổi 70 nhằm khuyến khích người lao động làm việc lâu năm hơn.
Nếu người lao động Nhật Bản trì hoãn tuổi bắt đầu nhận lương hưu thêm 5 năm so với mức giới hạn hiện nay, thì lương hưu họ nhận được sẽ cao hơn 84% so với khi bắt đầu nhận lương ở tuổi 65. Cũng theo luật sửa đổi, chương trình lương hưu yêu cầu người sử dụng lao động phải trả một nửa phí bảo hiểm xã hội của người lao động.
Ngoài ra, Luật hưu trí sửa đổi kêu gọi xem xét lại hệ thống hưu trí, cho phép cắt giảm các khoản thanh toán cho những người cao niên còn đang làm việc từ quỹ lương hưu do vấp phải nhiều chỉ trích. Theo đó, những người ở độ tuổi 60 đến 64 có mức lương hàng tháng trên 280.000 yên (2.600 USD) sẽ là đối tượng bị cắt giảm. Tuy nhiên, luật mới lại tăng mức lương tối thiểu lên hơn 470.000 yên cho nhóm tuổi này, ngang với nhóm lao động từ 65 tuổi trở lên.
Dự luật nói trên được thông qua trong bối cảnh hệ thống lương hưu của Nhật Bản được cảnh báo không còn đủ để duy trì sinh kế của người dân trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh chóng trong xã hội hiện nay.
TTXVN
Cái chết thương tâm của bé gái khiến người Nhật "bừng tỉnh" về nạn lạm dụng trẻ em
Cái chết của bé gái 5 tuổi Yua Funato ngày 2/3/2018 đã khiến chính phủ Nhật Bản sau đó phải ban hành luật sửa đổi, cấm cha mẹ và người giám hộ phạt con trẻ bằng đòn roi.