Người phụ nữ được Nhật hoàng hứa 'bảo vệ bằng mọi giá'

Khi Masako Owada kết hôn với Thái tử Naruhito năm 1993, nhiều người lo ngại rằng bà có thể phá vỡ truyền thống 2.600 năm của hoàng gia.

06:00 25/10/2019

Nhưng ngược lại, những truyền thống bó buộc và kỳ vọng quá lớn của hoàng gia đã khiến bà, một phụ nữ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, từng theo học tại Harvard và Oxford và sống nhiều năm ở nước ngoài, gần như sụp đổ.

Thái tử Naruhito đã theo đuổi Masako, con gái lớn của nhà ngoại giao Nhật Bản Owada Hisashi, suốt 6 năm, dù các thành viên hoàng gia tìm cách ngăn cản mối quan hệ giữa hai người, đồng thời tìm cách giới thiệu ông với những cô gái "trâm anh thế phiệt" đến từ những gia đình tinh hoa truyền thống. Tuy nhiên, Naruhito cương quyết chống lại điều này.

Trong một lần đi dạo cùng Masako trước khi đính hôn, Thái tử Naruhito hứa rằng: "Ta sẽ bảo vệ nàng bằng mọi giá". Thái tử Nhật Bản đã phải đấu tranh trong nhiều thập kỷ để giữ lời hứa này.

Sau khi cưới Thái tử Naruhito, Masako nói muốn đảm nhận sứ mệnh ngoại giao với tư cách là công nương Nhật Bản để quảng bá hình ảnh và lợi ích của đất nước trong các chuyến công du nước ngoài.

Thái tử Naruhito (trái) và công nương Masako (phải) trong lễ cưới tháng 6/1993 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Thái tử Naruhito (trái) và công nương Masako (phải) trong lễ cưới tháng 6/1993 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Naruhito ủng hộ quyết định của Masako, song điều này không tác động được đến Cơ quan Nội chính Hoàng gia (Kunaicho). Masako bị cấm ra nước ngoài trong nhiều năm vì họ cho rằng việc di chuyển nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ chính của bà là sinh con trai nối ngôi.

Việc kiểm soát của Kunaicho trở nên gắt gao hơn sau khi Masako bị sảy thai năm 1999. Masako sinh được người con duy nhất năm 2001, nhưng đó là một bé gái có tên Aiko.

Theo luật pháp Nhật Bản, chỉ nam giới mới được thừa kế ngôi báu và áp lực sinh con trai ngày càng đè nặng lên vai Masako. Một năm sau khi Aiko ra đời, Masako được chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh, một chứng bệnh tâm thần liên quan đến trầm cảm hoặc áp lực kéo dài.

Tình trạng bệnh tật của Masako được công khai năm 2004 và Thái tử Naruhito lần đầu tiên nói thẳng những xích mích với Kunaicho. "Vợ của ta rất đau khổ khi không được phép ra nước ngoài trong một thời gian dài. Nàng đã bị kiệt sức khi cố gắng thích nghi với cuộc sống của hoàng gia", Naruhito nói.

Em trai của Naruhito là Akishino có một người con trai năm 2006, song điều này không đủ để giúp Công nương Masako bớt đau khổ. Bà tiếp tục ẩn mình và sống cô lập trong cung điện trong suốt 25 năm, không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hoàng gia.

Trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 55 vào tháng 12/2018, Masako thừa nhận nỗi lo ngại về vị trí hoàng hậu Nhật Bản mà bà sớm phải đảm nhận. "Đôi khi ta cảm thấy lo lắng về khả năng phục vụ dân chúng. Nhưng ta sẽ cố gắng làm hết sức mình để mang lại hạnh phúc cho họ. Ta rất vui vì giờ có thể dần dần thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn trước", Masako nói.

Masako bắt đầu quay lại đảm nhận những nhiệm vụ chính trong vài năm gần đây. Các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản phụ trách trị bệnh cho Masako nói bà vẫn đang trong quá trình bình phục.

Công nương Masako bế con gái Aiko năm 2002. Ảnh: Kyodo.

Công nương Masako bế con gái Aiko năm 2002. Ảnh: Kyodo.

"Bà chưa bao giờ muốn, dù chỉ một lần, từ bỏ vị trí của mình, nhưng những điều mệt mỏi trong Đông Cung khiến bà mất niềm tin vào bản thân", Naoko Tomonoh, người chuyên theo dõi tình hình hoàng gia Nhật Bản, cho biết.

Phóng viên Shinji Yamashita, người thường xuyên đưa tin về hoàng gia Nhật Bản, cho biết Masako đang muốn nhận công việc nuôi tằm trên sân cung điện, công việc vốn do Thái thượng Hoàng hậu Michiko thực hiện. Thu hoạch tơ tằm là truyền thống trong hoàng gia Nhật Bản có từ 147 năm trước và dường như khác xa những nhiệm vụ Masako từng dự định làm.

"Tôi nghĩ bà ấy hy vọng nhiều vào việc sử dụng tài năng và vị trí của mình trong hoạt động ngoại giao của hoàng gia, song hệ thống không cho phép điều đó. Bà là người có ý chí mạnh mẽ, quyết không đổi ý và phải trải qua căng thẳng trong suốt nhiều năm", theo bác sĩ tâm thần Rika Kayama, người có nhiều bài viết về Masako.

Kayama tin rằng tình trạng của Masako đã được cải thiện phần nào, sau khi ông tận mắt thấy bà cùng Thái tử Naruhito tới dự buổi hòa nhạc tại Tokyo. "Bà ấy trông vui vẻ và tự nhiên. Bà vỗ tay nồng nhiệt và thường trò chuyện với Thái tử", Kayama nói.

Hoàng hậu Masako trên đường đến cung điện hoàng gia tại Tokyo, Nhật Bản ngày 22/10. Ảnh: Kyodo.

Nhật hoàng Naruhito (trái) và Hoàng hậu Masako sau lễ đăng quang hôm 22/10. Ảnh: AP.

Cuộc đời của Masako trong cung điện hoàng gia phản ánh cuộc đấu tranh về quyền, giới tính và truyền thống của phụ nữ Nhật Bản. Quốc gia Đông Á xếp hạng 110/149 trong đánh giá toàn cầu về khoảng cách giới năm 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện. Theo thống kê của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, phụ nữ nước này chỉ nắm 11,5% vị trí cấp quản lý.

Masako được mô tả là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của phụ nữ trong xã hội vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. "Phụ nữ đặc biệt hiểu tình cảnh khó khăn của Masako và muốn hỗ trợ bà. Song thật không may, một số đàn ông lại nghĩ bà là người lười biếng và thích sống ẩn dật", Kayama cho biết.

Masako trở thành tân Hoàng hậu Nhật Bản sau lễ đăng quang "Sokui no Rei" ngày 22/10 của Nhật hoàng Naruhito, bắt đầu thời đại Reiwa (Lệnh hòa), sau khi cha ông là Nhật hoàng Akihito thoái vị hồi tháng 4 vì lý do sức khỏe.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Du học sinh ở lại Nhật thường làm phiên dịch, buôn bán

Du học sinh ở lại Nhật thường làm phiên dịch, buôn bán

Các công việc chủ yếu của du học sinh ở lại Nhật Bản làm việc là biên phiên dịch - chiếm 23,6%; buôn bán, kinh doanh 13,4%; hoạt động liên quan tới nước ngoài 9 %

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất