Người phụ nữ lai Mỹ – Việt và tuổi thơ tủi hờn, cùng hành trình đi tìm mẹ

Năm 1972, một bé gái mồ côi được đưa từ Việt Nam sang Anh làm con nuôi, bắt đầu hành trình được ví như “trò chơi xổ số may rủi”.

09:45 09/10/2022

Suzanne Thi Hien Hook không biết chính xác ngày tháng năm sinh của mình. Tất cả những gì mà người phụ nữ Anh này biết là vào năm 1969, khi cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ bước vào năm thứ 14, cô bị bỏ rơi trên đường phố Sài Gòn lúc còn đỏ hỏn. “Tôi là sản phẩm của cuộc chiến, mẹ tôi là một phụ nữ Việt Nam còn cha tôi là một lính Mỹ da đen”, cô nói với VnExpress.

Sau khi được một viên cảnh sát tìm thấy trong bụi cây, cô bé được chuyển thẳng tới cô nhi viện gần nhất. “Ở đó, người ta đặt tên tôi là Ngo Thi Hien và cho tôi một ngày sinh vào 26/03/1969”, cô kể lại dựa trên những lá thư một y tá tình nguyện người Anh làm việc tại trại trẻ lúc bấy giờ gửi cặp vợ chồng Barbara và Murray Hook, những người sau này trở thành cha mẹ nuôi của bé Hien.

Trong bức thư đề ngày 6/6/1971, y tá Maragret Routh viết bé Hien hai tuổi “suy dinh dưỡng trầm trọng, không đủ sức để nhấc đầu khỏi gối” và “thậm chí không thể ngồi vững”. Theo nữ y tá này, ở trại mồ côi những đứa trẻ lai, đặc biệt con lai của phụ nữ Việt Nam và lính Mỹ da màu, thường là những đứa cuối cùng được nhận đồ ăn.

Khi lên ba tuổi, Hien là một trong những “em bé không vận” rời Việt Nam sang Anh với cái tên mới là Suzanne Thi Hien Hook. “Có vô số trẻ em bị bỏ rơi trong chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, trong số đó, nhiều đứa không thể sống sót. Tôi đã rất may mắn khi thoát khỏi cuộc chiến đó khỏe mạnh”, Suzanne nói.

Không ai biết có bao nhiêu đứa trẻ lai Mỹ – Việt được sinh ra trong hai thập niên chiến tranh nhưng theo thống kê của văn phòng định cư tị nạn Mỹ, kể từ 1988 – 2010, gần 30.000 người Việt đã đi định cư dưới diện con của quân nhân và viên chức Mỹ. Tổ chức hoạt động bảo vệ quyền lợi của con lai Amerasian Fellowship Association ước tính còn khoảng hơn 1.000 “đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú” vẫn ở Việt Nam.

‘Đứa con của quỷ dữ’

Suzanne Thi Hien Hook 6 tháng sau ngày đến nước Anh. Ảnh: NVCC.

Một buổi sáng đầu tháng 9, Suzanne, mặc một bộ đồ trắng với mái tóc đỏ sẫm, ngồi đợi phóng viên ở một góc ngoài trời tại quán café, trung tâm quận 2, TP HCM. Trên bàn, chiếc gạt tàn có ba mẩu tàn thuốc và một nửa điếu đang cháy dở. Khi người phục vụ mang nước ra và dẹp chiếc gạt tàn sang một bên, Suzanne vội ngăn lại. “Tôi cần dùng đến nó”. Trong ba tiếng trò chuyện, cô hút hết một bao thuốc.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng những đứa trẻ mồ côi sau khi được nhận nuôi sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc ở nước ngoài. “Nhưng giống như trò chơi xổ số may rủi, người trúng độc đắc sẽ được một gia đình đầy tình yêu thương bao bọc”, Suzanne nói. “Đáng buồn, cha mẹ nuôi của tôi không phải là những người như vậy”.

Bà Barbara Hook ở nhà nội trợ còn ông Murray Hook là nhân viên mặt đất ở sân bay quốc tế Heathrow. Họ là những người có niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Trước khi quyết định nhận nuôi cô bé lai người Việt, hai vợ chồng đã có với nhau một cô con gái. Gia đình Hook sống trong một khu phố toàn dân da trắng thuộc tầng lớp dưới của xã hội ở thị trấn Hayes phía tây London.

Cha mẹ nuôi của Suzanne hiếm khi kể về Việt Nam. Những lần duy nhất họ nhắc đến đất nước Đông Nam Á xa xôi là những khi họ la hét và đánh chửi đứa con gái nuôi da màu. “Con mẹ Việt Nam của mày không muốn có mày. Các y tá người Việt ở cô nhi viện cũng ruồng rẫy mày. Vì mày là loại tạp chủng.Vì mày xấu xí. Chúng tao đã cứu mày”. Tay run run cầm điếu thuốc và rít một hơi thật sâu, Suzanne bắt đầu hồi tưởng về thời thơ ấu bị cha mẹ nuôi bạo hành về mặt thể xác và tinh thần.

Suzanne Thi Hien Hook chụp năm 1994 ở vùng ngoại ô của London. Ảnh: NVCC.

Năm lớp 3, một hôm đi học về, Suzanne khoe với mẹ bài kiểm tra tiếng Anh đạt điểm A. Cô nhớ đó là lần đầu tiên mẹ vui mừng đến thế. Suốt một tháng sau đó, ngày nào từ trường về, Suzanne cũng thông báo với mẹ rằng mình đạt điểm cao. Nhưng rồi sự thật vỡ lở vào buổi họp phụ huynh. Qua trao đổi với giáo viên, bà Barbara biết sức học của Suzanne chỉ ở mức trung bình và tất cả những điểm A mà con gái khoe đều là nói dối.

“Tôi biết chắc sớm muộn gì mẹ tôi cũng phát hiện nhưng tôi vẫn làm vì muốn bà vui. Khi mẹ vui, tôi cũng vui”, Suzanne dùng ngón tay ấn vào khóe mắt để ngăn nước mắt chảy ra.

Vừa về đến nhà, bà Barbara lôi Suzanne ra khỏi phòng ngủ, kéo cô từ trên lầu xuống. Ở dưới bếp, bà vừa đánh vừa mắng chửi cô là “đứa con của quỷ dữ”. Đêm hôm đó, cô bé 11 tuổi nằm khóc dưới tầng hầm và đi ngủ với cái bụng rỗng.

“Khi đi lễ nhà thờ hay trước mặt hàng xóm, bà gọi tôi là Suzanne nhưng sau cánh cửa nhà, ‘đứa con của quỹ dữ’ là tên gọi của tôi”. Suzanne kể mẹ nuôi thường xuyên trút giận lên cô mà không cần lý do. Suốt thời thơ ấu, gần như hàng ngày, ngoài những trận đòn, Suzanne phải nghe rằng cô không xứng đáng được yêu thương. Cô bé Suzanne chỉ biết cúi đầu chịu đựng và thầm hy vọng “ngày hôm nay sẽ khác ngày hôm qua”.

Năm 18 tuổi, Suzanne dọn ra ở riêng. Cô dành ba năm học nghề đầu bếp, rồi phấn đấu từ vị trí phụ bếp lên bếp trưởng làm việc trên các chuyến tàu du lịch. Bà Barbara không công nhận nỗ lực của con gái. Sau 13 năm làm việc, Suzanne học tiếp lên đại học, mẹ cô vẫn không cảm thấy tự hào. Khi cô mở công ty dịch vụ làm đẹp, bà không quan tâm. Cô trở thành nữ doanh nhân thành đạt rồi kết hôn và sống sung túc với một người đàn ông tốt, bà không đoái hoài. “Năm nay tôi đã 49 tuổi rồi. Mỗi lần nhìn vào trong gương, tôi vẫn tin lời mẹ rằng tôi thật xấu xí”, Suzanne nói dứt lời liền đứng lên đi vào nhà vệ sinh. Cô không muốn khóc trước mặt người khác.

Tìm mẹ

Suzanne Thi Hien Hook tại TP HCM ngày 6/9. Ảnh: Hạnh Phạm.

Trong ký ức của Suzanne, hai tiếng “Việt Nam” gắn với những trận đòn roi vì vậy cô luôn lảng tránh thừa nhận mình là người Việt Nam. Mỗi khi có người gặng hỏi, như nói theo kịch bản có sẵn trong đầu, cô chỉ đáp nhanh rằng mình là con lai Mỹ – Việt. Bạn bè thân thiết hoàn toàn không biết cái tên đầy đủ “Suzanne Thi Hien Hook”. Hơn cả, mỗi khi để tâm trí trôi theo những câu hỏi như “Cha mẹ ruột là người như thế nào?” hay “Mình giống cha hay giống mẹ?”, Suzanne đều cảm thấy buồn bã vì vậy cô cố gắng không nghĩ.

Nhưng càng trốn tránh, Suzanne càng cảm thấy có một khoảng trống lớn trong đời. “Lớn lên với băn khoăn tại sao mình bị bỏ rơi và không được cha mẹ nuôi yêu thương, hầu như cả đời tôi cảm thấy mình bị chối bỏ. Và tất cả những gì tôi muốn là tìm được nhân dạng của mình”, Suzanne nói. “Tôi cần biết mình là ai”.

Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006, Suzanne nghĩ rằng người Việt Nam trông giống cô với mái tóc xoăn xù và làn da đen bóng. Sau hai tuần ở Sài Gòn, cô nhận ra rằng mình đã nhầm. “Tôi bỗng có cảm giác mình chẳng thuộc về nơi nào”. Cảm giác hụt hẫng đó giúp Suzanne hiểu ra rằng trong thâm tâm cô luôn mong tìm lại gốc gác Việt. Và hành trình tìm mẹ của cô bắt đầu.

“Tôi không hiểu tiếng Việt nhưng tôi cảm thấy có một hấp lực níu giữ. Tôi hạnh phúc nhất khi tôi ở đây”, Suzanne giải thích về quyết định quay trở lại ngay vào năm sau và dành trọn cả năm 2007 giúp đỡ trẻ em mồ côi ở Sài Gòn. “Tận mắt chứng kiến điều kiện sống khó khăn của bọn trẻ, tôi cảm thấy mình đã may mắn và cần có trách nhiệm giúp chúng”.

Sau một năm sống ở Việt Nam, Suzanne về Anh nhưng cô không thể quay trở lại cuộc sống trước kia. Bỗng chốc 300 đôi giày trong ngăn tủ, những chuyến bay hạng thương gia, chiếc Mercedes mui trần và những lần đi mua sắm ở Paris hay New York đều trở nên vô nghĩa. “Tôi đã để trái tim mình ở Việt Nam. Tiền bạc không mua được hạnh phúc chính là điều tôi học được sau một năm chăm sóc những đứa trẻ cơ nhỡ ở Sài Gòn”, cô nói.

Ly dị người bạn đời chung sống 12 năm và bán hết nhà cửa, công ty và tài sản ở Anh, năm 2010, Suzanne quay trở lại Việt Nam chỉ với một chiếc vali, một máy tính xách tay và hình dung mơ hồ về việc thành lập một cô nhi viện. “Tuổi thơ của tôi không hạnh phúc nên tôi muốn mang hạnh phúc đến với những đứa trẻ mồ côi”, cô nói về quyết định chuyển hẳn đến Sài Gòn. “Cuối cùng tôi đã không chỉ chấp nhận mà còn cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam”, lần đầu tiên trong đời, Suzanne cảm thấy “bình yên”.

Từ khi được thành lập, trại trẻ Allambie trở thành mái ấm cho 12 trẻ mồ côi. Không chỉ nuôi các con ăn học, Suzanne còn cố gắng bù đắp tình cảm cho chúng. “Tôi chưa bao giờ được mẹ nuôi ôm vào lòng. Bà chưa bao giờ thể hiện rằng bà yêu tôi,” Suzanne nói. “Tôi ôm các con hàng ngày, nói với các con rằng tôi yêu chúng và khen bọn trẻ xinh đẹp vì tôi không muốn chúng nếm cảm giác mà tôi từng trải qua”.

Sau khi dồn toàn bộ tiền bạc và sức lực xây dựng mái ấm Allambie, năm 2013 Suzanne mới nghĩ đến bản thân. Cô quyết định gửi mẫu ADN đến một trung tâm ở Mỹ làm xét nghiệm. Kết quả từ Family Tree DNA xác nhận Suzanne có nguồn gốc 40% là người Việt Nam, phần còn lại thuộc nhóm sắc tộc da màu. Thông tin này không mới.

Nhưng rồi cô nhận được thông báo: “Chúng tôi thấy khả năng cao cô có quan hệ anh chị em họ trực hệ với Tran Ngoc Thanh, địa chỉ 45 đường Nguyen Hue, phường 1, thành phố Dong Ha, tỉnh Quang Tri”. Hy vọng được thắp lên. Suzanne tự nhủ ở đâu đó, gia đình bên ngoại cũng đang đi tìm cô. Khi đến địa chỉ trên, chủ nhà cũ đã dọn đi. Dù nỗ lực tìm kiếm suốt 5 năm qua, Suzanne vẫn chưa tìm ra manh mối về người họ hàng này.

“Khi quyết định làm xét nghiệm AND, tôi đã mở tung chiếc hộp bí mật Pandora, tôi sẵn sàng chấp nhận kết thúc không có hậu”, Suzanne chậm rãi nói và dụi điếu thuốc cuối cùng vào chiếc gạt tàn sứ.

“Tôi có thể là kết quả của tình yêu hoặc cũng có thể là hậu quả của một vụ cưỡng hiếp. Mẹ tôi có thể còn sống hoặc đã mất. Dù thế nào, tôi vẫn muốn nói với bà một lời ‘Cảm ơn’. Và điều quan trọng tôi sẽ tìm được nguồn gốc của mình và lấp đầy khoảng trống trong lòng mà tôi đã mang suốt 49 năm qua”.

Tags:
Thanh Bùi: Đời tôi may mắn vì cưới được Huệ Vân làm vợ

Thanh Bùi: Đời tôi may mắn vì cưới được Huệ Vân làm vợ

Gần bước sang tuổi 40, Thanh Bùi tự nhận mình già đi nhiều với mái tóc bạc và nếp nhăn trên trán. Tuy nhiên, anh hài lòng với cuộc sống khi có được tổ ấm vẹn tròn bên vợ - doanh nhân Huệ Vân và 2 người con.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất