Người trẻ Việt giờ kiếm tiền quá khủng: “Từ đầu năm đến giờ riêng cháu ship đi Mỹ hơn 1,7 triệu gói hàng”

Nhờ sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử, người trẻ Việt đã có thể kinh doanh dễ dàng hơn và làm giàu nhanh hơn.

10:16 16/01/2023

Thành viên HĐQT tập đoàn FPT, Doanh nhân Đỗ Cao Bảo thổ lộ: “Thật bất ngờ, hôm nọ nghe một bạn trẻ tiết lộ: ‘Từ đầu năm đến giờ riêng cháu ship đi Mỹ hơn 1.7 triệu gói hàng qua con đường thương mại điện tử’.

Lúc đầu tôi tưởng mình nghe lầm, hỏi đi hỏi lại ‘đi Mỹ á, từ Việt Nam đi Mỹ á’, ‘1,7 triệu gói hàng á’, ‘những mặt hàng nào hay ship đi Mỹ’, ‘có cả quần áo, giày dép á’, ‘chú tưởng quần áo ở Mỹ rẻ hơn Việt Nam rất nhiều cơ mà’, ‘làm cách nào mà sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận’.

Sau một hồi trao đổi, tôi tin rằng bạn ấy ship đi Mỹ qua con đường TMĐT, logistic chính thống là thật, mà quần áo, giầy dép xuất từ Việt Nam đi Mỹ qua con đường TMĐT là thật và 1,7 triệu gói hàng đi Mỹ là thật (không phải hàng hoá của Nike, Addida gia công).

Tất nhiên bên trong còn có nhiều bí quyết để các bạn ấy có thể bán được hàng cho người mua bên Mỹ qua TMĐT mà tôi không thể tiết lộ công khai.

Hôm nọ khi tôi nói chuyện về quá trình FPT và các thế hệ FPT Toàn cầu hoá (Go Global), có bạn trẻ nói đại ý: thế hệ chúng cháu lớn nên đã có Internet, đã có giao thương quốc tế rồi, thế nên chúng cháu chẳng phải Go Global gì cả mà Global luôn, vấn đề chỉ là có cái gì để Go và chất lượng của sản phẩm như thế nào không thôi.

Được biết, năm 2022 này, số thu ngân sách nhà nước vượt dự toán có thể lên đến 350.000 tỷ đồng, một con số rất lớn, rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế của đất nước. Một trong 5-6 nguyên nhân số thu ngân sách tăng vượt dự toán mà Bộ Tài chính đưa ra là tăng thu từ TMĐT, bán hàng online.

Đúng là kinh tế thế giới và Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là BĐS, trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Trên mạng rất nhiều bạn kêu khó khăn, từ lãi suất ngân hàng quá cao vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đến sự sụt giảm của thị trường, thế nhưng cái cách mà các bạn trẻ Việt Nam tìm được con đường kinh doanh online, TMĐT, bán mật ong từ Tây Nguyên, Hà Giang về tận Hà Nội, TP HCM, bán quần áo, giày dép từ Việt Nam sang Mỹ, “chẳng phải Go Global gì cả mà Global luôn”, đã tạo cho chúng ta niềm tin vào tiềm năng, ý chí và sức sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam.”

Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn TMĐT Alibaba, sau một năm, con số này tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt thâm nhập thị trường EU.

DSW không phải là doanh nghiệp duy nhất tận dụng TMĐT xuyên biên giới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện rất nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công khi chuyển hướng bán hàng TMĐT xuyên biên giới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng trưởng doanh thu 40 – 50% thông qua TMĐT xuyên biên giới. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là các sản phẩm như: OCOP, thủ công mỹ nghệ…

Giám đốc khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho biết, TMĐT xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, bởi phương thức kinh doanh này cắt bỏ hầu hết khâu trung gian của xuất khẩu truyền thống, dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng. Đồng thời kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng.

“Hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu” – ông Trịnh Khắc Toàn dẫn chứng.

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, với mức doanh thu dự kiến 7.385 tỷ USD vào năm 2025.

Phó Giám đốc Trung tâm Tin học & Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng cho biết, năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD. Quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự báo giai đoạn 2022 – 2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

“Amazon Global Selling dự báo doanh thu xuất khẩu TMĐT B2C của người bán tại Việt Nam có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới” – ông Bùi Huy Hoàng nêu rõ.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, những con số triển vọng trên đã chứng minh, doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng TMĐT để bán được sản phẩm ra nước ngoài, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, tiết giảm thời gian, chi phí so với giai đoạn trước.

Tổng hợp

Tags:
Bố đảm đắp chăn cho rau, làm vườn Việt giữa trời tây: Trồng 100 loại rau, đầy đủ hơn chợ

Bố đảm đắp chăn cho rau, làm vườn Việt giữa trời tây: Trồng 100 loại rau, đầy đủ hơn chợ

Khu vườn mang đậm hồn quê đất Việt với vô số loại rau trái quen thuộc giữa đất khách quê người.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất