Người Việt sang Canada bưng phở : Tưởng dễ mà rất khó
Trước khi sang Canada, tôi cũng đã tìm hiểu trước những công việc partime mà du học sinh có thể làm trong lúc đi học. Hai công việc phổ biến nhất là: Làm nail và bưng phở.
13:59 23/02/2023
Làm nail thì tôi không biết rồi, vì trước lúc đi cũng khá bận rộn và gấp gáp nên tôi không kịp theo học một khoá sơ cua, vả lại tôi tự thấy mình không được khéo tay cho lắm nên thôi xác định lúc sang sẽ khởi nghiệp với việc bưng phở.
Tôi bắt đầu lên các group của hội người Việt ở Vancouver tìm kiếm thông tin tuyển dụng, lập một danh sách các nhà hàng đang cần người và bắt đầu gọi điện thoại cho từng nơi một. Ngoài ra tôi cũng tìm kiếm các tiệm Việt quanh vùng và đến tận nơi gặp manager để hỏi xin việc làm. Sau vài chục cuộc điện thoại và nhiều ngày rong ruổi bắt xe bus đến các nhà hàng, quán ăn Việt Nam, cuối cùng tôi cũng được nhận vào một nhà hàng Việt ở gần Commercial & Broadway (cách chỗ tôi ở khoảng 1,5 tiếng đi tàu và bus).
Ngày đầu tiên on training, tôi phải học cách ghi nhớ menu khoảng 70 món và nhận biết các món ăn đó khi đầu bếp ra món, đồng thời phải nhớ món ăn nào sẽ được serve cùng với những loại gia vị, nước chấm, rau ăn kèm loại nào, nhớ số thứ tự bàn trong nhà hàng được sắp xếp ra sao,etc…
Ngày thứ 2, khi tôi vẫn còn đang ngơ ngác chưa thuộc hết các món trong menu, chưa kịp nhớ mặt các món ăn trông như thế nào và vẫn còn đang nhầm nhọt các loại gia vị đi kèm thì đã bị đẩy lên counter để học lấy order. Với một cái máy tính mà menu được trình bày như mê hồn trận, cộng với việc chưa thuộc hết menu món ăn, chưa nhớ được một món ăn có bao nhiêu options và gồm những thành phần gì, tôi biết mình thực sự in trouble haha.
Đó là còn chưa kể, khi đứng ở front counter lấy order nghĩa là tôi phải kiêm luôn việc pha chế đồ uống (menu đồ uống có khoảng vài chục món và dĩ nhiên là tôi phải học cách làm) và đồng thời phải nghe phone lấy pick up order. Với một đứa mới qua như tôi thì việc nghe phone khá là vất vả vì khả năng giao tiếp còn hạn chế và lại chưa thuộc menu món ăn nên nhiều khi tôi nghe khách nói mà không biết họ đang order món gì, hix.
Nói chung công việc bưng phở không đơn giản như tôi vẫn tưởng. Sau một tháng làm việc tại nhà hàng, tôi quyết định xin nghỉ. Tôi nói với anh quản lý rằng tôi rất xin lỗi vì không làm được. Trong suốt quá trình làm, tôi chỉ nghĩ đến những mệt nhọc của ca làm và cảm giác lết về nhà lúc đêm muộn với chân tay rã rời, tôi chỉ nhớ tới những lời cay đắng của quản lý khi tôi làm sai, làm hỏng, tôi ứa nước mắt khi nghe một anh đồng nghiệp ở nhà hàng động viên đừng bỏ cuộc, rằng họ chỉ ép như vậy thôi để nếu ai trụ được thì ở lại còn không họ đỡ tốn công đào tạo, rằng tôi mới làm được một tuần mà cảm giác tôi chạy việc ổn như đã làm cả tháng rồi vậy… Nhưng cuối cùng tôi vẫn bỏ cuộc. Tôi cảm giác mình không thể cố thêm được nữa. Sau khi nghỉ việc, tôi đã buồn rất nhiều ngày sau đó và hoài nghi về khả năng thích nghi của bản thân mình. Đã có lúc tôi nghĩ bưng phở mà cũng không làm được thì sau này mình sẽ làm được gì ở xứ người?!
Nhưng bạn biết đấy, khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra và tôi không hối tiếc vì đã nghỉ việc ở đó. Công việc bưng phở đã dạy cho tôi rất nhiều bài học, không chỉ là phải quen với lao động chân tay mà còn là học cách manage để làm được nhiều việc cùng một lúc, nhanh và chính xác, không nhầm lẫn.
Đây cũng là tiền đề giúp tôi học nhanh hơn và làm tốt hơn ở công việc thứ hai. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn thấy mình không hợp với cách làm việc và quản lý ở nhà hàng đó, nên bài học tiếp theo mà tôi học được chính là mạnh dạn move on khi cảm thấy không hợp để tìm cơ hội tiếp theo, dẫu rằng để xin được việc cũng chẳng hề dễ dàng.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, và chỉ là một thất bại nhỏ giúp đem đến một bài học lớn để ta trưởng thành hơn ở xứ người, phải không?!
Chúc mọi người ngày cuối tuần vui!
From Phoebe – A Vancouver Newbie
Ảo tưởng 'người nhiều bằng cấp phải làm việc cao sang'
Có người ôm lấy tấm bằng đại học bám trụ ở thành thị để kiếm 8 triệu đồng/tháng, chứ không chịu sang Australia hái nho thu nhập 3 triệu đồng/ngày.