Nhật Bản cần hướng đến xã hội có trình độ học vấn cao theo xu hướng toàn cầu
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên “xã hội dựa trên học thuật,” với yêu cầu cao về kiến thức và kỹ năng tiên tiến trong lĩnh vực quản lý và lập trình. Điều này thúc đẩy nhu cầu lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ mạnh mẽ hơn.
13:00 04/01/2020
Tuy nhiên, trong khi số lượng sinh viên lấy được bằng tiến sĩ tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu trong thập niên vừa qua, ở Nhật Bản số lượng này lại giảm hơn 10%. Với đà này, Nhật Bản có nguy cơ tụt hậu về cạnh tranh kỹ năng toàn cầu nếu vẫn giữ tiêu chí tuyển dụng thông thường: xem trọng tính cách hơn là chuyên môn của ứng viên.
Giáo sư kinh tế học Đại học Tokyo, Yasutora Watanabe, cho biết: “Sinh viên nước ngoài chiếm 55% trong số những người học thạc sĩ kinh tế, bởi vì số sinh viên Nhật không đủ cho chỉ tiêu tuyển sinh.” Nhận biết được khó khăn mà đất nước đang đối mặt, Giáo sư nhấn mạnh “nhu cầu xã hội” với việc lấy bằng sau đại học ở môn kinh tế, dựa theo kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực kinh tế tại Amazon.com của Nhật Bản. Nhưng sinh viên Nhật Bản nói chung không muốn học sau đại học.
Ảnh: Bảng so sánh số người lấy bằng tiến sĩ giữa năm 2006 và năm 2016 ở các nước phát triển.
Theo Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, số lượng sinh viên lấy bằng tiến sĩ trong thập kỉ qua tăng 20% ở Mỹ và Trung Quốc, và xu hướng đó cũng thấy được ở số lượng người lấy bằng thạc sĩ. Trình độ học vấn cao là cần thiết để đạt được và củng cố vị trí cấp cao tại các công ty. Sở hữu bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ là yêu cầu cơ bản để làm kỹ sư tại các lĩnh vực tiên tiến ở Google và các tập đoàn công nghệ lớn ở Mỹ.
Cho đến khi Chính quyền Tổng thống Trump siết chặt các yêu cầu về thị thực, hàng ngàn người Trung Quốc đến Mỹ để học lấy bằng tiến sĩ mỗi năm. Khi về nước, họ được gọi là “rùa biển” – đồng âm với từ “trở về” trong tiếng Trung – và có được vị trí trong xã hội và nơi làm việc.
Số người lấy bằng tiến sĩ vào năm 2016 ở Trung Quốc là 53 nghìn người, tăng 60% so với năm 2006. Tuy tính ra tỉ lệ trên 1 triệu người vẫn còn thấp, nhưng số người Trung Quốc có bằng tiến sĩ đã gấp 3 lần số người Nhật có bằng tiến sĩ. Hàn Quốc đang đuổi kịp Nhật Bản với số lượng tăng 56% trong thập kỉ qua, gần 14 nghìn người có bằng tiến sĩ. Ở Nhật Bản, số người lấy bằng tiến sĩ năm 2016 là 15 nghìn người, giảm 16% so với 10 năm trước. Tỉ lệ sinh giảm không thể giải thích cho sự tụt giảm này vì số lượng sinh viên theo học Đại học 4-năm vẫn tăng đều trong thời gian này.
Ảnh: Số sinh viên theo học tiến sĩ giảm trong khi số sinh viên đại học vẫn tăng
Việc sụt giảm này cho thấy sinh viên Nhật không muốn học cao hơn. Tóm lại, Nhật Bản đang trở thành xã hội với trình độ học vấn thấp hơn các nước phát triển khác.
Điều này phần nào phản ánh việc trả lương không cao cho các nghiên cứu viên tại các trường đại học của Nhật. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng bị đổ lỗi cho việc không sử dụng tốt người có trình độ học vấn cao.
Một ví dụ về nữ nhân viên đã từng nghiên cứu về AI trí tuệ nhân tạo trong chương trình tiến sĩ, và hiện đang làm việc trong bộ phận tiếp thị và phát triển cơ sở hạ tầng tại một hãng lớn sản xuất thiệt bị điện và điện tử của Nhật. Trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, cô không được hỏi về chuyên môn của mình mà bị nói rằng việc gia nhập công ty nên được ưu tiên hơn việc lấy bằng tiến sĩ. Cuối cùng cô đã bỏ không lấy bằng nữa.
Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Keidanren, hàng năm vẫn làm khảo sát với các công ty về các tiêu chí khi tuyển nhân viên mới. Khảo sát cho thấy, “kỹ năng giao tiếp” và các yếu tố liên quan đến tính cách của ứng viên luôn được xem trọng hơn là chuyên môn.
Sự thiếu đánh giá đối với trình độ chuyên môn của nhân viên cũng có thể thấy khi so sánh mức thu nhập hàng năm của những người độ tuổi 30. Những người có bằng Đại học có thu nhập bình quân là 4,18 triệu yên/năm, trong khi thu nhập bình quân của những người có bằng Thạc sĩ cao hơn 1,25 lần, 5,24 triệu yên/năm.
Ảnh: Thu nhập bình quân theo trình độ học vấn ở Mỹ và Nhật
Ở Mỹ, người có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ lần lượt có thu nhập là 7,63 và 9,15 triệu yên, hơn 1,4 và 1,6 lần so với người có bằng Đại học. Tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới là người có bằng cấp cao hơn sẽ nhận mức lương tốt hơn. Giáo sư ngành khoa học xã hội Eiji Oguma của Đại học Keio cho biết, “Thị trường Nhật Bản tách biệt với tiêu chuẩn của thế giới về đánh giá nhân sự.”
Một minh chứng cho việc các công ty Nhật đối xử tệ với người có bằng tiến sĩ là họ được các công ty nước ngoài nhận vào làm với mức lương gấp đôi. Một tiến sĩ ngành Hóa học vật liệu tốt nghiệp ở Nhật Bản đã bất ngờ bỏ việc tại công ty Nhật Bản để làm việc cho một công ty Hàn Quốc với mức lương gấp đôi. Anh ngạc nhiên khi biết rằng, “tất cả các nhân viên xung quanh tôi ở công ty mới đều có bằng tiến sĩ.”
Vì những người có bằng tiến sĩ ở Nhật không cạnh tranh được ở doanh nghiệp, 75% trong số họ làm việc tại các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khác.
Được Chính phủ khuyến khích, số lượng tiến sĩ ở Nhật Bản tăng lên vào những năm 1990. Nhưng họ không được nhận vào các công ty tư nhân, dẫn đến việc làm sau tiến sĩ không ổn định.
Ảnh: Tỉ lệ làm việc trong trường Đại học, công ty hoặc cơ quan khác của tiến sĩ ở Nhật và Mỹ
Theo ông Hiroshi Nagano, nghiên cứu viên cấp cao tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, vấn đề này một phần là do các trường đại học thất bại trong việc lựa chọn nhân sự mà các công ty muốn tuyển dụng.
Việc một quốc gia có nền giáo dục chất lượng, xác đáng, và có khả năng khai thác được nguồn nhân lực của chính mình ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của quốc gia đó. Ở Mỹ, 40% các tiến sĩ làm việc cho các công ty và trở thành nguồn lực cho sự đổi mới. Điều cần thiết đối với Nhật Bản lúc này là thúc đẩy cải cách trong giáo dục và tuyển dụng.
Theo: isenpai.jp
Cậu học sinh Nhật phát động chiến dịch gửi tặng giày đá bóng cho các bạn nhỏ Việt Nam.
Cậu bé Nobuaki Takasago (15 tuổi) là học sinh năm thứ ba của trường THCS Takahatsu thuộc thành phố Takakara. Cậu là người đã lên kế hoạch thực hiện chiến dịch gửi tặng giày đã qua sử dụng tới Việt Nam.