Nhật Bản: Loay hoay đối phó với tự sát vị thành niên

Với không ít học sinh Nhật Bản, tệ bắt nạt và bạo hành ở trường học vẫn là nỗi ám ảnh. Chính vì vậy mà ngày học sinh quay trở lại trường học (1/9) cũng ghi nhận số vụ tự sát tăng vọt…

19:28 22/09/2017

ảnh minh họa

Mở nơi “trú náu” cho học sinh có ý định tự sát

Theo thống kê, số thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tự sát vào ngày 1/9/2015 là cao nhất so với 40 năm trước đó – theo sách trắng của chính phủ. Chính phủ nhấn mạnh lí do áp lực tinh thần khi học sinh phải điều chỉnh thích ứng với cuộc sống trường học sau một kỳ nghỉ hè dài.

Sự lo lắng của thanh thiếu niên khi phải quay lại trường học phổ biến tới mức có thuật ngữ để miêu tả là “futoko”, nghĩa là “những người không muốn đến trường”.

Trước ngày 1/9 năm nay, nhiều tổ chức tại Nhật Bản đã tìm cách thức gỡ bỏ áp lực cho những học sinh cảm thấy lo lắng phải trở lại trường. Chẳng hạn, hãng thông tấn NHK mở chiến dịch trên mạng xã hội Twitter được gọi là “đêm 31/8”. Trong chiến dịch này, nhân vật truyền hình nổi tiếng Naoki Ogi khuyên thanh thiếu niên nếu cảm thấy trường học không phải là môi trường an toàn thì không phải đến trường và điều quan trọng là thư giãn và cảm thấy an tâm.

Hay Vườn thú Ueno tại Tokyo và một thư viện tại thị trấn ven biển Kamakura mời gọi như nơi “trú náu” cho những thanh thiếu niên cảm thấy phiền muộn về ngày đầu năm học mới.

Vickie Sorji, Giám đốc TELL Lifeline, công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tại Nhật Bản cho rằng, thời điểm đỉnh điểm tự sát (xoay quanh ngày 1/9) lại có thể là thời điểm tốt thực hiện cuộc chiến truyền thông giải cứu những học sinh có ý định tự sát. Bà Skorji giải thích rằng, thời điểm này giới trẻ thường lên mạng tìm đọc những câu thông tin, câu chuyện liên quan tới vấn đề tự sát – và đó là cơ hội tốt để tạo lập sự kết nối xã hội chống lại vấn nạn tự sát.

Luật chưa phát huy hiệu quả

Tệ bắt nạt, hăm dọa qua mạng xã hội, như Line, ứng dụng trò chuyện phổ biến ở Nhật Bản, cũng đang gia tăng. Đối phó với tình trạng trên, một tổ chức có tên gọi School Guardian (bảo vệ trường học) từ đầu tháng 9 đã đưa ra ứng dụng cho phép học sinh có thể giấu tên để thông báo hành vi bắt nạt. Trong ứng dụng này, nạn nhân có thể gửi ảnh chụp màn hình làm bằng chứng. Phòng Giáo dục quận Kumamoto đã sử dụng bằng chứng từ ứng dụng này để xử lí vụ việc tại 3 trường học.

Nhật Bản đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với tệ bắt nạt trong năm nay khi sửa đổi luật chống bắt nạt (được thông qua năm 2013) yêu cầu các trường ngăn ngừa bắt nạt học sinh có khiếm khuyết về giới tính. Theo một báo cáo về nhân quyền 2016, học sinh khiếm khuyết giới tính trong trường học Nhật Bản đối mặt với bắt nạt và kỳ thị từ cả học sinh và cán bộ giáo viên.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng chính quyền chưa làm đủ. Tomohiro Tsubota, Giám đốc Vụ Các vấn đề học sinh, Bộ Giáo dục, hoài nghi: “Tôi cho rằng luật chưa hiệu quả bởi vẫn có những trẻ lựa chọn cái chết khi bị bắt nạt”.

Tổng số vụ tự sát tại Nhật Bản đã giảm dần từ năm 2003 nhưng số vụ tự sát ở giới trẻ vẫn duy trì và không có dấu hiệu giảm – một phần là bởi văn hoá bắt nạt phổ biến trường học Nhật Bản. Không giống như nhiều nước khác mà hành vi bắt nạt tập trung vào một vài cá nhân, trong trường học Nhật Bản hành vi bắt nạt có tổ chức – trong đó một nhóm đông cô lập và bắt nạt một cá nhân.

Nguồn : http://www.xaluan.com

Tags:
Uẩn khúc trong vụ du khách Trung Quốc “tự sát” tại Nhật Bản

Uẩn khúc trong vụ du khách Trung Quốc “tự sát” tại Nhật Bản

Nữ giáo viên tiểu học Trung Quốc mất tích khi đi du lịch một mình ở Nhật Bản vào tháng rồi được xác nhận là đã chết, theo nhà chức trách địa phương hôm 30-8.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất