Nhóm bác sĩ Y học Cộng đồng: Bản chất của ‘nước súc họng phòng virus Corona’
Bài viết của nhóm bác sĩ Y học cộng đồng đăng tải trên báo điện tử Soha.
14:00 06/08/2020
Một trong những chủ đề nóng hổi mấy ngày qua trên báo chí về phòng ngừa dịch COVID-19 là thông tin “Súc họng bằng dung dịch sát khuẩn giúp phòng bệnh”. Theo đó, nhiều bài viết, video hướng dẫn cụ thể việc súc miệng – họng và mua dung dịch sát khuẩn gây tình trạng “cháy hàng” ở nhiều nơi.
Súc miệng, súc họng bằng nước muối hay các dung dịch sát khuẩn không phải là chuyện mới và đã là thói quen hàng ngày của một số người Việt Nam. Tuy nhiên, liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả trong điều trị và phòng bệnh COVID-19?
Chưa đủ cơ sở để khuyến cáo cộng đồng
Các thông tin khuyến khích súc họng để phòng ngừa COVID-19 đang được lan tỏa lấy cơ sở từ việc điều trị thành công cho hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó một phương pháp bổ trợ điều trị là súc họng với dung dịch sát khuẩn, cụ thể là chlorhexidine.
Trong bài viết này, chúng tôi xin nói rõ các điểm cần đặc biệt lưu ý trong phương pháp kể trên.
Thứ nhất, cần làm rõ rằng phương pháp nói trên là một trong những phương pháp được thực hiện theo kinh nghiệm của bản thân bác sĩ. Thông tin về phương pháp này cũng nói rõ: “tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về săn sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi (Bác sĩ điều trị-nhóm tác giả) áp dụng biện pháp súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus”.
Trên thực tế, có nhiều phương pháp điều trị tuy chưa có chứng cứ hay y văn nào ghi nhận trước đó, nhưng lại có hiệu quả, giống những gì ngành y tế Việt Nam đã làm trong thời kỳ dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy cần xếp vào báo cáo ca (case reports), và trước khi khuyến cáo cộng đồng thì cần tiến hành các nghiên cứu có độ tin cậy cao hơn để trả lời các câu hỏi quan trọng như sau:
• Liệu súc họng với chlorhexidine có thực sự hiệu quả trong điều trị hay phòng chống nhiễm COVID-19?
• Nếu có, hiệu quả này chiếm bao nhiêu và có đáng kể hay không trong tổng thể các biện pháp điều trị hỗ trợ đã được sử dụng?
• Cơ chế của nó là gì?
• Cần sử dụng nồng độ, liều dùng, thời gian bao lâu là phù hợp?
Tất cả những điều này đều cần chờ đợi kết quả từ nghiên cứu. Chưa thể nhanh chóng kết luận được chỉ từ hai ca đơn lẻ.
Trong phân loại mức độ tin cậy của chứng cứ, từ dưới lên: độ mạnh của chứng cứ tăng dần, sai lệch hệ thống giảm dần. Trong đó, ý kiến chuyên gia và báo cáo ca/chuỗi ca bệnh xếp ở mức thấp nhất. Nguồn: sách Cẩm nang thực hành Y học chứng cứ.
Thứ hai, trong hai ca điều trị COVID-19, súc họng với chlorhexidine chỉ giúp hỗ trợ điều trị bệnh nhân hồi phục. Do đó, hiệu quả của việc này, nếu có, chỉ có thể áp dụng trong hỗ trợ điều trị, không thể khuyến cáo rộng rãi thành phương pháp phòng bệnh.
Thứ ba, cần nhấn mạnh chlorhexidine là loại súc họng được sử dụng với hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Do đó, hiệu quả của việc súc họng, nếu có, chỉ có thể áp dụng được cho chlorhexidine mà không thể suy rộng cho mọi loại dung dịch súc miệng khác như nước muối, betadine hay nước súc miệng có chứa cồn…
Chlorhexidine là gì? Súc miệng – họng với chlorhexidine để phòng ngừa COVID-19 lợi hay hại?
Chlorhexidine là hoạt chất có tính kháng khuẩn phổ rộng và không có cơ chế đặc hiệu. Lưu ý: các thông tin gần đây hướng dẫn dùng chlorhexidine với tần suất cao (ví dụ: mỗi 3 giờ nếu đang trên máy bay) và không chỉ rõ dùng với nồng độ nào, trong bao lâu.
Trong khi, thực tế có nhiều dạng bào chế và nồng độ khác nhau, có thể được phối hợp với thuốc gây tê và dùng trong điều trị tại chỗ như dung dịch súc miệng, viên ngậm, băng gạc, sát trùng da, niêm mạc. Loại dùng trong súc miệng là dung dịch chlorhexidine gluconate 0,1%, 0,12%, 0,2%, được chỉ định chính trong nha khoa để trị viêm nướu, chảy máu nướu răng. Về liều dùng, cụ thể, loại 0,12% được khuyến cáo là 2 lần mỗi ngày, không dùng liên tục quá 6 tháng và cần được đánh giá lại sau mỗi 3 tháng.
Khi được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (in vitro) và trên vật thể sống (in vivo), chlorhexidine gluconate 0,12% cho thấy có tác dụng kháng khuẩn đối với một số chủng như tụ cầu vàng (S. aureus), liên cầu khuẩn (Streptococcus mutans), nấm Candida albicans (gây nấm miệng)… là các tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp.
Ngoài ra, cũng có ghi nhận tác dụng kháng virus có vỏ bọc (enveloped virus) như HIV, HSV (herpes simplex virus-gây bệnh mụn rộp ở môi), virus cúm (influenza)… Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có dữ liệu nào về hiệu quả của chlorhexidine trên virus gây bệnh COVID-19 vì đây là chủng coronavirus hoàn toàn mới.
Dung dịch chlorhexidine gluconate 0,12% súc miệng dùng trong nha khoa với các lưu ý khi sử dụng. Nguồn: Nhóm tác giả.
Cũng xin lưu ý thêm: Ở một số nước như Canada và Mỹ, chlorhexidine súc miệng thuộc nhóm cần kê đơn. Vì cũng như mọi loại thuốc, nó có tác dụng phụ, chống chỉ định và chỉ nên sử dụng khi có chỉ định phù hợp.
Chẳng hạn, chlorhexidine có thể gây đổi màu men răng và chất trám, gây loét, khô miệng hay thay đổi vị giác… thậm chí có thể gây phản ứng dị ứng nặng và sốc phản vệ trong số ít trường hợp. Chưa có dữ liệu an toàn trên trẻ em, do đó cần thận trọng khi sử dụng súc miệng chlorhexidine cho đối tượng này.
Ngoài ra, một số bác sĩ lo ngại rằng nếu dùng không đúng cách, việc súc họng “càng sâu càng tốt” có thể gây sặc ở người già, dẫn tới viêm phổi do hóa chất gây nguy hiểm. Nếu trẻ nhỏ (cân nặng dưới 10 kg) nuốt phải 30-60 ml chlorhexidine gluconate có thể gây khó chịu tiêu hoá, buồn nôn, nhiễm độc cồn…
Hơn nữa, như đã nhấn mạnh ở trên, việc súc miệng-họng với chlorhexidine cho dù có hiệu quả thì cũng mới chỉ ghi nhận trong hỗ trợ điều trị, nên không thể áp dụng trong phòng ngừa bệnh COVID-19. Điều này tương tự với việc “chưa có bệnh đã uống thuốc”.
Do vậy, trong khi hiệu quả về điều trị và phòng ngừa chưa rõ, chúng tôi khuyên người dân không nên tự mua dung dịch sát khuẩn chứa chlorhexidine về dùng, vì hại nhiều hơn lợi. Chỉ nên dùng khi có chỉ định phù hợp của bác sĩ.
Súc họng bằng Chlorhedixin chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự mua về dùng vì có thể gây hại.
Cuối cùng, xin nhắc lại: Hiệu quả của việc súc miệng với chlorhexidine gluconate được ghi nhận trong nha khoa trị viêm nướu, nhưng chưa chắc có hiệu quả với COVID-19 và cần được nghiên cứu thêm. Hiệu quả nếu có cũng là trong hỗ trợ điều trị chứ không phải phòng ngừa.
Để thực hành vệ sinh răng miệng thông thường, dung dịch muối sinh lý là phương pháp phổ biến, rẻ tiền và an toàn nhất, ai cũng có thể tự pha và súc miệng-họng hàng ngày là đủ. Với việc phòng ngừa COVID-19, không nên hoang mang, khuếch đại hiệu quả của việc súc miệng – họng bằng dung dịch sát khuẩn hay bất kỳ dung dịch nào khác, mà hãy tuân theo các thực hành như rửa tay, che bằng khuỷu tay khi ho….
Việc tăng cường, duy trì sức đề kháng bằng ăn uống lành mạnh, vận động nghỉ ngơi hợp lý và uống nhiều nước cũng rất hữu ích.
Nhóm tác giả Y học cộng đồng:
DS. Phạm Trần Thu Trang (được cấp phép hành nghề lâm sàng (Registered Pharmacist – RPh), tại thành phố Toronto, tỉnh Ontario, Canada)
TS. BS. Nguyễn Hữu Châu Đức (BV Trung ương Huế, Giảng viên bộ môn Nhi, ĐH Y Dược Huế)
TS. BS. Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản)
TS. Nguyễn Quốc Thục Phương (Chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, bang New York, Mỹ)
Hà Xuân Nam (ĐH Y Dược Huế, CTV Y học cộng đồng)
Tâm sự củɑ thɑnh niên 20 tuổi mắc Covid-19
Chỉ mới 20 tuổi thôi, vậy mà một cơn bệnh vì virus SARS-CoV-2 đã khiến chàng thanh niên vốn khỏe mạnh phải kiệt quệ và giờ đi lại cũng khó khăn.