Những cách cầu may của người Nhật Bản
Trong nền văn hoá truyền thống của Nhật Bản cũng như nhiều nền văn hoá của các nước Châu Á khác có quan niệm rất sâu sắc về những điều may mắn. Trong bài viết dưới đây, sẽ giới thiệu tới du khách Những cách cầu may của người Nhật Bản để du khách có thể hiểu rõ hơn về một nền văn hoá Nhật Bản phong phú và đa dạng.
14:29 15/02/2018
1. Búp bê Hina
Hina Matsuri là Ngày bé gái ở Nhật Bản – dịp để mọi người cầu sức khỏe, hạnh phúc cho các cô bé. Người Nhật tin rằng những điều không may và bệnh tật sẽ chuyển từ trẻ em sang các con búp bê.
2. Daruma
Búp bê Daruma thường không có mắt. Người mua sẽ vẽ một mắt cho búp bê và ước một điều ước. Khi điều ước trở thành sự thật, bạn hãy vẽ nốt con mắt còn lại.
Búp bê Daruma được cho rằng có hình dáng khá giống vị Bồ Đề Lạt Ma. Người ta thường bán những con búp bê này nhưng không vẽ mắt. Người mua sẽ vẽ một mắt cho búp bê và ước một điều ước. Khi điều ước trở thành sự thật, bạn hãy vẽ nốt con mắt còn lại.
3. Teru Teru Bozu
Teru Teru Bozu là những con búp bê được làm đơn giản từ vải trắng hoặc giấy. Người Nhật thường treo chúng lên cửa sổ vào ban đêm với hy vọng hôm sau trời sẽ nắng rực rỡ. Treo chúng lộn ngược lại là cầu mưa. Hình thức cầu thời tiết này khá phổ biến với trẻ em Nhật. Đôi khi, chúng treo ngược lại với hy vọng trời mưa để không phải đến trường.
4. Omikuji
Omikuji thực chất là một thẻ xăm (quẻ bói), thường có ở các đền, chùa. Người dân thường đi xin quẻ vào ngày đầu năm hay trước các dịp quan trọng như thi học kỳ, xin việc… với mong ước gặp đại cát – nghĩa là mọi việc sẽ suôn sẻ tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng có người bốc được quẻ xăm tiểu hung, đại hung. Nếu bốc phải quẻ này, bạn chỉ cần xóa vận xui bằng cách gấp nó lại và treo lên một cái cây trong chùa.
5. Ema
Ema là một tấm bảng gỗ dùng để viết điều ước và treo trong ngôi đền ở Nhật Bản. Người dân bản địa hy vọng những điều ước của mình sẽ sớm thành hiện thực.
6. Cờ cá chép
Cờ cá chép dành cho dịp 5/5 – ngày hội bé trai ở Nhật. Bắt đầu từ giữa tháng 4 đến những ngày đầu tháng 5 hàng năm, người dân thường treo những lá cờ hình chú cá chép trước nhà. Đây là một biểu tượng may mắn, gắn liền với điển tích “cá chép hóa rồng”, thể hiện mong ước con cái của họ sau này sẽ bay cao, xa và đạt nhiều thành công trong cuộc sống.
7. Akabeko
Akabeko là con bò màu đỏ, làm từ giấy bồi. Người Nhật tin rằng con vật này mang lại sức khỏe tốt lành cho trẻ con và giúp chúng tránh xa bệnh tật.
8. Maneki Neko
Đây là chú mèo may mắn (Mèo Thần tài, mèo gọi khách) thường được làm bằng gốm, sứ. Người dân Nhật đặt nó ở nhà hay trước cửa hàng, quán ăn… với niềm tin chúng sẽ vẫy may mắn lại cho chủ nhân.
9. Nhìn thấy nhện vào buổi sáng
Theo tín ngưỡng của người Nhật Bản, nhìn thấy con nhện vào sáng sớm sẽ gặp may mắn nên người Nhật không bao giờ giết loài vật này. Người ta cũng tin rằng một con nhện sống hơn 400 năm sẽ thành tinh và có phép thuật để biến hình người.
10. Senbazuru
Senbazuru là chuỗi 1.000 con hạc giấy. Người Nhật tin rằng ai gấp được số lượng đó trong một năm sẽ được hạc ban cho một điều ước. Trong tín ngưỡng của dân bản địa, hạc là con vật quyền năng vì chúng có thể sống đến 1.000 năm.
11. Kurotamago
Đây là món trứng đen (trứng trường thọ) nổi tiếng của người Nhật và là đặc sản của thung lũng núi lửa Owakudani, Hakone. Người dân tin rằng nếu ăn một quả trứng đen, bạn sẽ kéo dài tuổi thọ thêm 7 năm.
12. Omamori
Đây là túi bùa đựng may mắn, thường bán ở các đền, chùa. Bên trong mỗi túi bùa là một lời chúc khác nhau về sức khỏe, tiền tài, danh vọng, hạnh phúc cuộc sống… Tuy nhiên, bạn không nên mở túi bùa đó ra xem có gì bên trong, như thế bị coi là kém may mắn.
Theo: dulichnhatban.travel
Người Nhật nổi tiếng với việc “chơi” với…rác! – Bạn cần biết những điều này khi sống ở Nhật
Trong hầu hết các nước trên thế giới, việc loại bỏ rác dường như rất đơn giản, chỉ cần cho vào túi, sau đó vứt vào thùng, thế là xong! Tuy nhiên, ở xứ sở Phù Tang, loại bỏ rác hay nói đúng hơn là phân loại rác là một quá trình nghiêm ngặt, cần được xử lý cẩn thận và có trách nhiệm.