NSND Bạch Tuyết: “Nghệ sĩ phải giữ giấc mơ cho khán giả”

“Cứ khi nào rảnh là tôi học, đọc các loại sách” – NSND Bạch Tuyết nói.

23:21 19/09/2022

Vừa qua, tại chương trình Khát vọng vàng son, NSND – tiến sĩ Bạch Tuyết đã chia sẻ lý do vì sao cô là một nghệ sĩ cải lương nhưng lại quyết tâm theo học tới bậc tiến sĩ. Cô nói:

“Học là cái gốc của tôi rồi, giống như cái gen di truyền về học hành từ gia đình, dòng họ. Ông nội tôi ngày xưa là khoa bảng nên cũng hướng các con cháu theo con đường học hành.

NSND Bạch Tuyết

Hồi nhỏ, mọi người giải trí bằng cách chơi trò nọ trò kia, đi đây đi đó những lúc rảnh rỗi, còn tôi lại học để giải trí. Cứ khi nào rảnh là tôi học, đọc các loại sách. Tôi học nhiều, đọc nhiều để biết thêm nhiều thứ, hiểu biết hơn về đời, về nghề.

Từ đó, tôi mới có động lực để đi học tiến sĩ về nghệ thuật. Luận án của tôi dịch ra tiếng Việt là: Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu cổ truyền các quốc gia Đông Nam Á dưới điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21.

Tức là, muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, cụ thể là dân tộc Việt Nam mà không chủ quan thì phải biết được văn hóa của các quốc gia xung quanh chúng ta, ít nhất là các quốc gia Đông Nam Á.

Muốn làm được như vậy thì phải nghiên cứu văn hóa toàn cầu. Khi tiếp cận được văn hóa toàn cầu rồi nhìn về văn hóa dân tộc, tôi mới đưa ra được những so sánh khách quan, không bị nhìn nhận phiến diện, chủ quan, một chiều.

Và sau khi học tiến sĩ, được nghe bài giảng từ các thầy cô, tôi mới thấy rằng, cải lương dân tộc là một loại hình nghệ thuật rất bác học.

Cải lương ra đời với hai nhiệm vụ, chống giặc ngoại xâm trên bình diện văn hóa nghệ thuật và cải cách, đóng góp vào văn hóa dân tộc. Cho đến giờ, cải lương đã hoàn thành được hai nhiệm vụ đó và các nghệ sĩ trẻ chỉ việc tiếp nối thêm”.

Tiếp đó, NSND Bạch Tuyết nhớ về một lời dạy của thầy cô là NSND Phùng Há. Cô nói:

“Hồi đó tôi đi học hát, các thầy cô, tiền bối nghiêm khắc lắm nên nghệ sĩ lúc nào cũng giữ được chuẩn mực, đạo đức, sự nghiêm túc với nghề. Chúng tôi phải chỉn chu không chỉ trên sân khấu mà còn sau hậu trường.

Tôi còn nhớ ngày ấy có mấy cô nghệ sĩ trẻ hay ngả ngớn sau hậu trường, lúc tập tuồng, má bảy Phùng Há thấy thế liền nhắc luôn:

“Này con, người ta thấy con trên sân khấu đẹp lắm nên con ở ngoài phải ráng đàng hoàng một chút”.

Người nghệ sĩ không những chỉn chu trên sân khấu mà phải chỉn chu cả ở ngoài đời, phải sống sao cho đạo đức, nghiêm túc. Tức là, nghệ sĩ phải giữ hình tượng, không được làm xấu hình ảnh của mình trước khán giả.

Nghệ sĩ diễn trên sân khấu những nhân vật rất đẹp, như một giấc mơ nên ở ngoài cũng phải giữ giấc mơ cho khán giả. Tất nhiên, giấc mơ đó thuộc về nhân vật, nhưng người ta mặc định nhân vật đó do nghệ sĩ này diễn, nên ở ngoài cũng phải chịu khó tươm tất một chút”.

Tags:
Vì sao đồ dùng Đức có tuổi thọ đến cả trăm năm?

Vì sao đồ dùng Đức có tuổi thọ đến cả trăm năm?

Những năm đây, trên mạng xã hội có một bài viết đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người với tiêu đề “Tại sao nước Đức không dám làm đồ giả, đồ dùng đến cả trăm năm”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất