NSƯT Trịnh Kim Chi: Làm gì là quyết tâm làm tử tế và chất lượng

"Tôi đã làm gì là quyết tâm làm cho tử tế, cho chất lượng nên cố gắng thôi. Đúng là mình hơi bao đồng nhưng tôi thấy là, việc làm đó mang lại điều tốt đẹp thì cố gắng làm", NSƯT Trịnh Kim Chi nói.

21:19 03/06/2023

Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM vừa thành lập Trung tâm bồi dưỡng nghệ thuật và giao cho NSƯT Trịnh Kim Chi làm chủ nhiệm. Trung tâm cũng vừa công bố nhiều hoạt động như mở lớp đào tạo diễn viên cho lứa tuổi trung niên, lớp cải lương, lớp biên kịch và đạo diễn sân khấu mà NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Kim Cương, NSƯT Lê Thiện trực tiếp đứng lớp…

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Trịnh Kim Chi về trách nhiệm mới cũng như những hoạt động khá khác biệt của trung tâm.

Đào tạo diễn viên cho lứa tuổi trung niên

- Nhiều người tới giờ vẫn nhầm tưởng trung tâm bồi dưỡng nghệ thuật ở 5B Võ Văn Tần là của NSƯT Trịnh Kim Chi chứ không phải của Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM?

Mọi người nhầm tưởng như vậy là vì tôi có sân khấu riêng và cũng từng mở lớp đào tạo. Thật ra, Hội Nghệ sĩ sân khấu giao cho tôi trách nhiệm làm chủ nhiệm trung tâm này. Khi thành lập trung tâm thì cũng phải tính "đầu ra" cho các học viên, tôi lại có sẵn sân khấu Trịnh Kim Chi. Đó là một trong những yếu tố để các bạn học viên có thể gửi gắm niềm tin khi theo học.

Ngoài ra, tôi dự định sẽ liên lạc với các sân khấu khác, sân khấu nào có nhu cầu thì tôi sẽ giới thiệu các bạn qua làm, nếu khả năng của các bạn phù hợp.

NSƯT Trịnh Kim Chi: Làm gì là quyết tâm làm tử tế và chất lượng - Ảnh 1.

- Trung tâm mở lớp đào tạo diễn viên cho lứa tuổi trung niên là một hướng đi khác biệt so với tình hình chung hiện nay. Với vai trò là chủ nhiệm, xin hỏi, tại sao trung tâm lại có hướng đi như vậy?

Tôi có nhiều bạn bè là doanh nhân rất yêu thích diễn xuất, đam mê diễn xuất từ nhỏ nhưng không có điều kiện đi học. Bây giờ có điều kiện thì lại không có lớp đào tạo như thế này.

Cũng có nhiều anh chị diễn viên chuyên đóng vai phụ nhưng chưa qua trường lớp, mà chỉ tham gia nhiều phim nên có kinh nghiệm. Từ những trường hợp mà tôi biết như vậy nên trung tâm có một lớp đào tạo diễn xuất cho lứa tuổi trung niên. Đây là nơi để các anh chị tham gia như một cách giải trí sau công việc.

Tôi cũng thành lập câu lạc bộ sân khấu doanh nhân để các anh chị sinh hoạt và biểu diễn. Câu lạc bộ có cả sân khấu, điện ảnh, trình diễn thời trang và hát. Các anh chị sẽ được sinh hoạt nghệ thuật với các giáo viên của bộ môn mình học như kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hát, hóa trang, catwalk…

- Như vậy thì mục đích của lớp đào tạo diễn viên trung niên là gì thưa chị? Chương trình giảng dạy có khác so với các lớp diễn viên trẻ?

Lớp có 2 chương trình cơ bản và nâng cao. Nếu anh chị nào muốn theo nghề, làm nghề chuyên nghiệp thì học lớp nâng cao. Tôi rất muốn các anh chị diễn viên extra (tạm hiểu là diễn viên quần chúng) đi học thêm để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để các anh chị không đóng extra nữa mà là những vai có thoại, có đất diễn, nhiều phân đoạn hơn.

Thậm chí là qua lớp học này, chúng tôi kỳ vọng, khi kỹ thuật biểu diễn vững thì các anh chị có thể tham gia những vai thứ, vai chính. Tức là các anh chị sẽ có điều kiện để đến gần hơn với các vai diễn, các cơ hội làm nghề.

Còn về chương trình giảng dạy, ở lứa tuổi này, các anh chị còn gia đình, công việc nên mình phải tính toán rất kỹ thời gian học, thời gian cho các anh chị làm bài trả bài, sao cho thoải mái nhất, không áp lực về bài vở như các lớp trẻ.

Hơn nữa, nếu chỉ học thôi thì sẽ rất nhàm chán nên sẽ có nhiều môn phụ như catwalk, thanh nhạc để giải trí và cung cấp thêm kiến thức cơ bản về trình diễn thời trang, cách lấy hơi, luyện giọng.

Cứ 1 tháng, lớp tổ chức 1 buổi sinh hoạt ngoại khóa ca nhạc thời trang, biểu diễn tiểu phẩm. Những người lớn tuổi thường hướng về công tác xã hội nhiều nên từ những buổi biểu diễn ngoại khóa như vậy sẽ lập ra 1 quỹ để các anh chị đóng góp vào công tác xã hội và sẽ do chính các anh chị quản lý quỹ.

NSƯT Trịnh Kim Chi: Làm gì là quyết tâm làm tử tế và chất lượng - Ảnh 3.

Bao đồng mà là điều tốt đẹp thì cũng cố gắng làm

- Hiện tại, sân khấu cải lương rất gần như không có đất sống. Ngay cả những nghệ sĩ gạo cội, những tên tuổi lớn của giới cải lương để sống được với nghề cũng vô cùng khó khăn. Vậy tại sao trong bối cảnh đó, trung tâm lại mở lớp đào tạo diễn viên cải lương?

Tôi và ban lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định mở lớp đào tạo diễn viên cải lương. Tuy nhiên, trung tâm vẫn muốn có một lớp như vậy để duy trì diễn viên, đào kép trẻ cho sân khấu cải lương.

Thực tế là từ hôm trung tâm khai giảng đến giờ, số lượng học viên đăng ký không đông như các lớp khác. Các bạn đắn đo về vấn đề kinh tế và cả tương lai, không biết học xong sẽ như thế nào.

Tôi đang có ý định, với những bạn muốn theo học cải lương, có năng khiếu nhưng vì khó khăn mà không theo học được thì tôi sẽ xin 10 đến 15 suất học bổng từ các mạnh thường quân cho các bạn, tức là các bạn sẽ được học miễn phí.

- Chị có nghĩ là mình "ôm rơm rặm bụng"?

Tôi đã làm gì là quyết tâm làm cho tử tế, cho chất lượng nên cố gắng thôi. Đúng là mình hơi bao đồng nhưng tôi thấy là, việc làm đó mang lại điều tốt đẹp thì cố gắng làm.

- Lớp đào tạo biên kịch và đạo diễn sân khấu thường dành cho người trong nghề. Tuy nhiên, nếu họ cần bằng cấp hoặc để nâng cao nghề nghiệp, thường sẽ chọn chương trình đào tạo chính quy tại trường Sân khấu Điện ảnh chứ không phải trung tâm bồi dưỡng. Chị có nghĩ vậy?

Hiện tại, lớp này đang có nhiều người đăng ký nhất. Bởi vì NSND Trần Ngọc Giàu đứng lớp là để truyền nghề, truyền kinh nghiệm thực tế của thầy chứ không theo trình tự giáo trình ở trường.

Các anh chị đăng ký lớp học này đều là những anh chị đã và đang làm nghề, có kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều anh chị bên múa rối, cải lương và tác giả cũng đăng ký học

- Hiện tại chỉ tính riêng TP.HCM đã có quá nhiều lò đào tạo diễn viên, vậy chị có ngại vấn đề cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp?

Trước khi mở trung tâm này thì sân khấu Trịnh Kim Chi cũng đã mở lớp đào tạo rồi. Tôi mở lớp đào tạo như này cách đây gần 10 năm, sau đó nhiều sân khấu cũng mở. Tôi thấy chuyện đó bình thường.

Vấn đề là đào tạo xong thì con đường tiếp theo cho các bạn làm nghề sẽ như thế nào. Đó là trách nhiệm của mỗi trung tâm giảng dạy. Sân khấu nào cũng làm công tác đào tạo và họ đào tạo phục vụ cho chính sân khấu của mình.

Còn chuyện cạnh tranh, tôi nghĩ không ai buồn lòng đâu vì đây là sự cạnh tranh lành mạnh. Nhiều lò đào tạo thì các bạn có nhiều sự chọn lựa hơn.

Tags:
Phương Thanh: “Tôi từng trải qua một giai đoạn rất dài và cũng bị nói là ca sĩ hết thời.

Phương Thanh: “Tôi từng trải qua một giai đoạn rất dài và cũng bị nói là ca sĩ hết thời.

Với Phương Thanh, nghệ sĩ cũng có những lần rơi vào bế tắc bởi ngoài tỏa sáng trên sân khấu thì cũng phải lo cơm áo, gạo tiền để chăm lo gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất