Nữ phi công 9X từ bỏ cuộc sống ở Dubai xa hoa, trở về quê hương chinh phục bầu trời: chưa từng bỏ cuộc
Có lẽ ước mơ chinh phục bầu trời là mong muốn của không ít những đứa trẻ, mỗi khi nhìn lên bầu trời xanh thắm và ngắm nhìn những chiếc máy bay ngang qua.
14:07 09/03/2023
Thế nhưng chuyện được làm việc trên máy bay hoặc trở thành phi công là điều rất khó, kể cả với nam giới sức khỏe tốt chứ chưa nói đến phụ nữ. Vậy mà có 1 cô gái 9X năm nay vừa tròn 30 nhưng đã có nhiều năm liền làm việc trong hãng hàng không 5 sao, đến nay lại còn trở thành phi công. Giấc mơ chinh phục bầu trời của cô gái này đã thành hiện thực nhờ sự cố gắng không ngừng.
Câu chuyện về nữ phi công Vũ Khánh Ly (30 tuổi) em đọc trên báo Thanh niên mà thấy nể phục quá các mẹ ạ, một cô gái thật sự rất giỏi giang. Sau khi rời mái trường cấp 3, Khánh Ly thi đậu vào Học viện Hàng không Việt Nam, nơi cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi, đó là gắn bó với bầu trời.
Vào tháng 3/2015, chỉ 4 tháng trước khi tốt nghiệp, cô gái trẻ thi đậu tiếp viên hàng không của Emirates Airlines, 1 hãng hàng không 5 sao tại Trung Đông, ngay trong lần đầu thi tuyển. Vậy là cô rời Việt Nam để đến Dubai làm việc, bắt đầu một cuộc sống trong mơ với nhiều người: thuê nhà riêng, mua oto đi làm, sống tại 1 thành phố xa hoa tột độ. Thế nhưng với Khánh Ly, đó chưa hẳn là hạnh phúc.
"Một mình ở nước ngoài, cảm giác cô đơn quanh quẩn hoài, không có người thân bên cạnh. Có những lần bệnh tôi cũng phải tự chạy xe đến bệnh viện truyền nước rồi tự chạy xe về nhà. Nhiều ngày liên tiếp chỉ đi bay, chân sưng phù vì đứng lâu, rồi cô đơn, cười như robot, tôi nhận thấy hơn 3 năm đã đi du lịch nhìn ngắm đủ nên không muốn xa nhà nữa", nữ phi công kể lại.
Trong thời gian bị "áp lực" vì sự cô đơn ấy, Khánh Ly nhận được câu hỏi của một cơ trưởng người Singapore: "Đã bao giờ cháu nghĩ sẽ tiếp tục công việc bay ở nước mình nhưng với một vị trí khác chưa?". Đó cũng là cột mốc khiến cô gái định từ bỏ cuộc đời tiếp viên hàng không quyết định nộp đơn học phi công tại Mỹ.
Mãn khóa tốt nghiệp, Khánh Ly chính thức trở thành phi công và trở về nước làm việc. Cô chấp nhận từ bỏ cuộc sống sang chảnh ở thành phố với những tòa nhà cao chọc trời để trở về và cảm thấy dù có đang sống một mình nhưng vẫn không cô đơn.
Từ đây ‘văn phòng’ làm việc của nữ cơ phó 9X gói gọn trong buồng lái với khoảng 500 nút, cầu chì điều khiển với từng chức năng khác nhau. Tại đây, cô cùng cơ trưởng sẽ liên hệ kiểm soát viên không lưu, di chuyển trên sân đỗ, xin lệnh cất, hạ cánh, cân bằng trọng tải,…
Là con gái, Khánh Ly cũng muốn mình được yểu điệu, thướt tha nhưng đặc thù công việc không cho phép cô làm điều đó. Làm việc với đa số đồng nghiệp là nam, có đôi lần cô còn quên luôn mình là phụ nữ vì thường xuyên phải luyện tập những bài huấn luyện thể lực rất nặng.
Với công việc đi sớm, về khuya, đặc thù đi làm kín lịch vào ngày lễ, tết, nữ cơ phó cho rằng cũng rất khó tìm được "một nửa của mình". 6 tháng một lần, phi công phải vượt qua những bài huấn luyện và kiểm tra trong tình huống khẩn nguy, người trong nghề gọi đây là công việc buộc phải học cả đời, sức khỏe bền bỉ.
"Cảm giác đầu tiên khi ngồi vào chiếc ghế lái rất vui, rất hào hứng. Khi ở vị trí là phi công, view của tôi với cảnh quan xung quanh đặc biệt hơn rất nhiều. Có rất nhiều ngày tôi sẽ được trải nghiệm một bầu trời đêm đầy sao, những dãy núi cao, những đám mây nhỏ như những cục bông gòn hay những cơn bão rất to, nhìn trên radar nó không như vậy, nhưng nhìn thực tế nó rất là vĩ đại", Khánh Ly tâm sự.
Nhìn lại suốt từng ấy năm gắn bó với bầu trời, từ tiếp viên hàng không cho đến phi công, Khánh Ly vẫn khẳng định mình đến với nghề bởi chữ ‘duyên’. Cô tự hào mình cũng chưa bao giờ bỏ cuộc, luôn vượt qua được những điều mà bản thân từng tưởng chừng như không thể.
Ly xuất thân trong một gia đình nông dân, ở thôn quê không có điều kiện học tiếng Anh nên cô hầu như chỉ tự học tại nhà. Khoảng thời gian làm việc tại Dubai cũng giúp cô rèn luyện tiếng Anh nhiều hơn, hỗ trợ cho công việc phi công sau này bởi trên chuyến bay, tất cả trao đổi giữa phi công với không lưu, mặt đất đều bằng tiếng Anh.
Nữ cơ phó chia sẻ: "Ngày còn nhỏ, tôi là người nhút nhát, tự ti vì cao ngồng cao nghều, gầy như cây gậy không có điểm gì đặc biệt, học khá. Nhưng khi làm tiếp viên tôi được mở mang tầm nhìn, cảm thấy năng động hơn, muốn trải nghiệm, thử những điều mới lạ. Nhưng sau khi huấn luyện phi công thì tôi thấy mình trầm tính lại. Tôi nghĩ cứ từ từ giải quyết, mọi thứ sẽ qua, kết quả sẽ tốt hơn là bốc đồng".
Khánh Ly thừa nhận bản thân đã thay đổi nhiều, tự tin hơn từ khi trở thành phi công, đặc biệt là khi sánh bước cùng với số đông nam giới trong nghề, Ly cảm thấy được tôn trọng chia sẻ giống nhau, bình đẳng hơn.
Một khi được làm công việc yêu thích thì suốt cả đời không phải đi làm nữa, có lẽ điều này thật sự đúng với nữ phi công 9X này. Với nhiều người, phụ nữ làm phi công là điều gì đó còn tương đối lạ lẫm, nhưng thật sự không có công việc nào mà các chị em lại không thể làm, có chăng là ai bền bỉ hơn ai, ai kiên trì hơn ai, cố gắng hơn ai mà thôi. Ngoài đam mê ra, cô gái trẻ còn phải luôn nỗ lực mỗi ngày thì mới đạt được thành tựu như ngày hôm nay, thật là điều đáng nể phục các mẹ ạ.
Tiến sĩ Việt đạt thành tích đáng nể trên đất Mỹ: Từng là thủ khoa, giành học bổng toàn phần 5 nước
Từng được tuyển thẳng đại học, thành thủ khoa đầu ra Đại học Y Dược TP.HCM, Tiến sĩ Phạm Đức Hùng nhận học bổng toàn phần 5 nước và đạt thành tích đáng nể tại Mỹ.