Ông Tây ngồi khóc bên đường và lòng tốt của người Việt giữa đêm
Mới đây, câu chuyện một người Mỹ bị mất ví, ngồi khóc ở Phú Yên, được một người Việt giúp đỡ gây sốt trên mạng xã hội. Điều bất ngờ, người tốt đó từng được cộng đồng mạng thả tim vì hành động hào hiệp trước đây.
16:32 01/11/2022
Câu chuyện được một tài khoản đăng lên mạng xã hội Facebook đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Chỉ sau ít giờ, bài viết nhận được hơn 10.000 lượt thích, hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Đa phần mọi người đều thể hiện sự ngưỡng mộ đối với chàng trai đã giúp đỡ người đàn ông nước ngoài lúc hoạn nạn, thể hiện được sự hào hiệp, lòng tốt của người Việt Nam; đồng thời hy vọng khổ chủ sớm tìm lại được ví.
Chiếc ví sau khi mất đã về với chủ
Gác công việc để đi giúp người trong đêm
Theo xác minh của PV Thanh Niên, người đã giúp đỡ “ông Tây” nói trên là anh Ngô Văn Lành (38 tuổi), chủ một salon tóc ở Phú Yên.
Ngay khi biết vụ việc, anh Lành đã tới hỗ trợ ông Michael Adam
Kể với PV, anh Lành cho biết tối 23.8 anh nhận được tin nhắn của người quen nói rằng có một người đàn ông ngoại quốc mất ví, ngồi khóc trên đường Phan Lưu Thanh (P.7, TP.Tuy Hòa) và đang cần sự giúp đỡ. Nghe vậy, anh không suy nghĩ nhiều mà gác hết công việc, phóng xe đến nơi cách nhà hơn 5 km. Trên đường đi, nghĩ đến chuyện nhờ mạng xã hội lan tỏa, anh có đăng một bài viết lên Facebook trình bày sự việc, kêu gọi bạn bè hỗ trợ tìm ví cũng như giúp người đàn ông. Vốn được biết đến là người hảo tâm, có tấm lòng thiện nguyện, ít tiếng sau, anh đã nhận được hơn 2 triệu đồng từ bạn bè.
Vợ chồng anh Lành phát xăng cho đoàn người về quê tránh dịch năm 2021
“Vì không biết tiếng Anh nên tôi có nhờ một người quen hỗ trợ phiên dịch. Theo lời kể thì ông là Michael Adam (43 tuổi, người Mỹ), bị mất ví trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng và trên người lúc đó cũng không có tiền. Ông Michael sang Việt Nam năm 2019, ở Phú Yên cũng hơn 2 năm rưỡi rồi, lúc trước có làm giáo viên dạy tiếng Anh nhưng sau dịch thì thất nghiệp, đang gặp khó khăn”, anh Lành kể lại và cho biết ngay sau đó đã cùng những người bạn của mình hỗ trợ ông Michael toàn bộ số tiền mà bạn bè vừa ủng hộ. Anh cũng sắp xếp cho ông chỗ ở tạm thời. Còn anh thì dùng mọi cách để có thể tìm lại chiếc ví.
May mắn không phụ lòng người tốt
Sau khi tin tức được lan tỏa trên mạng xã hội, một người tốt chủ động liên hệ với anh Lành, cho biết đã tìm được chiếc ví. Anh Lành lập tức tìm đến để nhận ví và trao trả lại cho người mất, may mắn giấy tờ vẫn còn nguyên vẹn.
Cầm món đồ trên tay, ông Michael Adam không khỏi xúc động và vui mừng. Ông cảm kích lòng tốt của anh Lành, của người dân Phú Yên nói riêng và người Việt Nam nói chung, vì lúc nào cũng hào phóng giúp đỡ. “Tôi tin vào nhân quả, khi bạn giúp đỡ ai đó thì chắc chắn, một ngày nào đó bạn cũng sẽ nhận lại được như vậy. Không chỉ được anh Lành giúp, mà từ lúc mất ví, rất nhiều người khác cũng hỗ trợ đồ ăn đồ uống cho tôi. Thực sự tôi rất biết ơn. Đó cũng là lý do tôi yêu Việt Nam!”, ông Michael nói.
Tâm sự với chúng tôi, anh Lành nói việc giúp đỡ một ai đó, thấy được niềm vui của họ cũng đem lại cho anh hạnh phúc. Anh Lành cũng đề nghị nếu ông Michael có muốn hỗ trợ thêm về giấy tờ hay các thủ tục để về nước, anh cũng luôn sẵn lòng trong khả năng của mình.
Đồng hành cùng anh Lành trong hành trình hỗ trợ ông Michael với vai trò phiên dịch, anh Nguyễn Phạm Bảo Hậu (35 tuổi) không giấu được niềm vui khi chiếc ví đã về được với chủ. Anh tự hào vì có thể góp một chút sức của mình để giúp đỡ mọi người, nhất là khi thể hiện được tình cảm, tấm lòng của người Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài.
Một bất ngờ thú vị mà dân mạng cũng tìm ra, đó là ngày 30.7 năm ngoái, anh Lành từng được cư dân mạng thả tim tràn ngập khi cùng vợ là chị Bùi Thị Hoàng Yến (26 tuổi) đứng ở giao lộ QL1 - QL25 (Phú Yên) để phát xăng cho đoàn người về quê giữa mùa dịch Covid-19. Câu chuyện của 2 vợ chồng đã nhận được cơn mưa lời khen từ phía cư dân mạng thời điểm đó.
Cô gái 24 năm làm con nuôi trên đất Pháp và hành trình tìm lại mẹ ruột ở Việt Nam: “Tôi luôn mong mỏi được gặp bà, dù trong hoàn cảnh nào“
Mẹ không để lại cho Manon Maillet bất cứ thứ gì, kể cả một cái tên sau khi bà sinh cô tại Bệnh viện Từ Dũ năm 1995. Manon được cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Cô gái trẻ lớn lên, đi khắp thế gian rồi khát khao quay về Việt Nam để kiếm tìm cội nguồn.